"Mỗi khi ca hát thấy cuộc đời đẹp hơn và muốn sống tốt hơn"

Thứ Sáu, 30/08/2019, 21:57 [GMT+7]
In bài này
.

Chúng tôi đến Trại giam Xuyên Mộc (Cục C10) vào một ngày cuối tháng 8, lúc phạm nhân trong các tổ văn nghệ của trại đang tích cực chuẩn bị tiết mục mừng ngày lễ Quốc khánh 2/9. Vượt qua mặc cảm, họ tự tin đứng trên sân khấu, cất lên lời ca mang theo khát vọng làm lại cuộc đời.

Cán bộ Trung tâm Văn hóa tỉnh (bìa phải) hướng dẫn một tiết mục múa cho phạm nhân  trong Đội văn nghệ Trại giam Xuyên Mộc.
Cán bộ Trung tâm Văn hóa tỉnh (bìa phải) hướng dẫn một tiết mục múa cho phạm nhân trong Đội văn nghệ Trại giam Xuyên Mộc.

Thượng tá Nguyễn Văn Luận, Phó Giám thị Trại giam Xuyên Mộc cho biết, trong nhiều năm qua, vào những dịp kỷ niệm, Trại giam Xuyên Mộc đều tổ chức các buổi biểu diễn văn nghệ cho phạm nhân các phân trại có dịp giao lưu, động viên, cố gắng cải tạo tốt để sớm được về sum họp gia đình.

Theo hướng dẫn của Thượng tá Nguyễn Văn Luận, chúng tôi đến một phòng tập văn nghệ của trại. Với gương mặt đẹp trai, chơi ghi ta giỏi và một vẻ ngoài rất “nghệ sĩ”, phạm nhân Nguyễn Minh Phúc (27 tuổi, gia đình cư ngụ tại TP.Vũng Tàu) tâm sự: Đến giờ này, Phúc vẫn không hiểu tại sao lại “dại dột” đến nỗi phải chôn vùi quãng đời tuổi trẻ sau cánh cửa trại giam (Phúc mua bán ma túy, bị kết án 14 năm tù). Từ chỗ ân hận về lỗi lầm của mình cũng như được sự quan tâm, động viên, giúp đỡ của cán bộ trại giam, Phúc quyết tâm cải tạo tốt để sớm được trở về với xã hội. Sẵn có năng khiếu văn nghệ, Phúc xin tham gia vào Tổ văn nghệ Phân trại số 2 gồm 10 thành viên, phục vụ cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội nghị, những ngày lễ lớn do trại tổ chức.

Gần đây nhất, tại cuộc thi “Ngày hội văn hóa trong phạm nhân” do Trại giam Xuyên Mộc tổ chức vào tháng 6 vừa qua, Phúc và các thành viên trong Tổ văn nghệ Phân trại số 2 đã xuất sắc giành giải nhất. “Niềm vui lớn nhất đối với chúng tôi khi tham gia các hội diễn là dùng lời ca, tiếng hát, năng khiếu của bản thân để tạo nên môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh. Mỗi lúc ca hát thấy cuộc đời đẹp hơn và đáng để sống tốt hơn”, Phúc chia sẻ.

Cũng là “cây văn nghệ” của Tổ văn nghệ Phân trại số 1, Trần Đức Thiện (34 tuổi, gia đình cư ngụ tại huyện Xuyên Mộc) có năng khiếu về ca hát và dẫn chương trình. Cách đây 8 năm, Thiện bị kết án 14 năm tù về tội giết người. Cũng như các phạm nhân khác, thời gian đầu nhập trại, tâm trạng Thiện rất hụt hẫng. Khi được các cán bộ quản giáo tận tình chia sẻ, chỉ cái đúng, cái sai nên Thiện mới dần an tâm cải tạo. 

Đặc biệt, từ khi được tham gia vào tổ văn nghệ, tự tin trình diễn các tiết mục trước phạm nhân và cán bộ trại, Thiện đã có suy nghĩ tích cực hơn với mong muốn chuộc lại lỗi lầm, làm lại cuộc đời. “Chính niềm đam mê văn hóa, văn nghệ đã giúp tôi thấy vui vẻ, yêu đời và cải tạo tốt hơn. Trong 3 năm liên tiếp gần đây, tôi đã 3 lần được xét giảm án với tổng cộng khoảng 30 tháng tù. Có vài lần gia đình lên thăm, thấy tôi ca hát trên sân khấu, ai nấy đều mừng”, Thiện bày tỏ.

Một số lần chứng kiến hội thi “Tiếng hát tình đời”, “Ngày hội văn hóa trong trại giam” hay một số sự kiện được tổ chức trong Trại giam Xuyên Mộc với sự tham gia của các tổ văn nghệ, chúng tôi cảm nhận rõ tiếng hát cất cao đang khơi dậy niềm khát khao hoàn lương của các phạm nhân. Những “diễn viên” này đã thật sự lột xác với những bộ trang phục biểu diễn. Họ đã “cháy” hết mình trên sân khấu, đưa nội tâm vào từng tiết mục khiến những người chứng kiến xúc động. Những ca khúc họ hát, dù về chủ đề gì cũng là tiếng lòng với quyết tâm hoàn lương, làm lại cuộc đời.

Thượng tá Nguyễn Văn Luận cho biết, những năm qua, Trại giam Xuyên Mộc phối hợp với Sở VH-TT thường xuyên tổ chức nhiều chương trình, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thi đua lành lạnh trong phạm nhân của trại. Bên cạnh đó, trại cũng đã trang bị 3 thư viện đặt tại các phân trại, với tổng số hơn 5 ngàn đầu sách các loại phục vụ nhu cầu đọc sách của phạm nhân; qua đó, tổ chức “Ngày hội đọc sách”, cuộc thi “Viết cảm nhận về sách” đã góp phần hình thành, phát triển, duy trì văn hóa đọc trong phạm nhân. “Đây là những hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong công tác giáo dục, cải tạo, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, động viên, khích lệ phạm nhân tích cực lao động, học tập để họ phấn đấu sớm trở về cuộc sống đời thường và thành người có ích cho xã hội”, Thượng tá Nguyễn Văn Luận nhấn mạnh.

Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM

 
;
.