.

Lan tỏa phong trào "Tôi yêu Tổ quốc tôi"

Cập nhật: 20:05, 21/08/2019 (GMT+7)

Sau 5 năm triển khai phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam phát động, các cấp Hội LHTN trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, tạo điều kiện cho thanh niên ra sức thi đua phát triển kinh tế, tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa quê hương BR-VT ngày càng giàu đẹp.

Các bác sĩ quân y của Đoàn Khối LLVT tỉnh khám bệnh cho người nghèo xã Long Tân, huyện Đất Đỏ ngày 25/7.
Các bác sĩ quân y của Đoàn Khối LLVT tỉnh khám bệnh cho người nghèo xã Long Tân, huyện Đất Đỏ ngày 25/7.

LÀM GIÀU CHO GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI

Phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” được Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2014-2019 phát động nhằm cổ vũ thanh niên thể hiện lòng yêu nước bằng những hành động cụ thể, tích cực, như: tham gia xây dựng Hội vững mạnh; xung kích, tình nguyện, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, sẵn sàng cống hiến cho quê hương, cho đất nước. Tại BR-VT, với 51.884 hội viên đang sinh hoạt tại 83 cơ sở Hội, các cấp Hội đã tích cực vận động ĐVTN sống có trách nhiệm với bản thân, biết làm chủ cuộc sống bằng khả năng tự thân lập nghiệp.

Trước đây, gia đình anh Trần Quốc Bảo (SN 1985, ở ấp Phước Thới, xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ) chỉ trồng lúa, cây hoa màu như bao gia đình khác, nhưng đất đai cằn cỗi, lại nhiễm phèn nặng, sản xuất không hiệu quả nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Sau khi tham quan một số mô hình kinh tế hiệu quả ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, anh Bảo tự hỏi: Cùng điều kiện đất nhiễm phèn như ở quê mình, nhưng ở đây họ làm nông nghiệp tốt, vậy sao mình không làm được. Năm 2008, anh đã tìm được hướng đi cho riêng mình. Anh vay 25 triệu đồng từ Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện và nhờ các chuyên gia nông nghiệp tư vấn cải tạo 6 sào đất, trồng 400 gốc mãng cầu. Ngoài học hỏi kỹ thuật từ sách báo, internet, anh Bảo còn cất công đi nhiều nơi để tham quan, học tập cách trồng và chăm sóc mãng cầu ta. Sau 2 năm, vườn mãng cầu cho thu hoạch 2 vụ/năm, sản lượng đạt trên 3 tấn/vụ. Trừ chi phí, anh Bảo thu lãi gần 40 triệu đồng/vụ. Năm 2010, anh Bảo tiếp tục cải tạo 7 sào ruộng để trồng dừa. Trung bình mỗi năm, anh Bảo thu về gần 200 triệu đồng từ trồng mãng cầu ta và dừa.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 161 mô hình thanh niên phát triển kinh tế cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, chủ yếu tập trung vào các ngành chăn nuôi, trồng trọt. Chính sự sáng tạo, nỗ lực trong lập thân, lập nghiệp của họ đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bản thân, gia đình, đồng thời chung tay cùng chính quyền địa phương sớm hoàn thành tiêu chí về thu nhập trong thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

SỐNG ĐẸP, SỐNG CÓ ÍCH

Trong khi ĐVTN vùng nông thôn ra sức thể hiện tinh thần yêu Tổ quốc bằng ý chí tự lực trong lập thân, lập nghiệp, thế hệ trẻ tại các cơ quan, DN lại tích cực tham gia các phong trào tình nguyện vì an sinh xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Có dịp cùng chứng kiến các chiến sĩ quân y thuộc Đoàn khối LLVT tỉnh đến khám bệnh miễn phí cho bà con nghèo ở xã Long Tân, huyện Đất Đỏ trong chương trình “Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng” năm 2019 do Hội LHTN tỉnh tổ chức ngày 25/7 vừa qua, chúng tôi cảm nhận được tình cảm, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với người dân vùng xa. Bà Lý Thị Nhị (70 tuổi, dân tộc Châu Ro, ấp Tân Thuận, xã Long Tân) cho biết: “Tôi hay ốm đau nhưng không có điều kiện để đi bệnh viện, nhiều khi chịu đựng không nổi nên cứ ra tiệm mua thuốc uống đại mà không biết có đúng với bệnh không. Giờ được các bác sĩ khám cẩn thận, tôi rất yên tâm”.

Do kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhiều người dân thường mắc các bệnh về huyết áp, xương, khớp và đường tiêu hóa, trẻ em thường mắc các chứng còi xương, suy dinh dưỡng… Các bác sĩ trẻ cẩn thận nắm tình hình, thăm khám, kê đơn, bốc thuốc và dặn dò cách uống lần lượt cho 250 người nghèo khiến buổi khám bệnh kéo dài đến cuối trưa mới hoàn thành.

Từ năm 2014 đến nay, qua phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, các cấp Hội đã đảm nhận hơn 2.018 công trình thanh niên vì an sinh xã hội; tổ chức 45 lớp chuyển giao KH-KT, 19 lớp phổ cập tin học cho cho 3.670 lượt ĐVTN; tổ chức 738 buổi giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho 26.523 lượt thanh thiếu nhi, 868 hoạt động truyền thống, về nguồn, tìm về địa chỉ đỏ cho 31.610 lượt ĐVTN; thành lập 696 CLB, đội, nhóm tình nguyện tham gia phát triển hạ tầng nông thôn, xây dựng cảnh quan môi trường, giữ gìn ANTT, ATGT…

Bên cạnh các hoạt động vì an sinh xã hội tại các xã vùng xa, tuổi trẻ BR-VT còn có nhiều việc làm thiết thực tham gia bảo vệ Tổ quốc bằng cách nâng cao ý thức cho ĐVTN về lối sống lành mạnh, có hành vi ứng xử đúng pháp luật, tích cực tham gia xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015-2020 về “Xây dựng Vũng Tàu trở thành thành phố du lịch, xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện, ấn tượng”, năm 2017, Hội LHTN TP.Vũng Tàu đã phát động phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nếp sống văn minh đô thị” với phương châm “Mỗi thanh niên một việc làm tốt, mỗi tổ chức Hội một hoạt động thiết thực tham gia xây dựng đô thị văn minh”. Từ đó đến nay, chương trình “Ngày Chủ nhật xanh” hàng tháng thu hút gần 500 lượt ĐVTN tham gia dọn vệ sinh, thu gom rác trên các bãi tắm, chăm sóc cây xanh, tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, nguồn nước… Ngoài ra, 100% Hội LHTN xã, phường đều có công trình, phần việc thanh niên như trồng cây xanh, tẩy xóa biển quảng cáo trái phép…

Anh Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh cho biết: “Các cấp Hội cần tập trung đổi mới, cải tiến các hoạt động tình nguyện theo hướng tại chỗ, tập trung, các công trình, phần việc phải gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với từng địa bàn, lĩnh vực để thế hệ trẻ tiếp tục rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu để trở thành công dân tốt, sống trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội, hoàn thành tốt nhiệm vụ và sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Bài, ảnh: MINH NHÂN

.
.
.