Lan tỏa phong trào "học" và "làm theo" Bác

Thứ Tư, 28/08/2019, 20:35 [GMT+7]
In bài này
.

Năm 2019, tròn 50 năm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những năm gần đây, việc thực hiện Di chúc của Bác còn được gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tạo nên những phong trào có tính lan tỏa, tầm ảnh hưởng rộng lớn. 

Tuổi trẻ BR-VT tình nguyện học Bác, xung kích trong hoạt động tình nguyện. Trong ảnh: ĐVTN giúp nông dân huyện Châu Đức thu hoạch tiêu.  Ảnh: MINH THANH
Tuổi trẻ BR-VT tình nguyện học Bác, xung kích trong hoạt động tình nguyện. Trong ảnh: ĐVTN giúp nông dân huyện Châu Đức thu hoạch tiêu. Ảnh: MINH THANH

BẢO VẬT QUỐC GIA

Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một kiệt tác chứa đựng tinh thần cao cả, sâu sắc nhưng cũng rất gần gũi. Di chúc của Người vừa mang tính triết lý truyền thống, đồng thời cũng chỉ ra con đường tương lai; vừa là cảm nghĩ của một vĩ nhân nhưng cũng là sự đúc kết các quy luật của tự nhiên, xã hội, con người một cách đơn giản, nhẹ nhàng, kinh nghiệm, cô đọng, triết luận. Đây chính là 1 trong 5 bảo vật quốc gia Bác để lại, là “di sản to lớn” với toàn Đảng, toàn dân ta.

GS, TS Hoàng Chí Bảo, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã có hơn 40 năm nghiên cứu về cuộc đời, tư tưởng, sự nghiệp của Bác Hồ. Ông đã nhiều lần về Bà Rịa - Vũng Tàu nói chuyện với các cán bộ, đảng viên về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. GS, TS Hoàng Chí Bảo cho biết, năm 1965, Bác Hồ bắt đầu viết Di chúc. Theo ông, bản Di chúc thiêng liêng hơn 1.000 từ mà Người khiêm nhường chỉ gọi là “một bức thư”, là “mấy lời nhắn gửi trước lúc đi xa” thực sự là một văn kiện lịch sử vô giá, một đại tổng kết về cách mạng Việt Nam gắn bó mật thiết với cuộc đời, với sự nghiệp của Người. Di chúc còn là một thiết kế lý luận về đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước trong hòa bình. Và Người đã dành nhiều thời gian, tâm huyết trong 4 năm trời, chắt lọc từng câu, từng chữ để viết nên bản Di chúc này. 

Anh Bùi Vĩnh Gia thành lập CLB Bóng đá Dream (xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc) nhằm tạo sân chơi miễn phí cho trẻ em.  Ảnh: HOÀNG HƯỜNG
Anh Bùi Vĩnh Gia thành lập CLB Bóng đá Dream (xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc) nhằm tạo sân chơi miễn phí cho trẻ em. Ảnh: HOÀNG HƯỜNG

Bác Hồ có quan điểm triệt để và nhân văn: độc lập dân tộc phải gắn liền với sự ấm no, tự do, hạnh phúc. Bác từng viết “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”, hay “chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc…”. Quan điểm nhất quán này của Bác được thể hiện ngay trong bản Di chúc Bác viết đầu tiên (5/1965): “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Trong bản Di chúc năm 1968, Người đã đề ra “kế hoạch hậu chiến” toàn diện để xây dựng đất nước. Đó là “kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh”. Đó là sự cần thiết “khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế”, là sự cần thiết “phát triển công tác vệ sinh, y tế”. 

GS, TS Hoàng Chí Bảo phân tích, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy sự quan tâm tỉ mỉ, chu đáo của Người tới tất cả mọi người, không sót một ai. Và với tầm nhìn xa, Người cũng thấu hiểu sự khó khăn của mỗi chặng đường cách mạng, một đất nước bước ra từ hoang tàn, đổ nát trong chiến tranh thì công việc tái thiết đất nước là vô cùng khó khăn. Vì vậy, Người nhấn mạnh: “Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề và phức tạp mà cũng rất vẻ vang. Đây là cuộc chiến đấu chống lại những gì cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”. Từ đó, GS, TS Hoàng Chí Bảo khẳng định, với một kế hoạch hậu chiến toàn diện, bao gồm mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, con người…, bản Di chúc lịch sử mang tầm vóc một cương lĩnh xây dựng đất nước. 

“HỌC” VÀ “LÀM THEO” BÁC KHÔNG KHÓ

Cùng cả nước, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã nỗ lực thực hiện Di chúc của Bác Hồ. Những năm gần đây, đã gắn kết việc thực hiện Di chúc với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Từ đó, nhiều mô hình mới, cách làm hay, nhiều cá nhân điển hình, tiêu biểu đã xuất hiện.

Theo gương Bác, tuổi trẻ BR-VT sẵn sàng xung kích trong hoạt động tình nguyện, từ thiện xã hội. Trong ảnh: Thành viên CLB Thầy thuốc trẻ BR-VT khám bệnh miễn phí cho người dân TX.Phú Mỹ. Ảnh: MINH THANH
Theo gương Bác, tuổi trẻ BR-VT sẵn sàng xung kích trong hoạt động tình nguyện, từ thiện xã hội. Trong ảnh: Thành viên CLB Thầy thuốc trẻ BR-VT khám bệnh miễn phí cho người dân TX.Phú Mỹ. Ảnh: MINH THANH

 

Cô Vũ Thị Việt Hoa, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường TH Quang Trung, TP. Vũng Tàu là một trong 30 tấm gương điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy biểu dương trong dịp này. Cô Hoa chia sẻ: “Với bản thân tôi và các giáo viên, nhân viên nhà trường, việc học và làm theo Bác không khó, bởi những bài học về lý tưởng cách mạng, về tình yêu thương nhân loại, về đạo đức làm người từ Bác không phải là những điều cao siêu. Học Bác, làm theo Bác ở đây chính là thẩm thấu những lời nói, việc làm tự nhiên, hàng ngày của Người. Mỗi lời nói, mỗi hành động, mỗi việc làm của Bác, dù rất nhỏ cũng đã là một thông điệp ý nghĩa sâu xa về đạo đức làm người”.

Anh Bùi Vĩnh Gia (SN 1982) là chủ nhiệm CLB Bóng đá Dream (xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc). Sinh ra thiếu tháng nên cơ thể anh yếu ớt. 5 tuổi, anh mới bắt đầu chập chững biết đi. Ba mẹ đã đưa anh đi chữa trị nhiều nơi, nhưng kết quả không được như mong muốn. Dù không thể đi đứng như người bình thường nhưng anh đã tìm đến bóng đá để rèn luyện sức khỏe theo lời khuyên của một bác sĩ người Úc. Năm 2008, anh thành lập CLB bóng đá với mong muốn lấy bóng đá làm môn rèn luyện sức khỏe, đồng thời tạo sân chơi miễn phí cho trẻ em trên địa bàn xã. Từ 30 em, đến nay, CLB Bóng đá Dream đã có hơn 300 em trên địa bàn huyện Xuyên Mộc tham gia tập luyện. “Thông qua CLB Bóng đá Dream, tôi muốn mang đến cho các em môi trường vui chơi đoàn kết, biết giúp đỡ nhau, vượt qua hoàn cảnh để sống có ý nghĩa hơn. Không chỉ là thể thao, điều quan trọng tôi muốn truyền đạt cho các em là đạo đức, niềm tin vào cuộc đời tươi đẹp sau này”, anh Gia tâm sự. 

Các đội bóng của CLB đã đạt được nhiều thành tích trong các giải bóng đá trẻ trên địa bàn tỉnh. Một số cầu thủ của CLB cũng đã được tuyển chọn vào các lò đào tạo bóng đá trẻ nổi tiếng trong nước. Với những đóng góp của mình cho cộng đồng, anh Bùi Vĩnh Gia cũng là một trong 30 tấm gương điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy biểu dương trong dịp này. 

Trong tình hình hiện nay, việc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xác định đặc biệt quan trọng gắn liền với việc học tập và làm theo Bác. Ông Trần Văn Khánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, việc Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là điều rất đúng đắn. Tuy nhiên, theo ông, một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái, biến chất, trong đó có một số người đã bị kỷ luật. Đây là nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng, của đất nước. “Phải coi việc “học” và “làm theo” tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh như một cuộc đấu tranh để mỗi cán bộ, đảng viên tự nhìn nhận lại mình nhằm làm tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được giao. Làm đơn giản, qua loa, hình thức là có tội với Bác và sẽ không bao giờ đạt kết quả như mong muốn”, ông Trần Văn Khánh nhấn mạnh.

NHÓM PHÓNG VIÊN  

 
;
.