Giữ nếp xưa trong ngôi nhà cổ

Thứ Ba, 13/08/2019, 18:52 [GMT+7]
In bài này
.

Nếu nói nhà cổ có tuổi đời trên 100 năm, vùng Đất Đỏ hiện không còn nhiều. Do vậy, không khó để chúng tôi tìm được nhà ông Huỳnh Văn Cưới (KP.Phước Thới, TT. Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ). Căn nhà nằm ngay mặt tiền Quốc lộ 55, kiểu nhà 3 gian 2 chái đặc trưng vùng Nam Bộ xưa, mái ngói âm dương xỉn màu không lẫn vào đâu được.

Căn nhà có tuổi đời trên 100 năm của gia đình ông Huỳnh Văn Thới (KP. Phước Thới, TT.Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ).
Căn nhà có tuổi đời trên 100 năm của gia đình ông Huỳnh Văn Thới (KP. Phước Thới, TT.Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ).

Từ vòng xoay TT. Đất Đỏ, di chuyển theo Quốc lộ 55 hướng về Xuyên Mộc chừng 500m chúng tôi đã đến căn nhà trên. Mặt tiền căn nhà rất rộng, đến hơn 20m, phía trước hàng cau kiểng vươn cao càng tô điểm cho nếp nhà thêm xưa. Ông Huỳnh Văn Thới, 70 tuổi, người đang trông coi ngôi nhà cho biết, căn nhà do ông nội là cụ Huỳnh Văn Hùng xây cất vào khoảng cuối thế kỷ 19. Theo lời kể của cha ông - cụ Huỳnh Văn Cưới (SN 1919, mất năm 2003), phải đến 3-4 năm mới làm xong căn nhà. “Ông nội tôi làm thầy thuốc Đông y, giỏi chữ Hán và chữ Nôm. Tất cả các câu đối, hoành phi, liễn treo trong nhà do ông tự tay viết rồi thuê người cẩn lên gỗ. Hoa trang trí trên các bức tranh treo cột cũng do chính ông nội vẽ”, ông Thới kể.

Theo lời kể của các cụ cao niên, trước đây khi xây nhà, điều họ quan tâm trước tiên chính là hướng nhà. Nhà trên (nhà chính) được xây dựng rất công phu với hệ thống cột gồm cột quân, cột hiên, cột cái; mái lợp bằng ngói âm dương; xung quanh thưng bằng ván gỗ. Ở hai bên cột quân và cột cái treo cặp câu đối để bày tỏ lòng biết ơn của lớp con cháu đời sau đối với công lao to lớn của tổ tiên và nhắc nhở ý thức xây dựng và phát huy truyền thống gia đình, dòng tộc. Gian chính giữa bao giờ cũng là nơi đặt bàn thờ Phật, hoặc bàn thờ tổ tiên. Hầu hết những ngôi nhà xưa ở gian giữa thường treo các bức đại tự bằng chữ Hán được sơn son thếp vàng, thể hiện nếp gia phong, quan niệm sống hoặc những lời răn dạy về đạo đức, lối sống, cách đối nhân xử thế… “Cha tôi cũng nối nghiệp ông nội hành nghề bắt mạch, bốc thuốc cho bà con, bá tánh. Cha tôi sinh được hơn 10 người con nhưng giờ chỉ còn 6 anh em trai. Tôi là con thứ sáu, làm giáo viên. Các anh em còn lại người làm công chức nhà nước, người làm thợ cơ khí, không ai theo nghề ông nội và cha cả. Tuy nhiên, ai cũng ghi nhớ tâm nguyện của ông nội và cha là phải bảo tồn ngôi nhà và những di vật gắn với tổ tiên”, ông Thới cho biết thêm.

Năm 2002, Quốc lộ 55 qua TT. Đất Đỏ (huyện Đất Đỏ) được nâng cấp, mở rộng lấy vào gần phân nửa căn nhà. Tuy nhiên, để giữ nguyên vẹn căn nhà tổ, ông Huỳnh Văn Cưới đã tìm hiểu và thuê người dịch chuyển ngôi nhà vào bên trong. Tuy nhiên, vì kèo, đòn tay trong nhà hoàn toàn khớp lại bằng lắp ghép chứ không dùng đinh hay ốc vít nên khi dịch chuyển nếu tháo rời sẽ hư hỏng toàn bộ. Một kế hoạch dịch chuyển toàn bộ phần khung xương nhà được lên kế hoạch. Ông Thới nhớ lại: “Quốc lộ 55 sau khi thi công cao hơn nhà tôi cả mét, nên khâu đầu tiên là phải nâng, san ủi nền cho bằng mặt đường. Sau đó đến thi công phần nền và các chi tiết tương đương nhà cũ, tháo gỡ toàn bộ mái ngói, vách gỗ, cửa, chỉ để lại phần khung cột, vì kèo rồi ràng cứng lại thành một khối. Có 150 thợ chuyên làm nhà cổ gốc Huế, Quảng Trị sinh sống tại Châu Đức được huy động để dịch chuyển căn nhà. Cách dịch chuyển hoàn toàn thủ công bằng sức người. Ngôi nhà được nhích dần sau mỗi nhịp hô 1,2,3. Khoảng cách từ nền nhà cũ đến nền mới chỉ 10m nhưng phải mất hơn 5 tháng việc di dời toàn bộ căn nhà mới hoàn tất”.

Sự việc dời nhà đã diễn ra 17 năm trước. Ông Cưới cũng “về với tổ tiên” 1 năm sau đó. Thế nhưng, đến TT. Đất Đỏ hỏi về nhà cổ, câu chuyện dời nhà của gia đình ông Cưới vẫn được nhiều người rỉ rả kể như một sự kiện trọng đại. Anh Đặng Minh Phúc, công chức phụ trách văn hóa TT. Đất Đỏ cho hay: Lúc ngôi nhà được nhấc lên dịch chuyển vào vị trí mới, bà con xung quanh xúm lại xem đông vui, bàn tán, hò reo như trẩy hội.

Căn nhà cổ bây giờ chủ yếu để thờ cúng tổ tiên. Các hiện vật từ thời ông nội – cụ Huỳnh Văn Hùng vẫn được con cháu gìn giữ: 3 bộ tủ thờ cẩn xà cừ, 2 bộ ván ba, lư hương, các câu đối, bức trướng, bức ảnh đình thần Phước Thới chụp đen trắng, phía dưới là bài thơ chữ Hán có phiên âm Hán-Việt, bộ nghiên mực - cọ viết chữ… được lưu giữ cẩn thận. Đầu tháng, ngày Rằm, ông Thới mở cửa quét dọn, thắp hương, đơm trái cây cúng tổ tiên. Vào dịp Tết hoặc giỗ ông bà, các anh em ông tề tựu về tổng vệ sinh, chỉnh trang căn nhà nhưng chủ yếu quét mạng nhện, tô lại nước sơn, chống mối mọt mà không dám tác động mạnh vì có những bộ phận như phần mái ngói giờ rất giòn dễ vỡ, ngói thay thế không dễ tìm. “Từ hồi dịch chuyển căn nhà vào năm 2002 tôi mua được thêm một ít ngói từ những ngôi nhà xung quanh phá bỏ đi giờ cất xài dần”, ông Thới cho hay.

Thi thoảng có đoàn làm phim về mượn bối cảnh làm phim lịch sử, ông Thới vẫn đón tiếp. Tuy nhiên, ông không chủ trương đón khách vào tham quan mà chỉ mong muốn bảo quản nguyên vẹn căn nhà theo ý nguyện của tổ tiên.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

;
.