Doanh nghiệp dệt may, da giày "Đỏ mắt" tìm lao động

Thứ Sáu, 30/08/2019, 21:50 [GMT+7]
In bài này
.

Tình trạng thiếu lao động đang là khó khăn chung của các DN dệt may và da giày trên địa bàn tỉnh. Trước thực tế cạnh tranh quyết liệt về nhân sự, đòi hỏi các DN phải tăng cường các chương trình phúc lợi để thu hút và giữ chân người lao động.

Người lao động tìm việc tại Phiên giao dịch việc làm lần thứ 5 năm 2019.
Người lao động tìm việc tại Phiên giao dịch việc làm lần thứ 5 năm 2019.

KHAN HIẾM LAO ĐỘNG

Công ty TNHH Chất lượng Toàn cầu Superior (KCN Mỹ Xuân B1-Tiến Hùng, TX. Phú Mỹ) chuyên may giày, dép đang cần tuyển 1.000 công nhân may và hơn 600 lao động ở các vị trí khác với mức lương trung bình từ 5-7 triệu đồng/tháng. Bà Huỳnh Thị Yến Nhung, phụ trách nhân sự công ty cho biết, công ty đi vào hoạt động từ tháng 8/2019. Trước đó, từ tháng 7, công ty đã thông báo tuyển dụng bằng nhiều kênh nhưng đến nay mới tuyển được 200 công nhân. “Từ nay đến cuối năm, công ty cần ít nhất 800 công nhân cho các chuyền sản xuất mới. Tuy nhiên, việc tuyển dụng rất khó”.

Tương tự, các DN khác như Công ty TNHH May Thạnh Mỹ (TX. Phú Mỹ),  Công ty TNHH E-Top Việt Nam (KCN Mỹ Xuân B1-Tiến Hùng, TX. Phú Mỹ), Công ty TNHH Đông Phương Vũng Tàu (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu)… đang cần tuyển hàng ngàn lao động. Các DN đã đưa ra mức lương hấp dẫn, môi trường làm việc chuyên nghiệp, bảo đảm các chế độ chính sách cho lao động nhưng chỉ tuyển được rất ít. Nhiều DN rao tuyển người suốt mấy tháng liền nhưng số lao động đến phỏng vấn chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Ông Hoàng Xuân Diệu, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty LT Garments (TP. Bà Rịa) cho biết, công ty cần tuyển 1.000 công nhân may có tay nghề và 300 công nhân chưa có tay nghề. Tuy nhiên, mấy tháng qua, công ty chỉ tuyển được 300 công nhân. Để thu hút lao động, ngoài mức lương từ 6-8 triệu đồng/tháng, công ty còn đưa ra nhiều chế độ ưu đãi như: thưởng năng suất, thưởng chuyên cần, hỗ trợ tiền đi lại, tăng tiền ăn ca lên 22 ngàn đồng/suất… Công nhân chưa biết nghề trong thời gian đào tạo vẫn được trả lương 5 triệu đồng/tháng. “Dù vậy, việc tuyển lao động vẫn rất khó. Chúng tôi lo từ nay đến cuối năm sẽ càng khó tuyển người hơn do lao động muốn ổn định công việc để hưởng lương tháng thứ 13 tại DN cũ”, ông Diệu bày tỏ.

Ông Trần Cao Lưu, phụ trách tuyển dụng Công ty TNHH Dong In Entech Việt Nam (huyện Đất Đỏ) cho biết, công ty có 1.300 công nhân, chủ yếu là lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 4,5-7,5 triệu đồng/tháng. Hiện công ty đang cần tuyển 350 công nhân may nhưng nhiều người lao động cho rằng mức lương thấp nên không mặn mà nộp hồ sơ ứng tuyển. “Công ty cũng có chính sách bố trí xe đưa rước nhằm thu hút lao động ở các vùng lân cận nhưng đến nay, sau 3 tháng tuyển dụng, chúng tôi vẫn chưa tuyển đủ người”, ông Lưu chia sẻ. 

TÌM CÁCH GIỮ CHÂN LAO ĐỘNG

Tình trạng DN may mặc, giày da thiếu lao động đã diễn ra nhiều năm qua. Trước khó khăn này, nhiều DN buộc phải tăng cường các chương trình phúc lợi và tìm cách giữ chân lao động. Ông Trần Thanh Nhân, phụ trách tuyển dụng nhân sự Công ty TNHH Changchun Vina (huyện Long Điền) cho biết, năm 2019 do số lượng đơn hàng tăng hơn 20% so với năm ngoái nên công ty cần tuyển thêm 700 công nhân, với mức thu nhập từ 5,5-6 triệu đồng/tháng. Nhưng dù đã triển khai nhiều cách như: đăng thông tin tuyển dụng trên mạng, treo băng rôn, tuyển qua phiên giao dịch việc làm… nhưng tới nay, công ty vẫn chưa tuyển được đủ lao động. Để giữ chân và thu hút lao động, hiện nay, Công ty đặc biệt quan tâm đến các phúc lợi cho người lao động: bố trí xe đưa-đón công nhân, phụ cấp 200 ngàn đồng/tháng, thưởng năng suất, trợ cấp nuôi con nhỏ, tiền thâm niên; tổ chức cho công nhân đi du lịch, khám sức khỏe định kỳ...

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, xu hướng tuyển dụng lao động trong lĩnh vực dệt may, giày da đang tăng mạnh. Do vậy, các DN trong lĩnh vực này đang gặp nhiều thách thức trong việc tuyển dụng cũng như giữ chân lao động. Ông Nguyễn Trọng Huy, Phó Trưởng Phòng tư vấn việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: “Nhu cầu tuyển dụng lao động diễn ra ở nhiều ngành nghề, trong đó chủ yếu tập trung ở ngành dệt may, giày da. Từ đầu năm đến nay có 15 DN đăng ký tuyển dụng hơn 10.000 lao động. Tuy nhiên, số lượng lao động đăng ký tìm việc qua trung tâm không đủ cung ứng cho các DN”.

Để hỗ trợ các DN đang trong “cơn khát” lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với các ngành chức năng và các phường, xã tăng cường thông tin rộng rãi nhu cầu tuyển dụng của các DN đến người lao động. Ông Nguyễn Trọng Huy cho biết thêm: “Để thu hút và giữ chân lao động, các DN cần quan tâm chăm lo đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp và có chế độ đãi ngộ xứng đáng với người lao động. Ngoài ra, các DN cũng cần chú ý đến việc tạo điều kiện để người lao động được học tập nâng cao trình độ tay nghề, chuyên môn; xây dựng môi trường làm việc tốt hơn”. 

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

;
.