Long Phước (TP.Bà Rịa) - là vùng căn cứ cách mạng của tỉnh BR-VT. Sau gần 10 năm bắt tay xây dựng nông thôn mới (NTM), minh chứng cho sự đổi thay ở một xã anh hùng là nhiều công trình dân sinh được xây dựng, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện.
Ông Võ Viết Thu (ấp Phong Phú, xã Long Phước) có thu nhập gần 200 triệu đồng/năm nhờ cải tạo 6 sào vườn tạp để trồng bưởi da xanh, đu đủ, chanh không hạt. |
Ý Đảng - lòng dân hòa hợp
Trong hai cuộc kháng chiến, quân và dân Long Phước một lòng tin theo Đảng bám đất, bám làng nuôi quân đánh giặc. Gần 20 năm sau ngày giải phóng (năm 1994) xã Long Phước vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Phát huy truyền thống cách mạng, Long Phước ngày nay đang nỗ lực biến những tiềm năng, lợi thế vốn có thành động lực để xây dựng NTM.
Chúng tôi về thăm Long Phước vào những ngày Tháng Tám lịch sử, xe chạy băng băng qua những các con đường trải nhựa phẳng lì. Hai bên đường, những ngôi nhà kiên cố khang trang, xen giữa những vườn cây ăn trái trĩu quả. Dọc các tuyến đường, người dân hối hả xây dựng công trình, chỉnh trang lại nhà ở, tường rào; khu vực trung tâm xã, người mua bán tập nập… Tất cả điều đó nói lên cuộc sống no đủ và sung túc đang về với người dân Long Phước.
Ông Thái Văn Cho – một lão thành cách mạng (ấp Đông, xã Long Phước) phấn khởi cho biết, diện mạo nông thôn của xã đã thay đổi rất nhiều so với 10 năm trước đây. |
Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã, Long Phước là xã thuần nông, nên khởi đầu địa phương gặp nhiều khó khăn trong vận động đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi. Xác định chủ thể của xây dựng NTM là nhân dân, với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng thụ, tạo điều kiện cho người dân được tham gia góp ý kiến vào quy hoạch, trực tiếp giám sát các dự án. Trong quá trình thực hiện, xã luôn minh bạch mọi nguồn lực, nhất là nguồn tài chính để người dân tin tưởng. Nhờ đó, trong 2 năm (2013-2015), xã đã huy động hơn 177 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp (hiến đất, ngày công lao động) gần 27 tỷ đồng để nhựa hóa, bê tông hóa gần 30km các tuyến đường liên ấp, đường nội đồng; kiên cố hóa 8 tuyến kênh mương thủy lợi, đảm bảo nhu cầu tưới tiêu… Nhờ những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, năm 2016, xã Long Phước được công nhận đạt chuẩn NTM.
Ông Thái Văn Cho – một lão thành cách mạng ở ấp Đông cho biết: “Từ khi có chủ trương xây dựng NTM, bản thân tôi cũng như bà con rất đồng tình hưởng ứng. Diện mạo của xã đã thay đổi rất nhiều so với 10 năm trước đây, đặc biệt là đường giao thông, điện thắp sáng, nước sạch, trường học, chợ… được tập trung đầu tư xây dựng, chúng tôi phấn khởi lắm, bởi đích đến cuối cùng vẫn là cho dân hưởng lợi”.
Phấn đấu đạt NTM nâng cao năm 2020
Thực hiện Quyết định số 1420/QĐ-UBND ngày 31/5/2018 của UBND tỉnh, lộ trình mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long Phước đặt ra là về đích đạt chuẩn NTM nâng cao vào cuối năm 2020. Đến nay, Long Phước đã được điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/2000; hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư đồng bộ, 100% hộ dân có điện lưới sử dụng, 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp (1.372ha) được tưới tiêu, 100% (30km) đường liên ấp, đường ngõ xóm được nhựa hóa, bê tông hóa; 65,7% lao động nông thôn có việc làm…
Học sinh trường THCS Dương Văn Mạnh thích thú dạo chơi dưới sân trường. |
“Những tiêu chí đã đạt, xã tiếp tục phân công cán bộ, công chức phụ trách chuyên môn kết hợp với các ấp duy trì, giữ vững; khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển quy mô lớn để tạo việc làm, nâng cao cao mức sống; tiếp tục tập trung các nguồn lực xây dựng hạ tầng thiết yếu, phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân”, ông Trần Văn Dũng nói.
Theo đó, lộ trình các tiêu chí trên từng lĩnh vực: Quy hoạch; Hạ tầng kinh tế - xã hội; Phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân; Giáo dục - Y tế - Văn hóa; Cảnh quan - Môi trường và An ninh trật tự - Hành chính công được UBND xã cụ thể hóa và đề ra giải pháp thực hiện.
Công viên Anh hùng liệt sĩ Dương Văn Mạnh - là nơi thu hút người dân đến vui chơi, luyện tập TDTT mỗi ngày. |
Một trong những tiêu chí mà lãnh đạo xã Long Phước quan tâm là phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm… Do đó, cùng với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, xã đã vận động nhân dân đầu tư các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi; cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; cải tạo vườn tạp sang mô hình trồng cây ăn quả, rau củ chuyên canh gồm: 9,5ha bưởi, 25ha sầu riêng, 22ha rau má; hỗ trợ hoạt động của các HTX, Tổ hợp tác… Phấn đấu đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 55 triệu đồng/người/năm, đến cuối năm 2020 đạt 60 triệu đồng/người/năm.
Các tuyến đường chính khu vực trung tâm xã Long Phước đang được mở rộng, cùng với đó là người dân xây dựng các công trình, chỉnh trang lại nhà ở, tường rào… |
Ông Võ Viết Thu (SN 1942, ở ấp Phong Phú) phấn khởi cho biết: “Được sống và lập nghiệp trên quê hương giàu truyền thống cách mạng tôi rất tự hào. Vì thế gia đình tôi luôn cố gắng vươn lên vượt qua mọi khó khăn; tin tưởng và làm theo mọi chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Chương trình xây dựng NTM hiện nay”. Để hưởng ứng phong trào này, ông Thu đầu tư hàng trăm triệu đồng làm hàng rào bê-tông kiên cố; lắp đặt hệ thống tưới phun tự động; cải tạo 6 sào vườn tạp trồng bưởi da xanh, đu đủ, chanh không hạt, kết hợp trồng cỏ đậu trong vườn trái cây, vừa giữ ẩm đất, lại vừa làm thức ăn cho dê… gia đình ông Thu đã có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
“Trong kháng chiến, người dân Long Phước anh dũng, trong xây dựng NTM, Đảng bộ và nhân dân trong xã cũng đã phát huy truyền thống xã anh hùng. Với truyền thống đó, chúng tôi đang tập trung mọi nguồn lực xã hội, quyết tâm hoàn thành xã đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2020”, ông Trần Văn Dũng kỳ vọng.
Bài, ảnh: ĐINH HÙNG