Một trong những điểm mới ở năm học 2019-2020 là các trường học trong tỉnh sẽ phải đưa vào chương trình chính khóa 1 tiết đọc sách/tuần. Ngoài ra, cũng trong năm học này, HS từ lớp 3 đến lớp 12 được tăng cường 2 tiết học tiếng Anh/tuần. Sự điều chỉnh về chương trình chính khóa nói trên rất đáng được chờ đợi.
Việc tăng thêm 2 tiết tiếng Anh/tuần khiến các trường thiếu GV ở bộ môn này. Trong ảnh: HS Trường THPT Phú Mỹ (TX.Phú Mỹ). |
MỌI PHỤ HUYNH ĐỀU MONG MUỐN CON MÊ ĐỌC SÁCH
Thông tin trong năm học 2019-2020, ngành GD-ĐT tỉnh tăng 2 tiết tiếng Anh/tuần đối với HS từ lớp 3 đến lớp 12 và đưa 1 tiết đọc sách/tuần vào thời khóa biểu các khối lớp khiến phụ huynh và nhà trường phấn khởi. Chị Nguyễn Thị Hiền, ngụ chung cư Lakeside (phường 10, TP. Vũng Tàu) có 2 con đang học tiểu học (TH). Thỉnh thoảng, vào cuối tuần, chị hay dẫn con đi đọc sách. Chị muốn tạo thói quen đọc sách từ nhỏ cho các con. Do vậy, chị Hiền rất vui khi nhà trường tổ chức dạy 1 tiết đọc sách/tuần cho HS. “Việc dạy đọc sách trong nhà trường không chỉ góp phần vun đắt tình yêu sách mà còn giúp bồi dưỡng văn hóa đọc trong lứa tuổi HS. Tuy nhiên, để tiết đọc sách hấp dẫn, thu hút HS, GV phải có phương pháp giảng dạy sinh động, nên cho các em đề tài để tự tìm sách đọc và nghiên cứu các nội dung liên quan đến bài đọc đó”, chị Hiền bày tỏ.
Với các nhà trường, việc bố trí tiết đọc sách còn góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện trong trường học. Thầy Nguyễn Huy Phụng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (huyện Châu Đức) cho hay, trường trang bị nhiều đầu sách, có thư viện cho HS đến đọc sách. Tuy nhiên, số HS đến thư viện nhà trường để đọc sách không nhiều. Do đó, việc đưa 1 tiết đọc sách/tuần vào chương trình chính khóa sẽ tạo điều kiện để nguồn sách của thư viện được sử dụng thường xuyên.
Bên cạnh đó, chủ trương tăng 2 tiết dạy tiếng Anh/tuần cho HS từ lớp 3 đến lớp 12 cũng nhận được sự đồng tình từ phụ huynh. Anh Lê Quốc Đạt (40, Đoàn Chuẩn, TP. Bà Rịa) có 2 con đang học lớp 2 và 4 tại Trường TH Lê Thành Duy. Trong trường, các con anh đã được học tiếng Anh từ lớp 1. Năm lớp 1 và 2, anh đã cho con học tiếng Anh theo chương trình xã hội hóa 2 tiết/tuần tại trường. Từ lớp 3, con anh được học chương trình tiếng Anh 4 tiết/tuần do ngành GD-ĐT triển khai. Theo anh Đạt, HS được học nhiều tiết tiếng Anh trong tuần sẽ giúp các em hoàn thiện được cả 4 kỹ năng (nói, nghe, đọc, viết), mà không cần phải đi học thêm bên ngoài. Anh Đạt nói thêm: “Tiếng Anh bây giờ quá phổ biến và quan trọng. Vì vậy, HS được học nhiều tiết tiếng Anh trong nhà trường sẽ trang bị cho các em vốn tiếng Anh vững vàng, giúp các em mạnh dạn, tự tin khi giao tiếp với người nước ngoài”.
Cô Phan Thị Thu Nga, Hiệu trưởng Trường TH Lê Thành Duy cho rằng, việc tăng tiết dạy tiếng Anh cho HS là cần thiết và phù hợp với nguyện vọng của đông đảo phụ huynh. Cô Nga dẫn chứng, năm học 2018-2019, Trường TH Lê Thành Duy có 30 lớp, trong đó có 17 lớp khối 3, 4, 5 được học tiếng Anh 4 tiết/tuần theo chương trình của ngành GD-ĐT; còn 13 lớp khối 1 và 2 được học tiếng Anh theo chương trình xã hội hóa, nhưng vẫn có tới hơn 90% phụ huynh đăng ký cho con theo học. Điều đó cho thấy nhu cầu cho con học tiếng Anh của phụ huynh là rất lớn. Vì vậy, việc tăng cường 2 tiết tiết Anh/tuần là đáp ứng mong mỏi của phụ huynh.
Trường TH Lê Lợi (TX.Phú Mỹ) sẽ cắt giảm tiết ôn luyện để dạy tiết đọc sách. |
NHƯNG NHIỀU KHÓ KHĂN KHI TRIỂN KHAI
Đây là năm đầu tiên ngành GD-ĐT triển khai 2 nội dung nói trên nên các trường còn lúng túng. Cô Trần Thị Hậu, Hiệu trưởng Trường TH Lê Lợi (TX. Phú Mỹ) cho biết, trường có 17 lớp với gần 800 HS. Hiện tại, Trường TH Lê Lợi không có phòng thư viện do nhà trường tận dụng phòng này làm phòng chức năng. Mặt khác, số lượng đầu sách của nhà trường cũng khiêm tốn và nhiều sách cũ nên thời gian qua số HS đến mượn sách để đọc là rất ít. Mặt khác, sĩ số HS/lớp của nhà trường khá đông, trung bình mỗi lớp có 47 em, cá biệt một số lớp lên tới 53 HS. Điều đó khiến cô Hậu băn khoăn không biết tổ chức dạy tiết đọc sách như thế nào cho hiệu quả. “Chúng tôi dự tính GV chủ nhiệm sẽ là người dạy tiết đọc sách. Mỗi tuần mỗi lớp giảm 1 tiết ôn luyện tiếng Việt hoặc Toán để dạy đọc sách. Chúng tôi mong muốn ngành GD-ĐT mở các lớp tập huấn, hướng dẫn dạy tiết đọc sách để đạt hiệu quả”, cô Hậu đề xuất.
Không để thiếu GV ở các môn có chủ trương tăng tiết
Dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ tổng kết năm học 2018-2919 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 do Sở GD-ĐT tổ chức vào sáng 9-8, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Đối với những bộ môn tỉnh đã có chủ trương tổ chức dạy tăng tiết như: tiếng Anh, Thể dục thể thao, ngành GD-ĐT cùng các địa phương cần tăng cường tuyển dụng, không để thiếu GV. Trong trường hợp cần thiết, ngành GD-ĐT đặt hàng Trường CĐ Sư phạm tỉnh để tăng cường đào tạo đội ngũ GV. Qua đó, tuyển dụng những GV tốt nhất vào làm việc trong ngành GD-ĐT.
-----------------------------
Tổ chức tiết đọc sách phải mang lại hiệu quả thực chất
Về việc triển khai tiết đọc sách ở trường, ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: Các trường phải bố trí GV chủ nhiệm phụ trách tiết học này. Tùy theo điều kiện cơ sở vật chất từng trường, nhưng về cơ bản, tiết đọc sách chủ yếu được tổ chức tại lớp bình thường như các tiết học khác. GV phải giao nhiệm vụ cho HS ở mỗi tuần là đọc cái gì. Nội dung có thể trong sách hoặc báo, nhưng phải phù hợp với lứa tuổi. Đến giờ đọc sách, GV hướng dẫn HS thảo luận, đúc rút các bài học liên quan đến bài mà các em vừa đọc. GV nên linh động tổ chức các tiết đọc sách sao cho tạo được sự hấp dẫn, hào hứng và lôi cuốn HS.
|
Theo thầy Phạm Công Định, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sĩ Liên (TP. Vũng Tàu), với việc tăng 2 tiết tiếng Anh/tuần, HS khối 7-8 sẽ được học 5 tiết tiếng Anh/tuần, khối 9 học 4 tiết/tuần. Nhà trường có 43 lớp, nhưng chỉ có 9 GV tiếng Anh. Với việc tăng 2 tiết tiếng Anh/tuần, trường cần ít nhất 11 GV đứng lớp, như vậy sẽ thiếu 2 GV. Theo thầy Định, năm học mới đã cận kề, ngành GD-ĐT tỉnh cần sớm có định hướng về việc bố trí GV giảng dạy cho số tiết tiếng Anh tăng thêm. “Theo tôi, có thể giải quyết bài toán thiếu GV tiếng Anh bằng cách ký hợp đồng thuê GV, nhưng dùng ngân sách nhà nước chi trả hoặc cho thêm biên chế để tuyển dụng”, thầy Định đề xuất.
Thầy Nguyễn Huy Phụng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi thì chia sẻ, GV dạy tiếng Anh tại trường thường phải làm chủ nhiệm lớp. Năm học này, trong khi chờ hướng dẫn của ngành, nhà trường sẽ bố trí GV dạy tiếng Anh không làm công tác chủ nhiệm lớp. Với việc sắp xếp như vậy, dù có tăng thêm 2 tiết tiếng Anh/tuần, Trường THPT Nguyễn Trãi vẫn đủ GV giảng dạy môn học này.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM