Chuẩn bị kỹ về tâm lý, sức khỏe là điều hết sức quan trọng giúp trẻ có thể tự tin bước vào năm học mới.
Chị Nguyễn Thị Trang ở phường Thắng Nhì (TP.Vũng Tàu) có con chuẩn bị vào lớp 1 đang lo lắng việc ăn uống của con khi sắp đến ngày nhập học. Chị tâm sự: “Bé nhà tôi rất lười ăn. Mỗi bữa ăn mất cả tiếng đồng hồ mà phải dỗ dành bé mới ăn xong. Bây giờ chuẩn bị vào lớp 1, mà buổi sáng bé ăn lâu như vậy sẽ không kịp giờ đến trường. Nhưng tôi lo nhất vẫn là bữa trưa bé phải ăn ở trường, tôi sợ cháu không hợp thức ăn, hoặc không có món cháu thích thì cháu sẽ bỏ ăn, ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Cùng lo lắng bữa ăn cho con khi bé chuẩn bị vào lớp 1, chị Hoàng Thị Liên ở phường Phước Hưng (TP.Bà Rịa) cho hay: “Thể trạng bé gầy nhỏ hơn so với các bé cùng trang lứa. Do vậy mà hằng ngày tôi phải bỏ nhiều công sức để nấu phần ăn bổ dưỡng cho con, nhưng bé vẫn rất lười ăn. Bây giờ bé chuẩn bị vào lớp 1, phải ăn ở trường, tôi lo cháu sẽ không được chăm sóc dinh dưỡng tốt như ở nhà, sẽ ngày càng gầy ốm hơn. Hơn nữa, ở trường trẻ phải tự ăn chứ không được dỗ dành cho ăn như ở nhà nên tôi lo bé bỏ ăn”. Chị đang tính buổi sáng cho con ăn ở nhà, đến trưa thì đón về nhà ăn rồi đưa đến lớp gửi, nhưng như vậy thì sẽ rất vất vả cho cả hai vợ chồng.
Nhân viên Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tư vấn biện pháp phòng chống các bệnh thường gặp ở trẻ em. |
Bên cạnh nỗi lo về bữa ăn, các bậc phụ huynh còn lo lắng con mình bị dịch bệnh tấn công. Đặc biệt là hiện nay dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh đang bùng phát, nguy cơ trẻ ngủ ở trường nếu không được săn sóc tốt, rất dễ bị muỗi đốt, lây truyền bệnh sốt xuất huyết. Ngoài dịch sốt xuất huyết còn có các bệnh về hô hấp, sốt vi rút, tiêu chảy... Cùng với đó là môi trường sinh hoạt thay đổi, khiến trẻ dễ bị khủng hoảng tâm lý, hình thành một số thói quen xấu như: rụt rè, nhút nhát hoặc trở lên cáu bẳn, không chịu nghe lời…
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Phương Dung, Khoa Nhi Bệnh viện Lê Lợi, để trẻ có đủ thể lực, sức khỏe, sẵn sàng bước vào năm học mới, các bậc phụ huynh cần xây dựng cho trẻ thời gian biểu sinh hoạt, ăn uống hợp lý, bảo đảm cân đối các thành phần dinh dưỡng. Cha mẹ cần phối hợp với nhà trường nắm bắt tình hình ăn uống ở lớp để có kế hoạch giúp điều chỉnh phù hợp cho con. Cha mẹ tập dần cho trẻ thói quen ăn uống hợp lý, khoa học, không để trẻ mè nheo, kéo dài bữa ăn quá lâu (không quá 30 phút). Để trẻ không bỡ ngỡ với môi trường mới, cha mẹ nên bố trí thời gian dẫn trẻ đến trường làm quen với thầy cô, bạn bè, nhất là với trẻ học mầm non. Khi trẻ bắt đầu đi học những buổi đầu tiên, cha mẹ cần hỏi kỹ, tìm hiểu xem trẻ có gặp vấn đề gì ở lớp với bạn hay cô giáo, có thích đến trường hay không. Trong trường hợp trẻ có mâu thuẫn với bạn, đánh bạn hoặc bị bạn đánh, cha mẹ cần tìm hiểu lý do, giải thích, phân tích để trẻ biết được đúng sai trong tình huống mâu thuẫn giữa trẻ và bạn. Tuyệt đối, cha mẹ không nên có lời lẽ khích động trẻ, nhất là bảo trẻ phải tự vệ bằng cách phản đòn. Nếu trẻ không sai, không gây ra mâu thuẫn với bạn mà vẫn bị đánh thì khi ấy cha mẹ cần nói chuyện với cô giáo để nhờ cô tác động đến người bạn đánh trẻ. Cha mẹ cũng không nên tỏ thái độ bênh vực con khi trẻ bị bạn đánh, mà giữ thái độ ôn hòa là người phân xử giúp con giải quyết mâu thuẫn với bạn. Cách xử lý như vậy sẽ giúp trẻ hình thành nhân cách tốt, dễ dàng hòa nhập cộng đồng và có thái độ, cư xử đúng đắn với những người xung quanh.
Về các biện pháp phòng bệnh khi đến trường, bác sĩ Phương Dung cũng chia sẻ: “Bên cạnh việc tăng sức đề kháng cho con bằng chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý, cha mẹ cần lưu ý giữ vệ sinh cá nhân, đặc biệt là giúp trẻ tự rửa tay thường xuyên và đúng cách. Khi trẻ ốm, cần để trẻ nghỉ ngơi ở nhà và đưa đến khám bác sĩ sớm. Một số dịch bệnh đã có vắc xin phòng ngừa như thủy đậu, quai bị, sởi… thì cần cho trẻ đi tiêm đầy đủ, đúng lịch. Cha mẹ cũng cần xây dựng thời gian biểu sinh hoạt, học tập phù hợp, khoa học cho trẻ để tránh trẻ bị căng thẳng, thức khuya sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe”.
Bài, ảnh: MINH THIÊN