Theo những người dân bản địa huyện Đất Đỏ, từ thế kỷ XVII lớp cư dân đầu tiên ngoài vùng Ngũ Quảng đã tiến vào Nam lập nghiệp. Họ dừng chân tại nhiều địa phương của BR-VT, trong đó có Đất Đỏ và cùng nhau khai khẩn đất hoang, khơi thông nguồn lạch, lập ấp dựng làng. Ngày nay, dấu ấn về một cuộc sống nề nếp vẫn còn được lưu giữ trong nhiều ngôi nhà cổ.
Một ngày giữa tháng 8, chúng tôi đến thăm ngôi nhà cổ của gia đình ông Huỳnh Hữu Nghĩa (KP Phước Sơn, thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ). Căn nhà nằm nép mình dưới tán cây rợp bóng mát bên Quốc lộ 56. Ông Huỳnh Hữu Nghĩa kể, ngôi nhà cổ của gia đình do ông nội Huỳnh Văn Cương (thường gọi là bá hộ Tương) xây dựng năm 1890 diện tích hơn 150m2 , với cấu trúc nhà chữ “Nhất”, 3 gian 2 chái, mái lợp ngói. Ngôi nhà có 5 cửa mở ra phía hiên. Cửa, cột đều được chạm khắc tỉ mỉ với các hình chim, thú, hoa lá. Ngay chính giữa gian nhà của gia đình ông Huỳnh Hữu Nghĩa được bố trí bàn thờ Phật, gian bên phải thờ tổ tiên bên nội, gian bên trái thờ tổ tiên bên ngoại. Tất cả khám thờ được làm bằng gỗ quý, chạm trổ tinh xảo, sơn son thếp vàng. Các tủ thờ được cẩn xà cừ công phu. Tại xà ngang của gian giữa còn treo các bức đại tự bằng chữ Hán cũng được sơn son thếp vàng. Dọc cột cái và cột quân được treo các câu đối. Hai chái được đặt hai bộ ván ngựa bằng gỗ, để cho đàn ông và khách nghỉ ngơi. Phía trước nhà là khoảng sân rộng được bố trí hòn non bộ, trồng mai vàng, mai chiếu thủy, thiên tuế hoặc nguyệt quế… tỏa hương thơm ngát bốn mùa.
Ông Huỳnh Hữu Nghĩa cho biết thêm: “Trước đây, ông nội của tôi làm nghề khai thác lâm sản nên thường đem gỗ đi bán ở nhiều nơi, nhất là các tỉnh miền Tây. Khi đến Gò Công (tỉnh Tiền Giang) buôn bán, ông để ý và biết nơi đây có nhiều thợ mộc, thợ trạm trổ giỏi nên đã lặn lội tìm thợ về cất nhà. Phải mất hơn 3 năm, ngôi nhà mới được cất xong với cột cái làm bằng gỗ giáng hương, cửa làm bằng gõ đỏ, đòn tay và vách lụa làm bằng gỗ sao, căm xe. Mái ngói được lợp bằng ngói âm dương, nền nhà lót gạch tàu đỏ. Tất cả đều được thợ làm bằng tay và trạm khắc tinh tế, tỉ mỉ”.
Ông Huỳnh Hữu Nghĩa (bên phải) giới thiệu lịch sử ngôi nhà cho khách đến tham quan. |
Hiện mọi vật dụng trong gia đình đều được con cháu bảo quản, gìn giữ gần như nguyên vẹn với khám thờ, tủ thờ, 3 bộ sập 2 tấm, bàn ghế tiếp khách và cả chiếc rương xe dùng để đựng lúa. Năm 2017, gia đình đã bỏ kinh phí trùng tu và xây lại các bức tường thay cho các bức vách lụa bằng gỗ bị hư hỏng do thời gian và sự tàn phá của chiến tranh. Tuy nhiên, với mong muốn gìn giữ nguyên bản căn nhà của cha ông, gia đình ông Huỳnh Hữu Nghĩa dự định sẽ tìm mua lại gỗ sao để phục dựng lại các bức vách lụa vốn có của căn nhà.
Ông Phan Văn Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Đất Đỏ (huyện Đất Đỏ) cho biết, hiện trên địa bàn thị trấn còn 7 ngôi nhà cổ dân gian có lịch sử hơn 100 năm, trong đó còn 5 ngôi nhà vẫn giữ nguyên được hiện trạng ban đầu dù ít nhiều bị chiến tranh tàn phá. Ngôi nhà của gia đình ông Nghĩa là một trong những căn nhà còn gìn giữ gần như nguyên vẹn dù đã trải qua 129 năm. Ngôi nhà là nhân chứng trong suốt quá trình con người đấu tranh với những biến cố của thiên nhiên và lịch sử để tồn tại và mang đậm nét văn hóa đặc thù của nhiều thế hệ gắn liền với truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tôn ti trật tự, mối quan hệ gắn bó trong gia đình, họ hàng, dòng tộc…
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU