Sinh non là tình trạng thai nhi chào đời sớm hơn thời gian dự sinh trước 37 tuần. Nhiều trường hợp sinh non có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con. Do đó, việc dự phòng sinh non cho các bà mẹ là hết sức cần thiết.
Trẻ sinh non thường bị suy hô hấp, nhiễm trùng huyết nên cần được chăm sóc đặc biệt. Trong ảnh: Điều dưỡng chăm sóc trẻ sinh non tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bà Rịa. |
Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện (BV) Lê Lợi đã mổ cấp cứu thành công trường hợp thai phụ sinh non nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Đó là chị T.T.M.D (ở phường 5, TP. Vũng Tàu) mang thai 32 tuần và ngôi thai ngược. Chị D. nhập viện vào lúc 2 giờ sáng, trong tình trạng đau bụng dữ dội, cổ tử cung mở hoàn toàn, chân tay thai nhi đã lọt ra ngoài. Chị D. còn đang mắc bệnh thủy đậu và tiểu đường thai kỳ. Tiên lượng nguy kịch cả mẹ lẫn con, Khoa Cấp cứu đã phát báo động đỏ, mổ cấp cứu lấy thai cho chị D. Ca mổ kéo dài trong 2 giờ, đã cứu sống được mẹ con chị D.
Bác sĩ Hoàng Phước Ba, Trưởng khoa Sản BV Lê Lợi cho biết, trường hợp sinh non kể trên rất nguy hiểm và rất may mắn là đã được cấp cứu kịp thời. Nguyên nhân là do thai phụ chủ quan, không theo dõi và thăm khám thai kỳ chặt chẽ, trong khi lại đang mắc bệnh thủy đậu. Những thai phụ mắc bệnh này thường có nguy cơ sinh non. Hiện nay, do tiến bộ của y khoa nên những trường hợp trẻ sinh non có cơ hội sống cao. Tuy nhiên, việc sinh non vẫn để lại những hậu quả nghiêm trọng cho cả mẹ lẫn con. Đối với trẻ sinh non, đường hô hấp rất yếu, thường bị suy hô hấp, nhiễm trùng huyết. Cơ thể trẻ sinh non yếu ớt nên việc chăm sóc, nuôi dưỡng cũng sẽ rất vất vả hơn nhiều. Hơn nữa, trẻ sinh non có sức đề kháng kém nên dễ nhiễm bệnh hơn so với trẻ sinh đủ ngày, đủ tháng. Với người mẹ, khi sinh non, ngôi thai thường có bất thường (ngôi ngang, ngôi mông) khiến quá trình sinh nở gặp khó khăn. Bà mẹ cũng dễ bị tổn thương vùng bộ phận sinh dục trong quá trình chuyển dạ đẩy thai nhi ra quá nhanh.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến sinh non nhưng thường gặp nhất là tình trạng hở eo tử cung và những bệnh lý ở người mẹ như tiền sản giật, song thai, vết mổ cũ, đa ối, viêm màng ối, vỡ ối, nhau tiền đạo, bong nhau… Ngoài ra, bà mẹ mắc các bệnh nhiễm trùng, siêu vi, một số bệnh lý về tim mạch trong quá trình mang thai cũng rất dễ sinh non. Các dấu hiệu sinh non cũng tương tự các dấu hiệu chuyển dạ như: đau bụng từng cơn, kèm các cơn gò tử cung không dừng lại và trở nên thường xuyên, dồn dập hơn và khiến bà mẹ càng ngày càng khó chịu. Âm đạo bà mẹ có chất lỏng chảy ra màu hồng nhạt, nâu nhạt hoặc chảy máu (gọi là huyết rồng).
Theo bác sĩ Ba, để dự phòng sinh non, thai phụ cần đi khám thai định kỳ trước và trong quá trình mang thai. Việc thăm khám trước khi mang thai để phát hiện sớm tình trạng hở eo tử cung để có can thiệp kịp thời hoặc phát hiện sớm những bệnh lý có thể gây sinh non cho bà mẹ để điều trị, kiểm soát tốt. Trong quá trình thăm khám thai định kỳ, bác sĩ sẽ chẩn đoán, dự phòng sinh non cho bà mẹ và hỗ trợ thai nhi sinh non trong bụng mẹ. Hiện nay, việc hỗ trợ thai nhi sinh non áp dụng bằng phương pháp thuốc trợ phổi. Phương pháp này giúp trẻ sinh non không bị suy hô hấp khi sinh ra, nhờ đó trẻ khỏe mạnh, sức sinh tồn tốt hơn. Bên cạnh đó, để dự phòng sinh non, bà mẹ cần có chế độ ăn uống, tập luyện dành cho thai phụ hợp lý, tránh các tác nhân ảnh hưởng đến thai nhi như rượu bia, thuốc lá, khói thuốc lá, hóa chất, mỹ phẩm, tuân thủ chỉ định của bác sĩ nếu phải sử dụng một số loại thuốc trị bệnh. Bà mẹ cũng cần tránh lao động quá sức, nghỉ ngơi hợp lý để có một thai kỳ khỏe mạnh.
Bài, ảnh: MINH THIÊN