Mỗi năm chỉ làm một mùa nên mang lại rất nhiều chờ đợi cho những người đã có hơn 50 năm theo nghề làm bánh Trung thu ở Long Điền. Hương vị đậm đà, khó quên của đặc sản quê hương không chỉ làm mê mẩn người dân địa phương mà còn khiến bao người ở nước ngoài sẵn sàng ship bánh với giá bạc triệu để được thưởng thức bánh.
Chị Lê Thị Thọ Sương, chủ tiệm bánh Tuyết Hân (trái) có 20 năm gắn bó với nghề làm bánh Trung thu truyền thống. |
ĐƯA BÁNH TRUNG THU ĐI TÂY
Mới qua rằm tháng 7 nhưng những lò bánh Trung thu ở Long Điền đã rất nhộn nhịp. Người đặt bánh để mang theo những chuyến biển, người mua để thưởng thức đầu mùa, cũng có nhiều người đặt bánh Trung thu Long Điền để làm quà biếu cho bạn bè, người thân ở Mỹ, Nga, Úc, Canada, Đài Loan… Vậy là những chiếc bánh Trung thu Long Điền đã vượt ra ngoài thị trường Việt Nam để “đi Tây” như một thứ đặc sản quê hương BR-VT.
Chị Văn Thị Mỹ Linh, quản lý tiệm bánh Văn Hòa Lạc (299 Võ Thị Sáu, khu phố Long Tân, thị trấn Long Điền, huyện Long Điền) xòe chiếc hóa đơn chuyển bánh Trung thu qua đường Bưu điện đến Canada cho một người khách với giá vận chuyển lên đến 3,7 triệu đồng/6kg bánh. Chị Linh cho biết: “Do nhu cầu của khách muốn được thưởng thức bánh Trung thu Văn Hòa Lạc nên họ nhờ chúng tôi gửi bánh qua sớm. Biết là chuyển qua đường bưu điện đi nước ngoài giá cước cao nhưng họ vẫn chấp nhận trả phí. Cứ như thế, mỗi mùa Trung thu chúng tôi gửi đi cả trăm chiếc bánh như vậy đến khách hàng, người thân và bạn bè ở nhiều nước trên thế giới. Và mùa sau lại nhiều người muốn đặt bánh gửi đi hơn mùa trước”.
Trong rất nhiều khách hàng đến đặt và mua bánh Trung thu Văn Tập Hòa (85 Mạc Thanh Đạm, khu phố Long Tâm, thị trấn Long Điền) có chị Mai Hương đặt 60 cái để gửi đi Thụy Sỹ. “Ở bển lâu năm nên người thân rất thèm bánh Trung thu. Tuy nhiên, họ lại không thích ăn bánh công nghiệp mà chỉ thích các loại bánh Trung thu Long Điền”, chị Mai Hương nói.
Theo bà Huỳnh Lệ Tiên, chủ tiệm bánh Văn Tập Hòa, những năm gần đây thương hiệu bánh Trung thu Long Điền không chỉ được người dân địa phương BR-VT và các tỉnh, thành lân cận (như TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước…) ưa chuộng mà nhiều người Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng rất thích. “Một số người họ về quê đúng vào mùa bánh Trung thu, mua bánh ăn thấy “ghiền” nên năm nào cũng nhờ người nhà đặt mua gửi qua”, chị Tiên kể.
Theo các chủ cơ sở sản xuất bánh Trung thu Long Điền, mỗi mùa bánh Trung thu, các cơ sở sản xuất từ 20.000-50.000 cái bánh các loại như: bánh nhân thập cẩm, đậu xanh, khoai môn, gà quay, heo quay, bánh chay…
GIỮ LỬA NGHỀ TRUYỀN THỐNG
Cơ sở sản xuất bánh Trung thu Tuyết Hân (56L2 khu phố Long Hiệp, thị trấn Long Điền, huyện Long Điền) không nằm ở mặt tiền thị trấn nhưng những ai đã từng quen bánh Trung thu Long Điền đều biết đến thương hiệu Tuyết Hân. Chị Lê Thị Thọ Sương là giáo viên trường TH Cao Văn Ngọc (huyện Long Điền) đồng thời là chủ cơ sở sản xuất bánh Tuyết Hân. Cứ mỗi mùa bánh về, sau giờ dạy học chị lại tất bật cùng những người thân trong gia đình và hàng chục công nhân làm bánh để kịp phục vụ khách. Chị Sương đã có 20 năm nối nghiệp gia đình nghề làm bánh Trung thu truyền thống. Mỗi mùa bánh, cơ sở của chị sản xuất khoảng 30.000 cái với đủ các loại, các kích cỡ. Ngoài các loại bánh da dộp, bánh nhân mặn, bánh chay cơ sở của chị còn có loại bánh Tung thu hình cá chép biểu tượng của sự thăng tiến trong mùa trăng tháng Tám. Theo chị Sương, trước đây, làm bánh Trung thu hoàn toàn bằng phương pháp thủ công từ khâu “thắng đường”, làm nhân, trộn bánh, lên khuôn đến nướng bánh… “Ngày nay, một số khâu đã được thay thế bằng máy móc nhưng bí quyết gia truyền vẫn là khâu quan trọng nhất quyết định chất lượng của mỗi lò bánh. Vì bí quyết đó nên dù trải qua nhiều khó khăn chị vẫn muốn giữ lại nghề mà trước đây gia đình đã chọn”, chị Sương nói.
Bánh Trung thu Long Điền gồm nhiều loại: thập cẩm gà quay, thập cẩm jambon, đậu xanh; bánh da rộp thập cẩm và da rộp. Giá bánh Trung thu loại 2-3 trứng giá từ 55.000-65.000 đồng/cái. Bánh da dộp giá bán chênh lệch từ 320.000-480.000 đồng/cái tùy từng thương hiệu và trọng lượng của bánh. .
|
Đã hơn 10 năm qua, cứ vào mùa bánh Trung thu, 5 chị em Văn Chí Thắng lại tất bật với việc làm nghề tại cơ sở bánh Trung thu Văn Hòa Lạc (299 Võ Thị Sáu, khu phố Long Tân, thị trấn Long Điền, huyện Long Điền) do ba để lại. “Mỗi năm, chúng tôi chỉ làm một mùa bánh Trung thu, khoảng 2 tháng. Tuy nhiên, đã vào mùa dù bận rộn đến đâu chúng tôi cũng cố gắng sắp xếp mọi việc để làm bánh thật ngon. Bao nhiêu tâm huyết về nghề truyền thống mà ba đã truyền lại, tôi luôn gắng sức để gìn giữ và phát triển nó. Sau này, khi có con tôi cũng mong muốn được truyền nghề lại cho con tôi nối nghiệp”, anh Thắng nói.
Theo các cơ sở sản xuất bánh Trung thu Long Điền, mùa bánh Trung thu kéo dài khoảng gần 2 tháng (từ 20/6 đến 15/8 âm lịch hàng năm), nhưng cao điểm nhất là từ đầu đến giữa tháng 8 âm lịch. Và hơn 50 năm trôi qua những lò bánh Trung thu truyền thống ở Long Điền vẫn đều đặn đỏ lửa mỗi mùa trung thu về. Nhờ sự cải tiến về mẫu mã, chăm chút chất lượng nên các lò bánh Trung thu Long Điền ngày mỗi đông khách hơn. Nhưng các cơ sở sản xuất bánh truyền thống chỉ làm vừa đủ với quy mô và khả năng của họ. Có những thời điểm khách đông, họ không nhận thêm đơn mới. “Chúng tôi không mở thêm chi nhánh ở các nơi khác vì sợ mở rộng, không kiểm soát được, chất lượng kém đi sẽ tạo tiếng xấu cho bánh Trung thu của địa phương mình”, chủ một cơ sở sản xuất bánh trung thu tại Long Điền cho biết.
Bài, ảnh: LAM ANH