Bạch Dinh và cuộc chuyển giao "bất đắc dĩ"

Dinh thự trắng nguy nga của Toàn quyền Đông Dương

Thứ Ba, 20/08/2019, 19:23 [GMT+7]
In bài này
.

Từ đường Hạ Long - Trần Phú (TP. Vũng Tàu) nhìn về phía sườn phía Tây núi Lớn, trên một mỏm đá bằng phẳng, nhô ra ngoài biển khu vực hòn Ngọa Ngưu (Trâu Nằm), du khách sẽ thấy một dinh thự màu trắng nổi bật giữa màu xanh của cánh rừng giá tỵ và những chùm bông sứ. Đó là Bạch Dinh. 

         Tòa Bạch Dinh nổi bật giữa rừng cây giá tỵ. Ảnh: THÙY VÂN
Tòa Bạch Dinh nổi bật giữa rừng cây giá tỵ. Ảnh: THÙY VÂN

Bạch Dinh tọa lạc tại số 6, Trần Phú, phường 1, TP. Vũng Tàu. Tòa nhà còn có tên gọi khác là Dinh Ông Thượng, khi vào năm 1907, thực dân Pháp đã bí mật đưa gia đình cựu Hoàng đế Thành Thái (Nguyễn Phúc Bửu Lân) từ thành Phú Xuân (Huế) an trí tại đây, trước khi bị đày sang đảo Réunion (thuộc địa của Pháp ở châu Phi) năm 1919.

Sau khi chiếm được quyền cai trị Đông Dương, chính quyền thực dân Pháp đã cho xây dựng một dinh thự dùng làm nơi nghỉ mát cho các Toàn quyền Đông Dương tại Vũng Tàu. Đề án do viên Toàn quyền Paul Doumer phê chuẩn và là người đặt tên cho dinh thự này là Villa Blanche, theo tên của con gái ông là Blanche Richel Doumer. Công trình được khởi công vào năm 1898, đến năm 1902 thì hoàn thành. Do màu sơn bên ngoài cũng như tên gọi Villa Blanche nên người Việt quen gọi dinh thự này là Bạch Dinh. Tuy nhiên, viên Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (1898-1902) sau khi dự lễ cắt băng khánh thành, phải trở về nước Pháp tranh cử Tổng thống.

Tòa nhà nằm ở độ cao 27 m (so với mặt nước biển), tường xây bằng gạch, sơn màu trắng, mái lợp ngói đỏ, gồm 5 gian… Từ bên ngoài nhìn vào tòa nhà trông rất thanh thoát, mềm mại với các ô cửa lớn, cửa sổ đều có vòm hình cánh cung. Xung quanh tầng lầu có một dải băng hoa văn trang trí hình phụ nữ châu Âu, chim công, hoa lá… được ghép mỹ thuật, sinh động bằng sứ men màu…giữa khoảng tường 3 mặt của tầng lầu được bài trí thêm 8 pho tượng bán thân mang phong cách cổ điển Hy-La…

Tòa dinh thự cao 19m gồm 3 tầng (hầm, trệt, lầu). Tầng hầm dùng để chứa rượu, nấu ăn, tầng trệt làm phòng tiếp khách, tầng lầu có 5 phòng ngủ, mỗi phòng đều có nhà vệ sinh, phòng tắm riêng biệt. Từ tầng trệt lên tầng lầu có 2 cầu thang bằng gỗ, một dành cho chủ nhà và  khách, một dành cho người phục vụ. Hiện nay tầng trệt của tòa nhà đang sử dụng trưng bày: cặp ngà voi, bộ tượng tam đa (Phúc-Lộc-Thọ) bằng sứ men màu ngũ thái, cặp song bình Bách điểu được chế tác vào đời vua Càn Long, Nhà Thanh, Trung Hoa, thế kỷ XVIII và bộ bàn ghế chế tác vào năm 1921, cùng với bộ sưu tập cổ vật gốm sứ Hòn Cau với nhiều loại hình phong phú, được trục vớt từ vùng biển Hòn Cau, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có niên đại vào cuối thế kỷ XVII, đời Khang Hy, nhà Thanh, Trung Hoa, cách đây hơn 300 năm… Tại tầng lầu du khách ghé tham quan một số phòng ngủ. Các phòng đều thiết kế rộng rãi, thoáng mát, có hành lang thông thoáng nên luôn tràn ngập gió và ánh sáng. Từ đây du khách có thể ngắm nhìn toàn bộ khu vực Bãi Trước, từ cửa sổ mặt tiền du khách có thể thấy toàn bộ khu vực vịnh Ghềnh Rái, nơi cửa ngõ nối liền cảng Vũng Tàu và sông Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh). Ở cửa sổ phía sau du khách ngắm nhìn vườn hoa sứ ngũ sắc, xa xa là cánh rừng giá tỵ cổ thụ…đẹp nhất vào cuối mùa khô, cả cánh rừng rụng hết lá, thân cây đứng thẳng cao vút, ngả màu trắng bạc, du khách ngỡ ngàng như lạc đến miền xa thẳm cuối thu của xứ sở châu Âu, vùng biên giới Pháp, Ý - nơi chôn rau cắt rốn của   Paul Doumer… Trong một số bài báo của người Pháp năm 1902 đã viết về Bạch Dinh như sau: “Ở chân ngọn núi phía bắc, biệt thự cùa toàn quyền Đông Dương được xây dựng trên độ cao hơn 20m mà xưa kia là một lực lượng An Nam bảo vệ, tọa lạc giữa ghềnh biển và nổi bật trắng toát lên nền tối sẫm của khu rừng. Trên sườn núi toàn là cây cối bao quanh, người ta chia cắt thành những lối đi từ khu vườn mà nhánh đường cuối cùng mất hút vào trong núi, trong khi mặt bằng ban đầu đã biến thành những thảm cỏ xanh. Một dãy cầu thang mỹ thuật, từ trên vườn vịn xuống nối liền dinh thự với ngôi nhà có dáng dấp nhí nhảnh là nơi đặt phòng làm việc của toàn quyền”.

Sau khi tham quan dinh thự du khách thả bộ men theo con đường ven chân núi, dưới hàng sứ và tán rừng giá tỵ cổ thụ ngắm nhìn những bức tường dài hàng trăm mét, xếp bằng đá tảng do tù nhân (là những chiến sĩ yêu nước tham gia cuộc khởi nghĩa Trương Định) lao động khổ sai khai thác dưới sự cai quản hà khắc và tàn bạo của thực dân Pháp.

Trải qua hơn một thế kỷ Bạch Dinh vẫn hiện diện vẻ tráng lệ, mang kiểu dáng kiến trúc của châu Âu cuối thế kỷ XIX và hiện nay đang được bảo tồn, gìn giữ… trong hệ thống di sản văn hóa của tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu.

 NGUYỄN DUYÊN TÂM

;
.