Hiện nay, các trang mạng đăng nhiều thông tin trái chiều xung quanh việc uống nhiều hay ít nước. Những thông tin này đang khiến người đọc hoang mang, lo lắng, không biết uống nước như thế nào cho đúng cách.
Theo các bác sĩ, thiếu nước có thể gây nguy hiểm cho cơ thể. Trong ảnh: Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Bà Rịa. |
Một số thông tin cho rằng, việc uống quá nhiều nước có thể gây hại cho cơ thể. Chẳng hạn, một website về sức khỏe nhận định việc uống nước quá nhiều gây quá tải cho thận, về lâu dài gây ra suy thận. Một webiste khác đăng bài nói chuyện của một lương y nổi tiếng cho rằng, mọi người không cần phải uống thêm nước mỗi ngày, bởi trong thực phẩm ăn hàng ngày đã có đủ lượng nước cung cấp cho cơ thể; nếu uống thêm nước sẽ gây hại cho cơ thể. Một số thông tin khác thì lại khẳng định, mỗi người cần phải uống ít nhất 2 lít nước/ngày mới đủ nhu cầu của cơ thể.
Những nguồn thông tin trái chiều nêu trên đang khiến nhiều người băn khoăn. Chị Nguyễn Thị Huệ, ở phường Phước Trung (TP. Bà Rịa) bày tỏ: “Trước đây, tôi cũng được khuyến cáo về việc cần phải uống nhiều nước mới tốt cho cơ thể. Vậy nhưng hiện nay lại có thêm một số nguồn thông tin cho rằng uống nước nhiều có hại cho cơ thể, thậm chí cho rằng uống nhiều nước còn gây ra tình trạng ngộ độc nước khiến tôi hoang mang!”.
Bác sĩ Trần Mạnh Tuấn, Trưởng Khoa Tim mạch-Lão học, Bệnh viện Lê Lợi cho biết, không có công thức uống nước chung cho tất cả mọi người. Việc cần uống bao nhiêu nước là đủ còn tùy thuộc vào các yếu tố như: độ tuổi, giới tính, hoạt động thể lực, môi trường sống, bệnh tật. Với người có sức khỏe, thể trạng bình thường, cơ thể tự có cơ chế phản xạ khát và cho chúng ta biết khi nào cần uống nhiều nước hơn. Khi uống quá nhiều nước, cơ thể cũng sẽ tự đào thải ra ngoài và điều này không gây nguy hiểm gì. Chỉ trong một số trường hợp có bệnh lý, việc uống nước nhiều có thể gây nguy hiểm. Chẳng hạn như gần đây, khoa tiếp nhận một bệnh nhân nhập viện do đường huyết tăng cao. Trước đó, bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường nhưng không hay biết và thường có dấu hiệu khát nước liên tục. Trong lần khát gần nhất trước lúc nhập viện, bệnh nhân uống nhiều nước dừa khiến đường huyết tăng cao đột ngột. Những bệnh nhân suy tim, suy thận cũng cần hạn chế lượng nước uống vào cơ thể. Người bị suy tim chỉ nên uống 1,5 - 2 lít nước/ngày, kể cả nước trong thức ăn; người suy thận mãn chỉ nên uống 0,5 lít nước/ngày kể cả nước trong thức ăn.
Nước chiếm khoảng 2/3 trọng lượng cơ thể con người. Nước mang chất dinh dưỡng và hỗ trợ đào thải chất độc, điều chỉnh thân nhiệt, hoạt động như một chất bôi trơn và giảm xóc trong khớp xương, đồng thời đóng vai trò trong hầu hết các trao đổi chất xảy ra bên trong cơ thể. Trong một cơ thể khỏe mạnh, não phát hiện ngay khi cơ thể bắt đầu cần nước và chúng ta sẽ có cảm giác khát để kích thích uống vào. Cơ thể cũng đồng thời tiết ra một loại hormon báo hiệu cho thận để dành nước bằng cách hấp thụ lại nước trong nước tiểu. Tuy nhiên, nhiều người có thói quen nhịn khát, về lâu dài gây ra tình trạng cơ thể thiếu nước. Tình trạng thiếu nước kéo dài thực sự gây nguy hiểm cho cơ thể, thậm chí gây nguy cơ tử vong. Do đó, mỗi người cần bổ sung nước hằng ngày theo nhu cầu của cơ thể. Khi cơ thể có dấu hiệu khát nước bất thường cần phải đến bác sĩ thăm khám để tìm nguyên nhân, phát hiện sớm bệnh lý.
Dù không khuyến nghị uống bao nhiêu nước hoặc chất lỏng cụ thể hàng ngày, nhưng chuyên gia y tế khuyên mọi người nên chọn nước lọc thay vì nước có hương vị và nước ép có thêm đường. Đối với người hoạt động bình thường trong điều kiện khí hậu ôn đới cần khoảng 3,1 lít nước/ngày với nam, 2,7 lít nước/ngày với nữ.
Bài, ảnh: NGUYỄN THI