Bệnh phong (hủi) trước kia được xếp vào “tứ chứng nan y”, ngày nay, bệnh này trên địa bàn BR-VT đã được kiểm soát. Tuy nhiên, để thanh toán hoàn toàn bệnh phong vẫn còn nhiều thách thức, nhất là khi bệnh phong đang giảm dần sự quan tâm, chú ý.
Bác sĩ Đỗ Ngọc Chấn đến thăm và tư vấn, hướng dẫn một bệnh nhân phong tuân thủ tập luyện, điều trị tại nhà. |
Một bệnh nhân tại huyện Châu Đức được phát hiện bệnh phong qua đợt khám sàng lọc da liễu do Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thực hiện. Trước đó, bệnh nhân bị vết tổn thương mất cảm giác trên da. Sau khi được xác định bị phong, bệnh nhân được điều trị đa hóa trị liệu (nguyên tắc phối hợp thuốc) và điều trị tại nhà dưới sự giám sát thường xuyên của nhân viên y tế tại địa phương. Bệnh nhân sau khi hoàn thành điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, tiếp tục được theo dõi giám sát tại địa phương.
Ngoài trường hợp kể trên, từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận thêm 3 trường hợp mắc bệnh phong mới. Những bệnh nhân này đều được đa hóa trị liệu, và không bị tàn tật do bệnh phong.
Bác sĩ Đỗ Ngọc Chấn, Thư ký chương trình phòng, chống phong của tỉnh cho biết, tất cả các bệnh nhân phong sau khi phát hiện đều được quản lý điều trị tại nhà dưới sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của nhân viên y tế địa phương nơi bệnh nhân cư trú. Thông thường thì mỗi tháng 1 lần, cán bộ y tế xã, phường đến nhà bệnh nhân để thăm khám, kiểm tra và phát thuốc cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, hàng tuần, cán bộ thôn kiêm nhân viên sức khỏe cộng đồng phải kiểm tra việc uống thuốc và hướng dẫn bệnh nhân tập luyện phục hồi chức năng, phòng chống tàn phế.
Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng được điều trị khỏi bệnh phong hoàn toàn, do nhiều nguyên nhân, bệnh nhân có thể bị di chứng tàn tật. Nguyên nhân cơ bản nhất là do phát hiện muộn, không được điều trị kịp thời. Do đó hàng năm, chương trình phòng chống phong tỉnh đều có các đợt khám da liễu phát hiện bệnh phong mới đối với những người có tiếp xúc với bệnh nhân phong cũ và khám sàng lọc toàn dân với người đang có bệnh, hoặc dấu hiệu bất thường trên da. Trước đây vào những năm 1994-1996, chương trình phát hiện khoảng 50- 60 bệnh nhân/mỗi năm. Đến năm 2008, đã có hơn 1.000 bệnh nhân phong được phát hiện sớm và điều trị khỏi, còn 125 bệnh nhân phong bị tàn tật cũng được đưa vào theo dõi, quản lý, chăm sóc suốt đời, 51 bệnh nhân được phẫu thuật lỗ đáo (lổ thủng dưới gan bàn chân do bệnh phong gây ra).
Bên cạnh kết quả đạt được, để tiến tới thanh toán hoàn toàn bệnh phong vẫn còn nhiều thách thức. Hiện nay trong cộng đồng vẫn còn vi khuẩn phong tiềm ẩn trên người cần phải tiếp tục theo dõi, phát hiện kịp thời. Trong khi bệnh phong diễn tiến âm thầm, khi mới mắc bệnh không có ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh nên khiến họ có tâm lý chủ quan không đi khám sớm. Mặc khác, thời gian qua do bệnh phong đã được kiểm soát, loại trừ, số ca mắc rất thấp nên tạo tâm lý chủ quan cho cán bộ, nhân viên y tế, không nghĩ tới bệnh nhân có thể mắc bệnh phong.
Về công tác chăm sóc bệnh nhân phong bị tàn tật cũng còn hạn chế. Nguyên nhân là do đa số bệnh nhân có gia cảnh nghèo, không có đủ điều kiện để thực hiện thường xuyên các bài tập luyện, kiêng cữ theo yêu cầu điều trị. Công tác chăm sóc bệnh nhân phong tàn phế tại cộng đồng vẫn chưa được chú trọng, chưa kiểm tra hướng dẫn thường xuyên, đặc biệt là công tác hướng dẫn chăm sóc tàn phế cho bệnh nhân và kiểm tra việc thực hành của bệnh nhân.
Vì vậy, để đạt được mục tiêu hoàn toàn thanh toán bệnh phong cấp huyện vào năm 2023, việc tăng cường khám sàng lọc toàn dân phát hiện sớm bệnh mới là rất quan trọng. Để làm được điều này cần tuyên truyền cho người dân thường xuyên về các dấu hiệu nhận biết bệnh phong và biết đến chương trình chống phong của tỉnh. Bên cạnh đó, ngành y tế tiếp tục củng cố mạng lưới phòng chống phong trên toàn tỉnh từ tuyến xã, phường đến tuyến tỉnh; thường xuyên tổ chức các đợt khám sàng lọc, theo dõi quản lý người bệnh phong và những người tiếp xúc với bệnh nhân phong.
“Khi phát hiện trên cơ thể những vùng da chuyển màu, mất cảm giác hãy đến tại các chuyên khoa da liễu khám sớm nhất có thể”, bác sĩ Chấn khuyến cáo.
MINH THIÊN