Khi e dè bước vào loan phòng của đêm “động phòng hoa chúc”, đôi vợ chồng son thường nhủ thầm trong bụng: “Phen này, trai hay gái cũng được. Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Thời gian trôi mau, căn nhà đã có tiếng khóc oe oe. Cả gái lẫn trai. Nội cùng ngoại ríu ra ríu rít ẵm bồng, “thơm” cháu, cưng nựng và khen giống ba lẫn mẹ…
Minh họa: MINH SƠN |
Thế nhưng sự đời chẳng hề đơn giản chút nào. Con là con mình dứt ruột đẻ ra, cả hai cùng chia sẻ, gánh vác cho nhau cái sự mang nặng bầu bì nhưng quái lạ, tình thương dành cho con lại khác nhau. Dường như nhiều gia đình cùng có mẫu số chung: Mẹ thương con trai nhiều hơn; ngược lại, người cha dồn tình cảm cho con gái nhiều hơn. Tại sao vậy? Nhiều nhà tâm lý học nhăn mày nhíu mắt nghiên cứu, bảo đại khái rằng, về mặt tình cảm thì con người ta thường có xu hướng che chở cho người khác phái. Chẳng biết có đúng không?
Trong mắt người mẹ, tính cách cậu con trai bao giờ cũng ngố, cũng hậu đậu như cái cậu Nobita trong Doraemon. Vì vậy, nó phải được “để mắt” nhiều hơn. Ngay cả nhà chỉ có anh em trai, người mẹ lại dành tình cảm nhiều nhất cho cậu út. “Giàu con út, khó con út”. Cứ xem truyện Lucky Luke thì rõ, bà mẹ của anh em Tứ quái Dalton, luôn dành tình cảm nhiều nhất cho gã út Averell bởi nó… ăn uống tham lam và ngốc nghếch nhất nhà. Nhiều cậu nhóc dù đã cao lớn hơn cha mẹ nhưng với người mẹ, nó vẫn còn hỉ mũi chưa sạch! Khi bị ba phê bình chuyện này, chuyện nọ, mẹ can thiệp ngay: “Ơ kìa! Nó còn nhỏ dại mà anh!”. Nếu trường hợp đó rơi vào đứa con gái, ắt người mẹ đã nghiêm khắc: “Con gái con đứa gì…”.
Với cha cũng tương tự. Dù thương con trai nhưng do muốn tập cho con tính cách mạnh mẽ, chững chạc nên sự biểu lộ bề ngoài của người cha lúc nào cũng cứng rắn. Trong trò chuyện giữa hai cha con, không ít ông bố đóng vai trò như Bao Công khi bước ra công đường xử án! Vậy mà con gái rượu lại khác! Lúc “cô chiêu” làm nũng, không ngoan, thay vì la mắng như dành cho “cậu ấm”, ông bố chỉ dỗ dành: “Nè, ngoan nè, ngoan cho chóng nhớn nha. Chút nữa ba chở con dạo một vòng xuống phố nhé”, nghe mà mát cả ruột.
Sự “thiên vị”, yêu thương quá lố này đã vô tình dẫn đến sự ganh tỵ giữa các con với nhau. Sự việc chỉ trở nên rắc rối khi con trai cưới vợ. “Con mình, mình cưng như trứng, hứng như hoa vậy mà vợ nó nấu nướng, chăm sóc, cho nó ăn uống kiểu này à? Trời ơi là trời!”, nhiều bà mẹ đã thốt lên bẽ bàng khi bước vào bếp nhìn thấy mâm cơm của gia đình con trai. Khổ nỗi, bà quên rằng khi đã ở riêng, “chúng nó” có cách lựa chọn miễn sao cả hai thấy vui vẻ là “duyệt”! Vậy mà nhiều bà mẹ vẫn cứ sốt ruột, mặt nhăn mày nhó, nói mát nói hờn cô dâu như châm như chích! Hạnh phúc của “đôi trẻ” cũng vì vậy mà lên xuống như điệu nhảy Tango!
Với người cha lại khác, “con gái là con người ta” nên ta thấy giữa chàng rể và nhạc gia thường có mối liên hệ thân mật, dễ đồng cảm hơn. Cha quý rể cũng bởi do thương con gái mình. Hơn nữa, đàn ông với nhau nên lúc “có chuyện” gì, họ cũng dễ dàng chia sẻ, có khi chỉ cần ngồi với nhau bên tách trà, ly rượu là mở lòng.
Lòng yêu thương con cái, đôi khi thái quá nhưng cũng không có gì đáng phàn nàn. Có điều, khi con mình đã lớn, đã có đời sống riêng thì mình phải biết chấp nhận kiểu yêu thương, chăm sóc của vợ (hoặc chồng) “chúng nó” dành cho nhau. Phải tỉnh táo nhận ra rằng khi con trai (hoặc gái) đã ra khỏi vòng tay của mình thì sự can thiệp nào đó, nếu không khéo thì không chỉ không đạt hiệu quả như mong muốn mà còn làm tổn thương hạnh phúc của đôi trẻ nữa.
LÊ MINH QUỐC