Người dân xã Hòa Long, TP. Bà Rịa gần như chẳng ai nhớ nghề nấu rượu có từ bao giờ. Các gia đình truyền nghề theo hình thức cha truyền con nối. Nhưng làng nghề nức tiếng một thời đang có nguy cơ mai một khi số hộ nấu rượu ngày càng giảm. Thực trạng đó đòi hỏi phải tìm hướng đi mới cho làng nghề.
Du khách tham quan lò rượu Hai Thọ. |
Rượu Hòa Long không chỉ khẳng định chỗ đứng trên thị trường trong tỉnh mà còn được tiêu thụ tại một số tỉnh, thành trong nước. Những năm gần đây, nghề nấu rượu ở Hòa Long còn được đưa vào tour du lịch phục vụ khách tham quan, nếm rượu.
Một trong những lò rượu thường đón khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu nghề nấu rượu là lò Hai Thọ (ấp Đông, xã Hòa Long). Ông La Văn Thọ, chủ lò Hai Thọ cho biết, gia đình ông làm nghề nấu rượu hơn 20 năm. Trước đây, ông chủ yếu nấu để bán và tận dụng hèm rượu để chăn nuôi. 3 năm trở lại đây, khi nghề nấu rượu Hòa Long được công nhận nghề truyền thống, ông đã mở cửa cho khách du lịch vào tham quan không thu phí. Theo ông Thọ, muốn có rượu ngon, phải chọn gạo ngon nguyên cám, nấu cơm bằng nồi đất, trộn men đều rồi ủ trong chum sành, dùng bao bố đậy lại và buộc chặt miệng chum. Thời gian ủ khoảng 3 ngày đêm, sau đó chưng cất bằng nồi đất nung.
Năm 2016, nghề nấu rượu Hòa Long được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống. Ngay trong năm đó, HTX Hòa Thành phối hợp với Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Công ty TNHH tư vấn kinh doanh và sở hữu trí tuệ Aliat Legal xây dựng quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể “Rượu Hòa Long”. HTX Hòa Thành cũng nghiên cứu thêm nhiều dòng sản phẩm để cho ra thị trường những dòng rượu cao cấp, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hình thức, mẫu mã vỏ bình được thiết kế bắt mắt hơn. Các sản phẩm rượu được trưng bày và bán tại Hòa Long tửu quán (ấp Nam, xã Hòa Long). HTX này cũng kết nối với các công ty lữ hành đưa du khách nước ngoài về tham quan quy trình nấu rượu và mua sắm. Đại diện HTX Hòa Thành cho biết, từ tháng 11 đến tháng 4 hàng năm, gần như cuối tuần nào Hòa Long tửu quán cũng đón vài đoàn khách nước ngoài đi tour tàu biển đến tham quan. Họ thích thú với sản phẩm rượu Hòa Long và mua về làm quà nhưng số lượng chưa nhiều.
Tuy nhiên, số hộ làm nghề nấu rượu hiện đang có xu hướng giảm. Bà Mã Thị Ngọc Thảo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Long cho biết, từ năm 2015 trở về trước, có thời điểm toàn xã có 120 hộ nấu rượu, có hộ mỗi ngày nấu 500-600 lít nhưng hiện nay chỉ còn 46 hộ. Những hộ trước đây nấu số lượng nhiều, bỏ mối đến TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Thuận, nay chỉ còn vài chục lít/ngày. Nguyên nhân là do người dân nấu rượu chủ yếu để lấy hèm nuôi heo. Vài năm gần đây, heo rớt giá và dịch bệnh, không có lãi nên nhiều hộ bỏ chăn nuôi heo và bỏ nấu rượu. Bên cạnh đó, đầu ra của rượu Hòa Long còn hạn chế vì phụ thuộc thương lái. Người gắn bó với nghề nấu rượu đa phần đã lớn tuổi, trong khi người trẻ có công việc ổn định trong các cơ quan, công ty, xí nghiệp, không mặn mà với nghề truyền thống của gia đình. Ông La Văn Thọ chia sẻ, hiện nay mỗi ngày lò rượu của ông chỉ sản xuất khoảng 30 lít, bằng 1/5 trước đây. “Kinh tế gia đình giờ đã vững hơn, con cái trưởng thành, có công việc ổn định. Tôi cũng lớn tuổi rồi nên giờ chỉ làm cho đỡ nhớ nghề thôi”, ông La Văn Thọ nói.
Theo bà Mã Thị Ngọc Thảo, nấu rượu phải đi liền với nuôi heo, nhưng nuôi heo xen kẽ trong khu dân cư lại gây ô nhiễm môi trường và còn phụ thuộc thị trường, dịch bệnh. Vì vậy, để duy trì nghề truyền thống, các hộ nấu rượu phải tìm hướng đi mới. Theo đó, vài năm gần đây, một số cơ sở nấu rượu chuyển sang phục vụ khách tham quan, tìm hiểu quy trình nấu rượu thủ công, nếm thử rượu và mua về làm quà. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ vận động các HTX, kêu gọi các tổ chức, nhà đầu tư quan tâm tạo không gian tái hiện quy trình nấu rượu thủ công và kết nối với các công ty lữ hành đưa khách về tham quan, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị thương hiệu làng nghề rượu Hòa Long”, bà Thảo cho biết.
Bài, ảnh: ĐAN CHÂU