Nhiều doanh nghiệp gỗ sai phạm trong lĩnh vực lao động

Thứ Năm, 11/07/2019, 19:42 [GMT+7]
In bài này
.

Chậm đóng BHXH, trang bị, cấp phát không đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, không quan trắc môi trường lao động, không tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động… là tình trạng mà DN ngành gỗ trên địa bàn tỉnh còn vi phạm. 

Công nhân xưởng chế biến gỗ của Công ty TNHH Nam Lào (TP.Vũng Tàu) không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân khi làm việc.
Công nhân xưởng chế biến gỗ của Công ty TNHH Nam Lào (TP.Vũng Tàu) không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân khi làm việc.

ĐỤNG ĐÂU SAI ĐÓ

Theo chân Đoàn Thanh tra Sở LĐTBXH kiểm tra, thanh tra tại các DN, cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh cho thấy, các lỗi vi phạm không chỉ từ phía chủ sử dụng lao động mà ngay cả người lao động cũng chưa quan tâm đến việc bảo đảm an toàn lao động trong quá trình sản xuất.

Tại xưởng chế biến gỗ của Công ty TNHH Nam Lào (TP.Vũng Tàu), đa số công nhân đều đi dép lê, dùng tay trần đưa gỗ vào máy cắt để chế tạo sản phẩm. Mặc dù khu vực sản xuất luôn phát ra tiếng máy cưa gỗ rất ồn, bụi bay mù mịt, đồ gỗ để ngổn ngang, nhìn bằng mắt thường cũng thấy nguy cơ mất ATVSLĐ nhưng không mấy ai để ý tới mối nguy hiểm này. Anh Võ Bảo Quốc, công nhân Công ty TNHH Nam Lào không có bất kỳ phương tiện bảo vệ cá nhân nào cho rằng: “Bụi gỗ này không độc bằng bụi ván công nghiệp nên không cần đeo khẩu trang và chẳng có gì phải sợ ảnh hưởng tới sức khỏe. Tôi làm việc hơn 2 năm ở môi trường này rồi và đã quen, tôi nghĩ là không có gì đáng lo cả”.

Đoàn Thanh tra chỉ ra sai phạm tại xưởng sản xuất của Công ty TNHH Nam Lào (TP.Vũng Tàu). Ảnh: NHÃ UYÊN
Đoàn Thanh tra phân tích các sai phạm tại xưởng sản xuất của Công ty TNHH Nam Lào (TP.Vũng Tàu). Ảnh: NHÃ UYÊN

Kiểm tra tại xưởng sản xuất của DNTN Nội thất Thiên Minh (TP. Bà Rịa) cũng cho thấy, khu vực này còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Điển hình như dây kim loại điện chỉ có 1 lớp vỏ bọc tiếp xúc với kim loại khung nhà xưởng, tủ điện không có nắp khóa. Tuy khu vực này đặt máy cưa lồng, máy dán chỉ… nhưng DN không đặt bảng cảnh báo, bảng chỉ dẫn về ATVSLĐ. Đặc biệt, công nhân lao động trong quá trình làm việc còn chủ quan, thờ ơ với những nguy cơ mất an toàn tại nơi làm việc. Trong môi trường gỗ ngổn ngang, nhiều bụi nhưng hầu hết người lao động không sử dụng găng tay, không đeo khẩu trang, không có kính bảo hộ và đi dép lê làm việc. Chị Nguyễn Thị Xuyến, công nhân DNTN Nội thất Thiên Minh cho hay: “Tôi không quen đeo kính bảo hộ vì nhìn không rõ, còn đeo găng tay vào rất vướng víu”.

Trong quá trình thanh tra tại các DN sản xuất, chế biến gỗ cho thấy phần lớn các DN vẫn còn đối phó trong thực hiện các quy định pháp luật lao động và ATVSLĐ. Thậm chí, khi Đoàn Thanh tra tiến hành kiểm tra xưởng sản xuất, nhiều DN tạm ngưng hoạt động và cho công nhân nghỉ làm.  Bà Nguyễn Thị Hà Linh, Chủ DNTN Nội thất Thiên Minh cho biết: “Trước tới nay tôi nghĩ, DN của mình nhỏ, công nhân chỉ 10 người và đã làm việc thuần thục các vị trí rồi nên việc đặt bảng cảnh báo an toàn đối với máy móc là không cần thiết. Còn với kính bảo hộ, chúng tôi có trang bị nhưng quá trình sản xuất trực tiếp trên máy công nhân cảm thấy khi đeo vào nóng mắt và bụi bám gây mờ kính, nhìn không rõ nên không sử dụng”. 

90% DN NGÀNH GỖ VI PHẠM

Đánh giá của Đoàn Thanh tra cho thấy, đa số các DN, cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh còn sử dụng công nghệ thấp, máy móc thiết bị lạc hậu và lực lượng lao động trình độ lao động giản đơn, làm việc theo mùa vụ dẫn đến tình hình tuân thủ pháp luật lao động trong ngành này còn nhiều hạn chế. Các DN mà Đoàn tiến hành thanh tra lần này đều có quy mô vừa và nhỏ, chỉ có từ 3 đến 20 công nhân lao động. Qua thanh tra, có 90% DN vi phạm quy định của pháp luật lao động, ATVSLĐ, BHXH. Trong đó, vi phạm phổ biến nhất của các DN thường mắc phải gồm: Chậm nộp BHXH, BHYT, BHTN cho công nhân lao động; việc cấp phát phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ nhưng chưa đầy đủ; chưa tổ chức phân loại lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; chưa tổ chức khám sức khỏe cho người lao động; chưa tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động; chưa tổ chức quan trắc môi trường lao động; chưa tổ chức đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ và tổ chức tự kiểm tra ATVSLĐ tại DN; chưa xây dựng nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ đối với máy, thiết bị, công việc… 

Trong quá trình thanh tra, các DN đã thừa nhận sai phạm về thực hiện quy định pháp luật về lao động, ATVSLĐ. Tại Công ty TNHH MTV Gỗ Phương Nam (TP.Vũng Tàu), một trong số những đơn vị có nhiều sai phạm trong công tác ATVSLĐ, ông Biện Thành An, Giám đốc Công ty TNHH MTV Gỗ Phương Nam cho biết: “Xưởng của tôi trước kinh doanh dịch vụ, nhưng khi nhận thấy trào lưu bán và gia công gỗ thịnh hành thì tôi chủ động mua sắm một ít thiết bị, máy móc để gia công cho khách. Do kinh doanh nhỏ nên có nhiều nội dung quy định công ty thực hiện chưa đầy đủ, chưa bảo đảm an toàn cho người lao động. Đây là những vấn đề Công ty sẽ cố gắng khắc phục trong thời gian tới”.

Hoạt động thanh tra các DN, cơ sở ngành gỗ trên trên địa bàn tỉnh trong khuôn khổ Chiến dịch thanh tra lao động năm 2019 do Bộ LĐ-TBXH phát động với chủ đề “Tuân thủ pháp luật lao động để phát triển bền vững ngành chế biến gỗ”. Chiến dịch là sáng kiến của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Bộ LĐ-TBXH, mỗi năm tập trung thúc đẩy tuân thủ pháp luật trong một ngành mũi nhọn. Được biết, hiện nay, cả nước có khoảng 500.000 lao động làm việc trong các DN chế biến gỗ và lâm sản, trong đó lao động giản đơn theo mùa vụ chiếm khoảng 40-45%.

-------------------

Qua thanh tra tại 8 DN, cơ sở ngành gỗ trên địa bàn tỉnh, Đoàn thanh tra Sở LĐTBXH đã ra quyết định xử phạt 3 DN có nhiều sai phạm trong công tác ATVSLĐ với số tiền 45 triệu đồng; gồm: Công ty TNHH Nam Lào, Công ty TNHH MTV Gỗ Phương Nam và Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại Đằng Tuấn Phát (TP.Vũng Tàu).

Theo ông Nguyễn Văn Điểu, Chánh Thanh tra Sở LĐTBXH tỉnh, Trưởng Đoàn thanh tra thì hầu hết các DN sản xuất, chế biến đang tồn tại nhiều nguy cơ mất ATVSLĐ và bệnh nghề nghiệp. Trong khi đó, phần lớn các DN chưa nhận thức đúng và chưa quan tâm đầu tư cho công tác ATVSLĐ. Đáng lưu ý, một số DN không hiểu công tác ATVSLĐ gồm những hoạt động gì và thực hiện ra sao? Thậm chí, có nhiều DN cố tình trốn tránh, tìm cách đối phó với Đoàn kiểm tra bằng cách ngưng hoạt động sản xuất, vắng mặt không tiếp Đoàn Thanh tra. Ông Điểu khẳng định: “Sau khi các đơn vị có báo cáo thực hiện kết luận thanh tra của Đoàn Thanh tra, nếu DN nào cố tình không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kiến nghị trong kết luận thanh tra thì chúng tôi sẽ tiến hành tái kiểm tra từng DN và có hướng xử lý quyết liệt hơn, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật về ANVSLĐ, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động, giúp DN ngành gỗ phát triển bền vững”.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

 
;
.