Cảm hứng về bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương” bắt đầu vào một buổi chiều, khi chàng sinh viên trường âm nhạc Hoàng Hiệp lúc ấy mới ngoài 20 tuổi, quê mãi tận An Giang quyết định tìm về nơi gần nhất với quê nhà tức là phía bắc cầu Hiền Lương để nhìn về phương xa cho bớt nhớ.
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp và vợ. |
65 năm trước, ngày 20/7/1954, sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, nước ta tạm thời chia đôi ở vĩ tuyến 17. Sông Hiền Lương (còn có tên khác là sông Bến Hải) thuộc tỉnh Quảng Trị trở thành giới tuyến phân chia hai miền Nam - Bắc. Hàng trăm ngàn học sinh, cán bộ, chiến sĩ miền Nam xa quê ra Bắc tập kết cùng hàng triệu người thân của họ còn ở lại quê nhà năm đó, tất cả đều tin tưởng, hi vọng rằng tháng 7 năm 1956, tổng tuyển cử thành công, đất nước thống nhất họ sẽ trở về và gặp lại nhau. Thế nhưng Hiệp định Giơnevơ bị hủy bỏ, lời hẹn ước 2 năm biến thành cuộc phân cách chia ly kéo dài hơn hai mươi năm. Cầu Hiền Lương bất đắc dĩ trở thành bức tường ngăn cách tình thân cũng như chứng nhân của bao nhiêu biến cố lịch sử, những hi sinh, mất mát, đau thương trong suốt hơn 7.000 ngày dằng dặc biệt ly, mẹ xa cách con, vợ bặt tin chồng. Những nhớ thương, chờ đợi, khắc khoải, lo âu của hàng triệu con người ở hai đầu cầu đã thành cảm xúc cho hàng trăm hàng ngàn tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị được yêu thích tới tận ngày nay. Một trong những bài hát khởi đầu và thành công nhất nói về sự xa cách, trái ngang về tình yêu quê hương đất nước về tình yêu thương, đức hi sinh, lòng chung thủy của người Việt Nam giai đoạn này chính là bài hát bất hủ “Câu hò bên bờ Hiền Lương” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp.
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp sinh năm 1931 mất năm 2013 là một trong những nhạc sĩ hàng đầu của nền tân nhạc Việt Nam. Ông từng được mệnh danh là “Ông hoàng của những tình khúc đỏ”. Nhắc đến Hoàng Hiệp người ta có thể nhắc đến hàng trăm ca khúc nhạc cách mạng nổi tiếng như Lá đỏ (phổ thơ Nguyễn Đình Thi), Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây (phổ thơ Phạm Tiến Duật), Ngọn đèn đứng gác (phổ thơ Chính Hữu), “Viếng Lăng Bác” (phổ thơ Viễn Phương)... Ngoài ra ông còn rất nhiều bài tình ca nổi tiếng như “Con đường có lá me bay”, “Mùa xuân chim én bay”, “Trở về dòng sông tuổi thơ” “Nhớ về Hà Nội”... Tuy nhiên với những người sinh ra khi nước nhà còn chia cắt, nhất là những người con miền Nam ra Bắc tập kết thì bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương” (phổ thơ Đằng Giao) của ông mới chính là một “bài ca không bao giờ quên”. Bài hát được sáng tác vào cuối năm 1956, phát sóng trên Đài tiếng nói Việt Nam năm 1957, đây cũng là thời điểm nhạc sĩ Hoàng Việt viết “Tình ca” bởi vì Hoàng Hiệp, Hoàng Việt cũng như bao người con miền Nam xa quê khác lúc này đang đau nỗi đau chia cắt sẽ kéo dài không biết đến bao giờ mới gặp lại và chính nỗi nhớ thương, lo lắng, khắc khoải tận đáy tim ấy đã tạo thành khoảng khắc thăng hoa giúp họ làm nên những giai điệu kỳ diệu nhất chạm vào trái tim hàng triệu người nghe.
Cảm hứng về bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương” bắt đầu vào một buổi chiều, khi chàng sinh viên trường âm nhạc Hoàng Hiệp lúc ấy mới ngoài 20 tuổi, quê mãi tận An Giang quyết định tìm về nơi gần nhất với quê nhà tức là phía bắc cầu Hiền Lương để nhìn về phương xa cho bớt nhớ. Ở đây anh tình cờ gặp và nghe được lời tâm sự của một người lính, người mà nhà cửa vợ con ở ngay phía bên kia cầu có thể nhìn thấy nhưng lại không thể gặp mặt, trò chuyện. Hoàng Hiệp ngay lập tức nhớ đến bài thơ lục bát ngắn một người bạn đồng hương cùng tập kết cũng có những câu thơ rất gần gũi với tâm trạng của ông bây giờ và thế là bài hát hằng ấp ủ đã ra đời với ca từ giản dị và giai điệu tha thiết mang nặng âm hưởng dân ca Nam bộ: “Bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về... Hò ơ ơ... Thuyền ơi, thuyền ơi có nhớ bến chăng/Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền/Nhắn ai xin giữ câu nguyền/Trong cơn bão tố, vững bền lòng son…”.
Không hào sảng, dào dạt như “Tình ca” của Hoàng Việt, không chói sáng như “Bài ca hy vọng” của Văn Ký, “Câu hò bên bờ Hiền Lương” của Hoàng Hiệp vừa mới mẻ hiền hòa “Bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về” vừa nóng bỏng thiết tha “Xa xa một đàn chim, rẽ mây giang cánh lưng trời/ Hỡi chim hãy dừng cho ta gửi đến phương xa vời” khi trầm buồn “Hay là em bên ấy trong phút giây nhớ nhung trào dâng...“ khi thủ thỉ, mộc mạc “Thuyền ơi thuyền ơi có nhớ bến chăng…” lúc lại ẩn chứa khát vọng mãnh liệt “Xé mây cho sáng trăng vàng/Khai sông nối bến cho nàng về anh”.
“Câu hò bên bờ Hiền Lương” qua sự thể hiện của nhiều giọng ca hàng đầu, nhất là qua chất giọng ngọt ngào, sâu lắng của nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền đã trở thành bài hát được yêu thích nhất trong suốt một thời gian dài. Tuy không phải luôn được các chuyên gia âm nhạc, trong đó có cả nhạc sĩ Hoàng Hiệp đánh giá cao về mặt kỹ thuật phổ thơ nhưng chính nhờ cảm xúc của người nhạc sĩ đã hòa chung với cảm xúc của hàng triệu người đang phải chịu nỗi đau xa cách mà “Câu hò bên bờ Hiền Lương” đã trở thành một tình khúc có sức sống vượt thời gian, bao năm qua vẫn làm rung động trái tim của công chúng yêu âm nhạc, để rồi mỗi khi xa quê, đứng trước một cây cầu, một dòng sông câu hát nhẹ nhàng kia lại bật lên “Bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về/Mắt đượm tình quê đôi mắt đượm tình quê”.
AN AN