Nghỉ hè, đừng bắt trẻ phải đến trường

Thứ Năm, 04/07/2019, 19:05 [GMT+7]
In bài này
.

Mùa hè là thời gian để các em học sinh nghỉ ngơi sau 9 tháng miệt mài đèn sách. Đây là dịp để các em vui chơi, giải trí, dã ngoại, trải nghiệm các bài học thực tế; “học mà chơi” với các kỹ năng sống. Phụ huynh không nên bắt trẻ phải “nhồi nhét” kiến thức của các môn văn hóa trong thời gian này.

Phụ huynh nên cho con học các lớp kỹ năng sống trong dịp hè. Trong ảnh: HS Trường Tiểu học Láng Dài 1 (huyện Đất Đỏ) tham gia chương trình kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em.
Phụ huynh nên cho con học các lớp kỹ năng sống trong dịp hè. Trong ảnh: HS Trường Tiểu học Láng Dài 1 (huyện Đất Đỏ) tham gia chương trình kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em.

Dù biết nghỉ hè là dịp để trẻ được nghỉ ngơi, vui chơi, nhưng vì sợ con quên kiến thức, không theo kịp bạn bè, chị Đặng Thị Hoài, ở phường 9 (TP. Vũng Tàu) đành cho con đi học hè. Chị cho hay, bé nhà chị chuẩn bị vào lớp 5, chương trình học cuối cấp nặng nên hè này chị cho cháu đi học bồi dưỡng kiến thức môn Văn, Toán, tiếng Anh tại nhà cô giáo. Hơn nữa, chị cũng ngại việc để bé ở nhà sẽ không duy trì được nề nếp, thói quen dậy sớm và học tập nghiêm túc khi vào năm học. “Cháu không hứng thú với việc học hè nhưng nếu cứ cho con chơi thoải mái, tôi sợ cháu quên kiến thức, không theo kịp bạn bè”, chị Hoài thổ lộ. Trường hợp của chị Hoài cũng là suy nghĩ chung của nhiều phụ huynh trong việc lựa chọn cho con chơi hay học hè. Ngoài lý do trên, còn nhiều lý do khác khiến phụ huynh phải cho con đi học thêm trong mùa hè như: không có người giữ con; hạn chế việc con ở nhà chỉ chơi game, xem tivi; cha mẹ bận đi làm, không quản lý được con…

Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, nghỉ hè là khoảng thời gian để học sinh nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm học vất vả. Đây cũng là thời gian các em được vui chơi thỏa thích nhằm tái tạo năng lượng chuẩn bị bước vào năm học mới. Vì vậy, phụ huynh nên cho các em tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí như về quê thăm ông bà, đi du lịch, sinh hoạt hè, học các môn kỹ năng, năng khiếu… để thư giãn đầu óc. Phụ huynh cũng nên tôn trọng suy nghĩ của các em, không nên ép con học văn hóa theo ý mình.

Tuy nhiên, tùy vào những đối tượng học sinh cụ thể mà phụ huynh bố trí thời gian học tập điều độ. Học sinh có học lực yếu, thì cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8, các em cần ôn tập kiến thức để sang năm học mới có thể theo kịp chương trình. Học sinh lớp 8 lên lớp 9, lớp 11 lên lớp 12 cũng nên ôn bài vào thời gian cuối của kỳ nghỉ hè để bước vào năm học mới đỡ cực hơn. Còn những học sinh thuộc khối lớp khác, phụ huynh có thể cho con vui chơi hết cả mùa hè, nhưng nên cho con tham gia các khóa học về kỹ năng sống và năng khiếu.

Anh Trần Văn Khải, ngụ phường Thắng Tam (TP.Vũng Tàu) chia sẻ cách tổ chức hè cho trẻ chơi thỏa thích mà không sợ “rơi” kiến thức: “Vừa nghỉ hè, tôi cho hai con về quê nội chơi 10 ngày, kết hợp tham quan du lịch. Sau đó, vợ chồng tôi liệt kê một số môn năng khiếu, địa điểm học, cùng trao đổi với các con để các con chọn môn học mình yêu thích. Ngoài ra, tôi cũng yêu cầu các con dành mỗi ngày 30 phút để ôn tập kiến thức”. Anh Lê Quốc Đạt, ở đường Đoàn Chuẩn (TP. Bà Rịa) thì cho biết, các con anh thích học bơi, vẽ và ngoại ngữ. Trong năm học chính khóa, các cháu không có thời gian học những môn này nên dịp hè là thời điểm thích hợp nhất. “Điều này không chỉ tôn trọng sở thích mà còn giúp các con có kỳ nghỉ hè vui vẻ, thoải mái”, anh Đạt nói.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

;
.