Nằm dưới chân núi Lớn, các làng chài Bến Đá - Bến Đình là một trong rất nhiều điểm nhấn trong lòng thành phố biển Vũng Tàu xinh đẹp. Không rõ có từ bao giờ, chỉ biết rằng nơi đây đã gắn bó với biết bao nhiêu thế hệ ngư dân, đem lại cho họ cuộc sống đủ đầy.
Ngư dân lấy cá từ tàu mới cập bến tại Cảng Bến Đá, phường 5, TP.Vũng Tàu. |
Từ Thích ca Phật đài, chúng tôi xuôi theo đường Trần Phú để tìm ụ tàu của ông Năm Nhơn (Võ Văn Nhơn), một trong những ngư dân “nổi tiếng” nhất tại làng chài Bến Đá-Bến Đình. Hai bên đường, các ngôi nhà, cửa hàng đều đẹp đẽ, khang trang. Dường như, biển cả đã rất ưu đãi người dân nơi đây. Dù chỉ mới là sáng sớm, khung cảnh trên đường cũng đã rộn ràng, nhộn nhịp. Cả một quãng đường dài vài cây số, chúng tôi đã có thể ngửi thấy mùi vị mặn mòi, đậm đặc nhưng dễ chịu của biển và hải sản khô chế biến-một hương vị mặn mòi thơm thơm từ muối và đượm nồng gió biển.
Đã ngoài 60 tuổi, ông Năm Nhơn trông khá cao ráo, vạm vỡ nước da ngăm đen khỏe mạnh, rất nhanh chóng, thái độ nghiêm túc trong công việc chuyển thành sự vui vẻ, niềm nở khi tiếp chuyện chúng tôi. Ông Năm Nhơn cho biết, hơn 30 năm trước, ông chuyển từ Quảng Ngãi vào Vũng Tàu lập nghiệp với nghề đi biển. Hồi đó chỉ là những con tàu nhỏ với công suất vài chục CV, nhưng nhờ nguồn lợi dồi dào nên chuyến biển nào cũng trúng đậm. Cá đù, cá hố, cá đổng, cá phèn, mực ống, mực nang “chỉ ra biển là có”. Nhờ vậy, mỗi chuyến biển ngư dân có thể thu về hàng chục triệu đồng, số tiền rất lớn thời điểm đó. Ông Năm Nhơn cho biết: “Nhờ làm ăn hiệu quả, sau này tôi mạnh dạn đầu tư đóng thêm các tàu công suất cao để đánh bắt xa bờ. Tính đến nay, tôi đang có 4 cặp tàu lưới kéo và một ụ đậu tàu ngay sát cảng Bến Đá nên thu nhập ổn định. Có thể nói, nghề biển đã đem lại cho tôi một cuộc sống đủ đầy. Đến nay, nhiều bà con thân thuộc của tôi vẫn tiếp tục nối nghiệp, bám biển vươn khơi”.
Khoảng đầu năm vào giữa tháng 3 tháng 4 là thời gian ngư dân Bến Đá-Bến Đình đi đánh bắt xa bờ, nhờ biển êm sóng lặng mà mỗi chuyến đi thu hoạch hàng chục tấn hải sản. Người dân thường tụ họp chờ thuyền trở về để chào đón những mẻ cá tôm tươi ngon. Hải sản bán tại chợ Bến Đá-Bến Đình vì vậy luôn giữ được hương vị thơm và tươi của cá tôm vùng biển. Theo lời của những chủ cơ sở chế biến hải sản ở Bến Đá-Bến Đình, sau khi nhận cá từ các ghe tàu về, ngoài việc bán cá tươi, các cơ sở chế biến thuê người làm sạch rồi ướp muối, phơi khô.
Theo thống kê, làng chài Bến Đá-Bến Đình hiện có hơn 300 hộ với gần 600 ghe tàu đánh bắt hải sản. Sản lượng sản lượng khai thác hàng trăm ngàn tấn mỗi năm. Việc khai thác đánh bắt phát triển, kéo theo dịch vụ hậu cần nghề cá tại đây cũng hình thành và ngày càng lớn mạnh, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động. Tại các cảng cá Incomap, Bến Đá, cảng cá Lò Than, cảng cá phường 5… có thể đón tàu cá có công suất 600CV -700CV cập cảng, năng lực xếp dỡ hàng hóa từ 6.000-36.000 tấn/năm.
Cũng như các làng cá lâu đời của BR-VT, quá trình hình thành và phát triển làng chài Bến Đá-Bến Đình gắn liền với quá trình tụ cư, mà trong đó chủ yếu là các quá trình di dân tự do từ các tỉnh miền Trung và Nam Trung Bộ. Vì vậy, truyền thống văn hóa của các cộng đồng dân cư hội tụ về sinh sống ven biển TP. Vũng Tàu đã có tác động quan trọng trong việc hình thành các lễ hội cũng như nét văn hóa đặc trưng của ngư dân như lễ hội Nghinh Ông, lễ hội cầu an, lễ cúng biển, lễ mở biển… Với bản chất siêng năng, chịu khó, những ngư dân này đã cũng với người địa phương tạo nên những làng chài trù phú, xinh đẹp trong lòng thành phố biển Vũng Tàu. Các thế hệ tương lai tiếp tục ra đời và không ít trong số đó tiếp tục vươn khơi, bám biển. Ông Trần Chính (đường Bạch Đằng, phường 5) từ Bình Định vào theo nghiệp biển đã được 40 năm. Sau vài năm chú tâm vào làm ăn, ông gặp bà Nguyễn Thị Lan, người con gái hiền dịu, nết na và 2 người quyết định trở thành bạn đời. Đến nay, ông bà đã có với nhau 5 người con, 4 trai 1 gái. “Các con của tôi hiện nay đều theo nghiệp biển, ngoài 2 đứa vẫn vươn khơi bám biển thì còn lại làm việc hậu cần nghề cá. Có thể nói, biển đã đem lại cho tôi tất cả, từ thu nhập, của cải cho đến người bạn đời trăm năm. Làng chài Bến Đình, Bến Đá đã trở thành quê hương của chúng tôi và cả các thế hệ tiếp theo”.
Cũng như ông Chính, biển không chỉ là nơi để mỗi chuyến đi ngư dân Bến Đá-Bến Đình mang về được bao nhiêu tôm cá, mà biển còn là một phần máu thịt của quê hương, mỗi chuyến biển còn góp phần nhỏ bé của mình bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Bài, ảnh: QUANG VINH