Giúp trẻ tránh xa thiết bị điện tử
Nghỉ hè, trẻ có nhiều thời gian rảnh. Với những nhà có điều kiện, đây là thời gian tốt để các em tham gia các kỹ năng, các hoạt động vui chơi giải trí, dã ngoại… Thế nhưng, nhiều gia đình không có điều kiện hoặc không có ông bà trông coi nên thường để trẻ ở nhà, phó mặc cho trẻ giải trí bằng các thiết bị điện tử. Vấn đề đáng nói là nếu trẻ xem, sử dụng thường xuyên các thiết bị này trong khoảng thời gian dài, khiến các em trở nên bị nghiện lúc nào không hề hay biết.
Cha mẹ cần giáo dục cho trẻ nhận biết tác hại của việc nghiện các thiết bị điện tử. (ảnh có tính chất minh họa) |
Khi trẻ nghiện các thiết bị điện tử sẽ tác động rất lớn đến sức khỏe, tinh thần và con đường học tập phía trước. Vậy làm thế nào để giúp trẻ cai được các thiết bị điện tử?
Thứ nhất, cha mẹ cần giáo dục cho trẻ nhận biết tác hại của việc nghiện các thiết bị điện tử. Thiết bị điện tử dùng để giải trí, nhưng phải xem, sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định. Tuyệt đối không nên xem, sử dụng trong khoảng thời gian dài sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ, đặc biệt là các bệnh lý về mắt. Bởi, hầu hết các thiết bị này đều có màn hình nhỏ. Do đó, hình ảnh, cỡ chữ xuất hiện trên các thiết bị cũng nhỏ. Khi tiếp xúc với các thiết bị này, trẻ có thói quen nhìn chằm chằm vào màn hình để cố gắng xem được thông tin, khiến mắt của bé phải tăng cường điều tiết, dần dần gây giảm thị lực. Chưa hết, trẻ bị nghiện các thiết bị điện tử sẽ nảy sinh tâm lý lười vận động. Một khi trẻ lười vận động có thể dẫn đến các bệnh lý khác nhau: béo phì, tiểu đường, các vấn đề về tim mạch...
Đáng lưu ý là hiện nay mạng internet rất phổ biến. Khi trẻ sử dụng các thiết bị điện tử có kết nối mạng internet, nếu không có sự quản lý, kiểm soát của người lớn thì rất nguy hại. Với bản tính thích được khám phá, tìm tòi, trẻ có thể truy cập vào những trang web xấu; những trang web không phù hợp với lứa tuổi của các em; những game, phim ảnh mang tính bạo lực... Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành nhân cách của trẻ sau này.
Thứ hai, không nên để trẻ có quá nhiều thời gian nhàn rỗi. Để làm được điều này, phụ huynh hãy tìm công việc trong nhà phù hợp với lứa tuổi của trẻ để giao cho các em làm. Chẳng hạn, yêu cầu trẻ phụ lặt rau, quét dọn, bỏ quần áo vào máy giặt, gấp đồ… nhằm hạn chế trẻ có thời gian nhàn rỗi, giúp trẻ quên đi các thiết bị điện tử. Kế tiếp, tìm bạn bè cùng trang lứa với trẻ để các em được vui chơi, đùa giỡn cùng nhau. Hoặc phụ huynh có điều kiện thì đưa trẻ đi du lịch, tham quan các di tích lịch sử, tạo điều kiện để trẻ có cơ hội được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm sống từ thực tiễn.
Trong kỳ nghỉ hè, phụ huynh nên sắp xếp thời gian để hướng dẫn cho trẻ học tập. Không nhất thiết phải đưa trẻ đi học thêm hè, mà phụ huynh chỉ cần hướng dẫn các em lấy bài vở ra viết, ôn lại bài vở đã học nhằm củng cố những kiến thức, làm nền tảng vững chắc cho các em bước vào năm học mới. Bên cạnh đó, nên tạo điều kiện các em tham gia các khóa học bơi nhằm trang bị cho trẻ những kiến thức cơ bản về bơi lội, giúp phòng, chống tai nạn đuối nước.
Tóm lại, để thực hiện tốt công tác giúp trẻ cai được các thiết bị điện tử, phụ huynh phải thường xuyên tâm sự, giáo dục về tác hại của việc nghiện các thiết bị điện tử. Tuyệt đối không để trẻ có nhiều thời gian rảnh rỗi, không biết phải làm gì nên đành tìm đến các thiết bị điện tử để giải trí.
NGUYỄN VĂN DÔ