Cơ sở may gia công Lê Đà của chị Văn Thị Lê (tổ 15, ấp Sơn Tân, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức) không chỉ tạo nguồn phát triển kinh tế gia đình mà còn giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ nông thôn với thu nhập ổn định.
Cơ sở may của chị Văn Thị Lê (tổ 15, ấp Sơn Tân, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức) đã giúp giải quyết việc làm cho 12 lao động. |
Năm 1997, chị Văn Thị Lê (SN 1975, quê Quảng Trị) theo chồng vào xã Sơn Bình, huyện Châu Đức lập nghiệp bằng nghề làm rẫy. Làm lụng vất vả, giá nông sản lại bấp bênh nên thu nhập của gia đình chị Lê không ổn định, cuộc sống gặp khó khăn. Năm 2017, được một người quen giới thiệu cho nghề may gia công, chị Lê đã đăng ký đi học may công nghiệp. Sau khi học nghề, nhận thấy việc may gia công có thể phát triển ở khu vực nông thôn nên chị Lê bàn với chồng mạnh dạn vay vốn đầu tư máy móc, mở cơ sở may gia công Lê Đà nhằm phát triển kinh tế gia đình, đồng thời tạo việc làm cho chị em phụ nữ trong thôn và các địa bàn lân cận.
Hiện nay, cơ sở may của gia đình chị Lê đang nhận may gia công cho một công ty may ở TP. Hồ Chí Minh. Mẫu quần áo do công ty cắt sẵn, cơ sở chỉ đảm nhận công đoạn may thành phẩm. Ngoài may gia công, cơ sở may Lê Đà còn nhận may theo đặt hàng. Bên cạnh đó, chị Lê còn nhận đào tạo nghề may cho chị em phụ nữ nông thôn. Nhiều chị sau khi học nghề đã được nhận vào làm việc tại các công ty, xí nghiệp may trên địa bàn tỉnh.
Chị Văn Thị Lê chia sẻ: Nghề may gia công dễ học, dễ làm và có thuận lợi là có thể mang về nhà làm, chị em dễ sắp xếp thời gian để đưa đón con đi học và chăm lo cho gia đình. Vì vậy, nghề này được nhiều phụ nữ nông thôn lựa chọn. Hiện tại, cơ sở may của chị Lê đang có 12 lao động nữ, với thu nhập từ 4-7 triệu đồng/người/tháng.
Trước đây, chị Trần Xiếu (ấp Tân Phú, xã Bàu Chinh) làm công nhân may cho một công ty tại phường Hắc Dịch, TX. Phú Mỹ. Làm việc xa nhà, nhiều hôm còn phải tăng ca, chị không có thời gian chăm sóc gia đình. “Hồi đi làm may ở công ty, thu nhập cũng chỉ như hiện tại nhưng thời gian làm việc rất nghiêm ngặt, lại xa nhà nên vất vả lắm. Từ khi làm việc cho cơ sở may của chị Lê, tôi có thời gian chăm sóc gia đình hơn. Khoản thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng cũng giúp tôi có đồng ra đồng vào để trang trải sinh hoạt trong nhà”, chị Xiếu chia sẻ.
Chị Lê Thị Tuyết Dung (ấp Sơn Tân, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức) bị tật ở cổ, sức khỏe yếu. Trước đây, chị không có việc làm ổn định, trong khi còn làm mẹ đơn thân nên cuộc sống rất chật vật. “Làm việc tại cơ sở may của chị Lê, tôi được nhận hàng về may tại nhà, nên rất phù hợp với sức khỏe và hoàn cảnh gia đình. Công việc này giúp tôi có nguồn thu nhập ổn định và có thời gian chăm lo cho con gái”, chị Dung vui vẻ cho hay.
Chị Lê Hoàng Đông Nghi, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Sơn Bình cho biết, đa số chị em ở nông thôn sống bằng nghề nông, thu nhập không ổn định do phụ thuộc vào thời vụ, giá cả thị trường… Do đó, cơ sở may của chị Lê đã góp phần giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập cho nhiều chị em tại địa phương. “Chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm theo mô hình “ly nông, bất ly hương” là cách làm hiệu quả, phù hợp với lao động nông thôn. Vì vậy, các mô hình tương tự như cơ sở may của chị Lê cần được chính quyền, đoàn thể quan tâm nhân rộng”, chị Đông Nghi nói.
Bài, ảnh: TRÚC GIANG