BỆNH VIỆN ĐA KHOA VŨNG TÀU SẮP HOÀN THÀNH

Sẽ áp dụng mô hình vận hành nào?

Thứ Hai, 29/07/2019, 18:56 [GMT+7]
In bài này
.

Nhằm đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, Tỉnh ủy đang xem xét chủ trương cho Bệnh viện (BV) Đa khoa Vũng Tàu vận hành theo hình thức hợp tác công tư. Nếu chủ trương này được thông qua, đây sẽ là mô hình rất mới mẻ, mở ra cơ hội cho người dân BR-VT được thụ hưởng dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) chất lượng cao với chi phí vừa phải. Nhưng đồng thời, cũng sẽ tạo nên áp lực cạnh tranh không nhỏ cho BV Lê Lợi đang trong quá trình tự chủ về tài chính.

Công trình Bệnh viện Đa khoa Vũng Tàu đang trong quá trình thi công. Dự kiến hoàn thành vào quý IV/2019. Ảnh: MỸ PHƯỢNG
Công trình Bệnh viện Đa khoa Vũng Tàu đang trong quá trình thi công. Dự kiến hoàn thành vào quý IV/2019. Ảnh: MỸ PHƯỢNG

ĐẦU TƯ CÔNG - VẬN HÀNH TƯ

Thường trực Tỉnh ủy đang xem xét chủ trương cho phép BV Đa khoa TP.Vũng Tàu hoạt động theo mô hình hợp tác công tư (đầu tư công - vận hành tư). Theo đó, dịch vụ KCB sẽ do các y, bác sĩ BV Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh đảm nhiệm với mức giá dịch vụ hợp lý.

Trước đây, BR-VT đã thu hút nhiều dự án đầu tư BV tư nhân. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với một BV đa khoa theo chuẩn của Bộ Y tế rất tốn kém. Nên cũng giống như các tỉnh, thành khác, nhiều dự án BV tư đã “chết yểu” ngay trên giấy. Do đó, việc tỉnh giao cơ sở vật chất Nhà nước đầu tư cho tư nhân sử dụng, dưới hình thức hợp tác công tư là một chủ trương được kỳ vọng sẽ tạo sức bật xã hội hóa lĩnh vực y tế.

Theo phương án này, tỉnh BR-VT sẽ có thêm 1 BV đa khoa mới, góp phần giảm tải cho các BV hiện hữu, đồng thời nâng cao chất lượng KCB. Sự ra đời của BV đa khoa mới sẽ tạo môi trường cạnh tranh để thúc đẩy chất lượng dịch vụ y tế trên địa bàn.

Phòng chạy thận nhân tạo của Bệnh viện Lê Lợi có diện tích nhỏ hẹp, chật chội. Trong ảnh: Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Lê Lợi. Ảnh: MINH THIÊN
Phòng chạy thận nhân tạo của Bệnh viện Lê Lợi có diện tích nhỏ hẹp, chật chội. Trong ảnh: Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Lê Lợi. Ảnh: MINH THIÊN

THÁCH THỨC MỚI CHO BỆNH VIỆN CÔNG

Tuy nhiên, trước chủ trương nói trên, vấn đề mà các BV đang quan tâm là liệu cán cân cạnh tranh công - tư có thực sự cân bằng?

Các y, bác sĩ BV Lê Lợi cho rằng, ưu tiên cơ sở vật chất mới cho tư nhân, trong khi BV công phải hoạt động trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, xuống cấp là không cân bằng. BV công vốn dĩ đang phải tự chủ tài chính, kinh nghiệm còn non kém so với tư nhân, lại phải cạnh tranh trong điều kiện chồng chất khó khăn cả về nhân lực, vật lực thì sẽ đi đến đâu?

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc BV Lê Lợi chia sẻ: “Nhiều năm nay, BV Lê Lợi không được đầu tư sửa chữa cơ sở cũ đã xuống cấp trầm trọng. Hiện nay, các khu nhà đều chật hẹp, chắp vá. Quy mô BV 420 giường, vượt quá so với thiết kế ban đầu là 200 giường. Hầu hết các khoa, phòng đều thiếu diện tích so với quy định, nên việc bố trí khu vực phòng bệnh, khu kiểm soát nhiễm khuẩn, xử lý chất thải đều gặp khó khăn. Chưa kể, BV cũng đang trong tình trạng thiếu nhân sự trầm trọng”.

Bác sĩ Lê Văn Hùng, Trưởng Liên chuyên khoa, Chủ tịch Công đoàn BV Lê Lợi cho biết thêm, đội ngũ cán bộ, bác sĩ, nhân viên của BV Lê Lợi đã chờ đợi 10 năm với mong muốn được chuyển về làm việc tại cơ sở mới (Công trình BV Đa khoa Vũng Tàu, PV). Vì thế, nếu trong tương lai BV Đa khoa Vũng Tàu vận hành theo mô hình công - tư thì cán bộ, bác sĩ, nhân viên của BV sẽ rất hụt hẫng. Đáng lo nhất là BV tư nhân với nhiều lợi thế hơn như cơ sở vật chất, trang thiết bị tốt, đội ngũ y, bác sĩ danh tiếng của BV Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh sẽ quá vượt trội về cạnh tranh.

Các y, bác sĩ Bệnh viện Lê Lợi làm việc tại phòng cấp cứu trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Ảnh: MINH THIÊN
Các y, bác sĩ Bệnh viện Lê Lợi làm việc tại phòng cấp cứu trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn. 

GIẢI PHÁP CÙNG CÓ LỢI

Theo ý kiến đề xuất của BV Lê Lợi, nếu BV Lê Lợi không được chuyển sang cơ sở mới thì cần sớm đầu tư cải tạo cơ sở vật chất cũ, đồng thời trang bị sớm nhất những trang thiết bị cần thiết, cấp bách cho BV. Đồng thời, tỉnh quan tâm có chính sách thu hút, giữ chân nhân lực cho BV Lê Lợi. Một số ý kiến khác thì đưa ra phương án, việc đầu tư công - vận hành tư là chủ trương đúng đắn, nhưng tỉnh cần ưu tiên cho BV Lê Lợi chuyển về cơ sở mới, còn cơ sở cũ của BV thì giao lại cho tư nhân đầu tư.

Về phía Sở Y tế, trong cuộc họp giao ban ngành mới đây, bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế cho biết, về mặt chủ trương xã hội hóa, khả năng BV Đa khoa Vũng Tàu sẽ thực hiện mô hình “đầu tư công - vận hành tư” là rất cao. Vì vậy, Sở Y tế giao cho BV Lê Lợi nghiên cứu, đề xuất việc nâng cấp, sửa chữa, cải tạo cơ sở hiện hữu; tham mưu về mua sắm trang thiết bị y tế.

Dự án đầu tư xây dựng công trình BV Đa khoa TP.Vũng Tàu được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 980/QĐ-UBND ngày 28/4/2010, với tổng mức đầu tư hơn 435 tỷ đồng. Công trình gồm 2 khối nhà, quy mô 350 giường bệnh. Trong đó khối nhà A là hạng mục chính, cao 12 tầng dùng để bố trí các khoa, phòng như: khu tiếp nhận bệnh nhân, giải phẫu hồi sức, nội tổng hợp, ngoại tổng hợp, tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt, mắt, nhi, lão khoa, phụ sản, y học cổ truyền, vật lý trị liệu, thận nhân tạo, chẩn đoán hình ảnh, khoa dược, khoa dinh dưỡng, khoa chống nhiễm khuẩn… Khối nhà B chỉ có 1 tầng, được sử dụng làm nơi khám và điều trị bệnh nhân lây nhiễm. Bên cạnh đó, công trình còn có khối phục vụ và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật (sân, đường giao thông nội bộ, cây xanh, cổng, tường rào, hệ thống cấp điện, nước, xử lý rác thải y tế, chống sét và phòng cháy chữa cháy). Công trình dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong quý IV/2019.

Về cân bằng lợi ích giữa đầu tư BV công và tư, một nhà quản lý về y tế trên địa bàn tỉnh (xin giấu tên) cho rằng: “Chủ trương đầu tư công - vận hành tư của tỉnh là đúng đắn. Tuy nhiên, với quy mô dân số hiện nay, liệu rằng việc có 2 BV đa khoa tại địa bàn TP.Vũng Tàu đã thực sự cần thiết? Do đó, tỉnh cần cân nhắc 2 phương án: Thứ nhất, giao BV Đa khoa Vũng Tàu cho tư nhân đầu tư, còn BV Lê Lợi sẽ sáp nhập với Trung tâm Y tế TP.Vũng Tàu làm 2 chức năng vừa điều trị vừa dự phòng. Phương án thứ hai, giao cơ sở vật chất mới cho BV Lê Lợi thực hiện xã hội hóa, hợp tác với BV Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh để phát triển dịch vụ chuyên môn kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ KCB”.

MINH THIÊN

;
.