Nghỉ hè, thay vì để con ở lại thành phố “làm bạn” với các loại thiết bị điện tử hoặc các chương trình học thêm, nhiều bậc phụ huynh đã lựa chọn gửi con về quê. “Nơi ấy quê nhà” sẽ giúp các con thăt chặt hơn tình thân với ông bà, họ hàng, mà mùa Hè ở quê giúp trẻ có những trải nghiệm thực tế thú vị sau 9 tháng miệt mài với sách vở.
Trẻ em tham gia vui chơi ở một làng quê ở xã Kim Long (huyện Châu Đức). |
BAO ĐIỀU HAY MUỐN KHÁM PHÁ
“Em thích nhất được ba mẹ cho về quê dịp hè. Quê em ở Hà Tĩnh. Về quê, mỗi ngày chỉ cần chạy bộ từ nhà ông bà băng qua vườn là qua nhà các anh chị, em họ và mấy đứa bạn hàng xóm. Tụi em chơi trốn tìm, đi câu cá, bắt dế, bắt cua hoặc đi bắt đom đóm. Năm ngoái, em tham gia sinh hoạt hè ở quê, tụi em coi phim màn ảnh rộng ngay sân hợp tác xã. Ở thành phố em coi phim rạp nhiều rồi, nhưng coi phim màn ảnh rộng, hai bên là người lớn, trẻ em ngồi coi và bàn luận sôi nổi. Thích lắm. Năm nay em tiếp tục được về quê suốt mùa hè”, Hoàng Đức Minh, 13 tuổi (nhà ở hẻm 179, Phạm Hồng Thái, TP.Vũng Tàu) tâm sự.
Anh Hoàng Đức Bình, ba của Minh cho hay, anh chị cùng quê, vào Vũng Tàu lập nghiệp đã lâu. Trước đây, nghỉ hè vợ chồng anh đăng ký cho con học thêm hoặc tham gia các lớp bán trú, nhưng 3 năm nay anh cho con về quê. “Cháu đi về kể đủ chuyện khi ở với ông bà, trong đó có những điều con kể khiến tôi nhớ lại cả tuổi thơ của mình. Đó là trò chơi ô ăn quan, đập pháo đất, chọi cỏ gà… Cháu thích về quê lắm”, anh Bình nói.
Cũng được về quê suốt hè, nhưng em Vũ Anh Thư (8 tuổi, ở số 8, Kim Đồng, TP.Vũng Tàu) may mắn hơn vì quê nội em ở huyện Xuyên Mộc, không phải đi lại vất vả. Khi nói về mùa hè ở quê, Thư ríu rít kể chuyện em cùng nhóm bạn lội kênh gần nhà bắt cua hoặc ốc. Con kênh nước lấp xấp đến đầu gối em, với lớp bùn xốp nhão bên dưới. Các em thi nhau xem ai bắt được nhiều ốc nhất. Cũng ở quê, em tham gia khóa bơi ngày hè và đã bơi khá tốt. Em còn cùng bạn bè chơi đào hố cát, đánh trận giả, tự nấu ăn trong ống lon… “Em thích nhất là bữa nội dựng trại ở sân cho 3 chị em em. Tụi em cứ chui ra rồi lại chui vô trại, tưởng tượng đó là căn nhà của mình. Chừng đến tối mịt, nội mang luôn “căn nhà” đó vào phòng khách vì ngoài sân nhiều sương và tụi em được ngủ ở đó, giữa tiếng ve râm ran ngày hè”, Thư nói. Những kỷ niệm khi ở với ông bà, những loài động, thực vật em gặp ở quê đã được Thư miêu tả trong những bài văn của em bằng lời văn thơ trẻ và đầy chân thực.
Khi về quê, các em sẽ được tham gia vào nhiều trò chơi dân gian. |
“CHO CON MỘT VÉ ĐI TUỔI THƠ”
Xu hướng đưa con về quê và không đụng tới sách, vở trong suốt những ngày hè được nhiều phụ huynh lựa chọn. Công việc bận rộn, phụ huynh không quản lý được con, cũng khó có thể cấm con sử dụng các thiết bị điện tử thông minh, chơi ti vi, nên việc cho con về với ông bà, vừa để gắn kết tình thân, vừa giúp con tích lũy thêm nhiều vốn sống từ thực tế, cũng là “chiếc vé đi tuổi thơ” mà các bậc cha mẹ muốn dành tặng con mình.
“Tôi từng đọc những câu văn ngô nghê, cười ra nước mắt, như: “Nhà em có nuôi một ông/bà nội”, hay “cây chuối ba em trồng đung đưa trong gió, mỗi ngày em trèo lên cành chuối hóng gió…”, hoặc nhiều em ở thành phố, không phân biệt được con bò, con trâu hay con vịt, con ngan, ngỗng… Nên cho con về quê để con có những bài học thực tế ngay tại ngôi nhà ông bà đang sống chứ không phải qua tranh ảnh, đồng thời cho mấy đứa nhỏ chơi với anh chị em họ hàng để các con thân thiết và yêu quý nhau”, chị Bảo Bình (hẻm 41, Lê Văn Lộc) nói về lý do cho con về quê 1 tháng mỗi dịp hè.
Ông Lê Văn Tuyền, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT cho rằng, ngày càng nhiều phụ huynh có xu hướng cho con về quê vào dịp nghỉ hè. Đây không chỉ là dịp để các em về thăm ông bà, họ hàng, người thân để kết nối tình thân, mà còn cơ hội giúp em được tham gia vào những trải nghiệm thực tế, bổ sung thêm kiến thức, vốn sống cho bản thân. Tuy nhiên, theo ông Tuyền, khi phụ huynh đưa con về quê thì cũng nên thông báo với chính quyền cơ sở nơi các em đến, để có thể cùng tham gia sinh hoạt hè tại địa phương và các hoạt động khác. Song, để bảo đảm an toàn cho trẻ khi vui chơi ở quê, ông Tuyền cũng khuyến cáo đến các bậc phụ huynh cần trang bị cho con các kiến thức về tai nạn thương tích, đuối nước…; đặc biệt, cần thường xuyên quan tâm, theo dõi và bám sát các hoạt động vui chơi của trẻ.
MINH THANH - TUỆ LÂM