Tủ sách pháp luật thay đổi thế nào để thu hút bạn đọc?

Thứ Tư, 19/06/2019, 16:49 [GMT+7]
In bài này
.

Hiện nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet và các phương tiện truyền thông hiện đại, mô hình tủ sách pháp luật (TSPL) tại các UBND cấp xã kém thu hút người đọc, lãng phí đầu tư từ ngân sách. Do đó, cần có giải pháp mới nâng cao hiệu quả cho một kênh tuyên truyền phổ biến pháp luật theo mô hình này.

Chúng tôi khảo sát ở rất nhiều TSPL nhưng hầu hết đều không có người đọc. Trong ảnh: Cán bộ tư pháp xã Xà Bang (huyện Châu Đức) sắp xếp lại TSPL.
Chúng tôi khảo sát ở rất nhiều TSPL nhưng hầu hết đều không có người đọc. Trong ảnh: Cán bộ tư pháp xã Xà Bang (huyện Châu Đức) sắp xếp lại TSPL.

CÒN NHIỀU HẠN CHẾ

Sau gần 20 năm triển khai thực hiện Quyết định số 355/1999/QĐ-TP ngày 22/11/1999 của Bộ Tư pháp ban hành kèm theo “Quy chế xây dựng quản lý khai thác TSPL xã, phường, thị trấn”, đến nay, mỗi đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh đều có TSPL. Ngoài ra, sau 9 năm thực hiện Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Xây dựng, quản lý, khai thác TSPL”, các UBND cấp xã, cơ quan Nhà nước, tổ chức đoàn thể, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang cũng được trang bị TSPL để phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân, cán bộ, công chức Nhà nước, học sinh - sinh viên, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang.

Chúng tôi vừa thực hiện cuộc khảo sát về tình hình trang bị và sử dụng TSPL ở một số địa phương trong tỉnh. Điểm đến đầu tiên là UBND phường Long Tâm, TP.Bà Rịa. Tại đây, TSPL được đặt ngay ở “bộ phận một cửa”, trang bị rất nhiều đầu sách phổ biến pháp luật về nhiều lĩnh vực như hành chính, dân sự, tư pháp, hình sự, đất đai, hôn nhân và gia đình… cùng với các thông tư, nghị định hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian cả buổi sáng ở đây, chúng tôi không thấy có ai tới gần TSPL để tìm hiểu văn bản pháp luật.

Công chức xã Sông Xoài (TX.Phú Mỹ) tra cứu thông tin ở TSPL.
Công chức xã Sông Xoài (TX.Phú Mỹ) tra cứu thông tin ở TSPL.

Ông Phạm Anh Quý, công chức Tư pháp phường cho biết, hàng năm TSPL thường xuyên cập nhật các đầu sách cũng như các văn bản pháp luật mới. Thế nhưng, gần như cả năm nay không có người dân nào tới tra cứu văn bản tại TSPL. “Thường chỉ có cán bộ, công chức đang công tác tại xã, phường thực hiện việc tra cứu, tìm hiểu khi có nhu cầu xử lý công việc, còn hiếm khi có người dân đến đọc”, ông Quý cho hay.

Không riêng gì khu vực thành thị, mà khu vực nông thôn, vùng sâu như xã Sông Xoài (TX.Phú Mỹ) hay xã Láng Lớn, xã Xà Bang (huyện Châu Đức), người dân cũng không mấy mặn mà gì với TSPL. Tại UBND xã Sông Xoài, dù TSPL được đặt ở “bộ phận một cửa”, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, người dân tới đây làm thủ tục hành chính gần như không ngó ngàng gì tới sự tồn tại của TSPL. Trong khi chờ đến lượt giải quyết thủ tục hành chính, hầu như người dân nào cũng làm việc riêng, nghe điện thoại, sử dụng smartphone lướt web hoặc chơi game… chẳng hề chú ý tới TSPL.

Ông Đỗ Trịnh Minh Chính, công chức Tư pháp xã Sông Xoài cho biết, nhiều năm nay, ngoài các cán bộ, công chức của xã có sử dụng TSPL, còn hầu như không có người dân tìm đến TSPL để tra cứu văn bản quy phạm pháp luật. “Người dân khi tới UBND xã chỉ làm thủ tục hành chính rồi về, chứ không quan tâm tới TSPL do không có nhu cầu, tài liệu pháp luật còn hạn chế, hình thức trình bày chưa thật sự hấp dẫn, việc mượn, đọc sách pháp luật phụ thuộc giờ hành chính... Từ đó, chưa phát huy hết hiệu quả của mô hình TSPL”, ông Chính nhận định.

Theo ghi nhận của phóng viên tại một số địa phương cho thấy, TSPL ở các xã, phường, thị trấn hiện nay chủ yếu “tồn tại” cho có, chưa thu hút người dân tới đọc, tìm hiểu thông tin pháp luật. Tương tự, tại các trung tâm học tập văn hóa cộng đồng, điểm sinh hoạt văn hóa của người dân nhưng nhu cầu tìm hiểu pháp luật tại TSPL cũng rất hiếm khi xảy ra. Bà Nguyễn Thị Thanh (ấp Cầu Mới, xã Sông Xoài, TX.Phú Mỹ) chia sẻ: “Việc tìm hiểu thông tin pháp luật tại TSPL rất bất tiện vì cần nhiều thời gian, cách biệt về không gian giữa người cần tra cứu và nơi đặt TSPL. Trong khi đó, hiện mạng Internet rất phát triển, cập nhật nhanh các văn bản pháp luật, chỉ với chiếc điện thoại thông minh người dân có thể tìm hiểu thông tin pháp luật ở bất cứ nơi đâu có kết nối mạng Internet”.

XÂY DỰNG TSPL ĐIỆN TỬ

Ông Hoàng Trọng Ánh, Trưởng Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật - Sở Tư pháp thừa nhận, TSPL tại một số địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã không còn phát huy tác dụng như kỳ vọng trong việc tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật. Việc vận hành TSPL tại các địa phương, đơn vị đã bộc lộ sự lãng phí, không hiệu quả. Do đó, Sở Tư pháp đang tiến hành rà soát TSPL hiện có trên địa bàn tỉnh, đánh giá lại hiệu quả khai thác, sử dụng TSPL. Đồng thời, xác định nhu cầu khai thác, sử dụng TSPL tại các địa phương, đơn vị để có hướng đề xuất việc có nên tiếp tục duy trì TSPL. “Việc tiếp tục duy trì TSPL truyền thống trên địa bàn tỉnh cần được cân nhắc kỹ, để tránh sự lãng phí không cần thiết. Vì vậy, trước mắt hạn chế đầu tư cho TSPL ở những nơi có điều kiện tiếp cận thông tin pháp luật thuận lợi bằng nhiều hình thức, để dồn sức tập trung ưu tiên xây dựng TSPL cho các xã ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo”, ông Hoàng Trọng Ánh nói.

Hướng đến tủ sách pháp luật điện tử

Thực hiện Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, TSPL điện tử quốc gia do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng và quản lý thống nhất, được vận hành, khai thác, sử dụng chung trong phạm vi toàn quốc theo hướng tích hợp với Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, bảo đảm thuận tiện, đáp ứng yêu cầu tiếp cận thông tin về pháp luật của cá nhân, tổ chức. Trong thời công nghệ 4.0 hiện nay, xây dựng TSPL điện tử là một xu thế tất yếu, sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với các TSPL truyền thống.

(Ông Hoàng Trọng Ánh, Trưởng Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật - Sở Tư pháp)

Trước những hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện TSPL trên cả nước, ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg về “Xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật” có hiệu lực từ ngày 1/5/2019. Trong đó, điểm nhấn nổi bật là quy định về xây dựng TSPL điện tử quốc gia. Đây sẽ là nơi chứa đựng các dữ liệu thành phần về sách, tài liệu pháp luật do bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Nhà nước khác ở Trung ương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cập nhật, quản lý trên cơ sở tài khoản và phân quyền quản lý được giao.

Ông Nguyễn Minh Cường, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, hiện Văn phòng Cục Thuế và các chi cục thuế đều có TSPL. Tuy nhiên, số lượng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành thuế rất nhiều và thường xuyên sửa đổi, bổ sung, nên việc cập nhật tài liệu bằng văn bản giấy để lưu trữ vào TSPL rất bất tiện. “Vì vậy, không nên tiếp tục duy trì TSPL theo phương thức truyền thống. Thay vào đó, việc cập nhật, tra cứu các văn bản pháp luật trên TSPL điện tử quốc gia sẽ nhanh chóng và tiện lợi hơn nhiều so với TSPL truyền thống”, ông Nguyễn Minh Cường nhận định.

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

;
.