Năm nay, “Học kỳ quân đội” do Nhà Văn hóa Thanh niên (NVHTN) phối hợp với Trung đoàn Minh Đạm tổ chức thu hút hơn 100 “chiến sĩ” nhí tham gia. Trong vòng một tuần (từ ngày 8 đến 14/6), các em vừa học, vừa chơi, làm quen với kỷ luật quân đội.
“Chiến sĩ” vượt chướng ngại vật lấy mật thư. |
“CHIẾN SĨ NHÍ” TRÊN THAO TRƯỜNG
Chúng tôi đến Trung đoàn Minh Đạm (xã Tam Phước, huyện Long Điền) khi các chiến sĩ nhí đã trải qua 4 ngày của “Học kỳ quân đội” (HKQĐ). Hôm đó các “chiến sĩ” tham gia buổi diễn tập đánh trận giả. 14 giờ 30, 145 “chiến sĩ nhí” chia làm 8 tiểu đội, ngồi ngay ngắn trên sân nghe anh Nguyễn Ngọc Hữu (cán bộ NVHTN) hướng dẫn quy tắc ra thao trường. “Các em sẽ hành quân từ 2-4km, và phải tuân thủ những quy định. Khi di chuyển, cần đặt an toàn lên hàng đầu, chú ý tránh bị thương hoặc bị lạc khỏi tiểu đội, các em rõ chưa?”, “Dạ, rõ”, các chiến sĩ đồng thanh đáp. Tiếp đó, thành viên của mỗi tiểu đội tự “vẽ” lên mặt màu xanh lá, xanh dương, đỏ, cam… để “đánh dấu” quân mình, chuẩn bị đánh trận giả.
Thao trường những ngày giữa tháng 6 nóng như đổ lửa, các “chiến sĩ nhí” phải thực hành kỹ năng đã được học, như: Đo khoảng cách giữa hai bờ của hào, thắt nút dây, vượt chướng ngại vật, đu dây, di chuyển qua hào, lấy mật thư, giải mã mật thư… Mất khoảng 20 phút, các “chiến sĩ” đã bắc được cây cầu treo (dài hơn 2m, cao khoảng 1,5m so với mặt hào) từ cây này qua cây bên kia. Từng tiểu đội cử ra một “chiến sĩ” giỏi nhất đi lấy mật thư. Ai cũng hồi hộp theo dõi các chiến sĩ di chuyển trên “cầu treo” với sự hỗ trợ, hướng dẫn của các điều phối viên chương trình.
Sau phần giải mật thư, các “chiến sĩ” hành quân qua những hào sâu, những công sự của Trung đoàn Minh Đạm. Các em vừa phải lăn, lê, vượt chướng ngại vật, vừa quan sát để tránh “bom nước”, “bom bột” dọc đường, vừa bảo đảm hai quả đạn (bịch nước) trên tay còn nguyên để “ném” vào quân địch. Trời nắng, mồ hôi ướt cả bộ trang phục các em đang mặc, những khuôn mặt đỏ gay vì nóng, nhưng “chiến sĩ” nào cũng vui vẻ vì đến điểm tập kết an toàn.
Trận đấu giữa 8 đội diễn ra cho đến 17 giờ, tiếng hô, tiếng cười, nói vang khắp cả thao trường. Cuối buổi, hai bên tổng kết và trao trả tù binh. Nhiều chiến sĩ ướt hết quần áo vì bị trúng “bom nước”, số khác thì dính “bom bột” trắng xóa, nhưng tất cả đều hào hứng và luôn nở nụ cười trên môi. Các em sôi nổi trò chuyện về chiến công trong suốt bữa ăn chiều và cả buổi sinh hoạt tối hôm ấy.
HỌC NHỮNG ĐIỀU HAY
Từ cảm giác bị ép vào khuôn khổ, các học viên đã dần hình thành ý thức tự giác trong sinh hoạt và luyện tập. Những buổi chuyên đề quân sự, kỹ năng sống, ý chí của tuổi trẻ, cơ hội trưởng thành... được hầu hết các bạn lắng nghe chăm chú. Và chỉ đến ngày thứ ba, các “chiến sĩ” đã thích nghi với nội quy sinh hoạt và lịch trình rèn luyện. Một bạn đau chân khi đang hành quân được các chiến sĩ khác hỏi han, quan tâm và báo cáo “chỉ huy”, chiến sĩ nào quân phục chưa chỉnh tề lập tức được đồng đội nhắc và giúp chỉnh sửa… Lý Thành Nhân (12 tuổi, nhà ở thị trấn Phước Bửu) nói: “Tham gia HKQĐ, em đã tự giác dậy sớm, biết rửa chén, tự giặt đồ. Chúng em cũng học cách làm việc theo nhóm, đoàn kết, hỗ trợ để giành chiến thắng”, Nhân nói.
Trong “Học kỳ quân đội” trẻ được tham gia các hoạt động: tham quan thực tế tại các di tích lịch sử; học nội quy, điều lệnh, đội hình, đội ngũ; tăng gia sản xuất trong quân đội; hướng dẫn sắp xếp nội vụ cá nhân; trải nghiệm hành quân dã ngoại; các bài tập thể dục và các thế võ cơ bản. Các chiến sĩ được giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng chăm sóc sức khỏe; nói chuyện chuyên đề… |
Bên cạnh đó, HKQĐ xây dựng nhận thức, khơi nguồn cảm xúc tình cảm yêu thương, biết ơn cha mẹ và những người thân trong gia đình.
Trung tá Đoàn Xuân Sơn, Chính ủy Trung đoàn Minh Đạm, thành viên BTC HKQĐ cho biết, đây là năm thứ 8, chương trình được Trung đoàn Minh Đạm và NVHTN phối hợp tổ chức. Trong thời gian 6 ngày, các em được giáo dục về chính trị, về quân sự, kỹ năng, tham quan di tích, hoạt động thiện nguyện và viết thư về cho gia đình. “Chúng tôi không kỳ vọng các em sẽ thay đổi tuyệt đối chỉ sau 1 tuần sống trong môi trường quân đội, nhưng chúng tôi mong muốn các em sẽ có cơ hội cảm nhận ban đầu về kỷ luật quân đội, tinh thần đoàn kết, tư duy độc lập, tự làm mọi việc thay vì được ba mẹ, anh chị làm thay khi ở nhà. Đây sẽ là nền tảng để các em phát triển tư duy sau này”, Trung tá Đoàn Xuân Sơn nhấn mạnh.
Bài, ảnh: MINH THANH