Bệnh sốt xuất huyết (SXH) hiện chưa có thuốc đặc trị mà chủ yếu là điều trị triệu chứng. Thời gian này, dịch SXH đang có nguy cơ bùng phát ở nhiều địa phương. Do đó, người dân cần theo dõi các dấu hiệu, diễn biến SXH để tránh những biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Một bệnh nhi bị sốt xuất huyết đang được chăm sóc tại Bệnh viện Lê Lợi. |
Bé Phan Hoàng Thanh, SN 2006, ngụ tại phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu vừa nhập viện tại bệnh viện (BV) Lê Lợi trong tình trạng sốt cao, huyết áp hạ, li bì. Bé được bác sĩ chẩn đoán bị SXH. Mẹ bé Thanh cho biết, cách đó 4 ngày, bé bị sốt, mệt mỏi, biếng ăn. Thấy con bị sốt đến ngày thứ hai không hạ, gia đình đã đưa bé đến Trung tâm Y tế TP. Vũng Tàu khám thì được chuyển viện do tình trạng khá nặng.
Ghi nhận tại BV Lê Lợi, các trường hợp trẻ bị SXH nặng đang có xu hướng gia tăng. Trung bình mỗi ngày, Khoa Nhi của BV có 2-3 trường hợp trẻ bị SXH điều trị nội trú, trong đó gần phân nửa là ca chuyển biến nặng. Do đó, các bác sĩ Khoa Nhi khuyến cáo người nhà cần chú ý theo dõi bệnh nhân ngay cả khi đã hết sốt.
Theo các bác sĩ, trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh sẽ sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt. Tuy nhiên, đây không phải là thời gian nguy hiểm nhất và không xuất hiện các biến chứng. Từ ngày thứ tư (tính từ khi bắt đầu sốt trở đi) mới là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh. Bởi khi bệnh nhân không còn sốt cao như 3 ngày đầu, nhiều người chủ quan cho rằng bệnh đã bớt nguy hiểm và sắp khỏi, mà không hiểu rằng đây mới chính giai đoạn này có thể có những biến chứng nặng. Trên địa bàn tỉnh đã từng xảy ra trường hợp tử vong vì bệnh nhân chủ quan cho rằng hết sốt là hết bệnh nên không tiếp tục tuân thủ lời dặn của bác sĩ khi về nhà.
Biến chứng thứ nhất của bệnh SXH là tình trạng tăng tính thấm thành mạch và cô đặc máu. Bệnh nhân sẽ không cảm nhận được điều này, nhưng cũng có thể có những dấu hiệu cảnh báo trước sốc như: Mệt lả, đau tức vùng gan, buồn nôn, nôn. Ở trẻ nhỏ có thể chỉ xuất hiện triệu chứng li bì hoặc bứt rứt vật vã, tiểu ít, bỏ bú. Những trường hợp này cần được đưa đến bệnh viện gần nhất để bù dịch, tránh nguy hiểm tính mạng. Biến chứng thứ hai thường thấy là giảm tiểu cầu. Bệnh nhân có thể có chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da… Những bệnh nhân này cần được đưa đến các cơ sở y tế làm xét nghiệm đánh giá mức độ giảm tiểu cầu cũng như để thầy thuốc cân nhắc truyền tiểu cầu nếu cần.
Hiện nay, tất cả các BV trên địa bàn tỉnh đều có khả năng thực hiện được các xét nghiệm và kỹ thuật nêu trên nên người bệnh không nhất thiết phải đến BV tuyến Trung ương. Những trường hợp bệnh nặng, y tế tuyến cơ sở sẽ hồi sức ban đầu và cho chuyển bệnh nhân lên các BV tuyến Trung ương bằng xe cứu thương.
Thêm một lưu ý nữa, bệnh nhân SXH hay nghi ngờ SXH không được tự ý sử dụng 2 loại thuốc giảm đau là: aspirin và ibuprofen. Đây là 2 loại thuốc phổ biến mà khi người có triệu chứng như đau người, đau cơ, khớp, đau đầu, sốt (những triệu chứng của SXH)... thường tự ý mua về uống. Các loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng. Bởi thuốc aspirin và ibuprofen cùng có tác dụng ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu. Aspirin còn có tác dụng phụ là loét dạ dày tá tràng và có thể gây xuất huyết dạ dày, nôn ra máu.
Bên cạnh đó, ngoài tâm lý chủ quan, SXH nguy hiểm hơn ở người lớn do bệnh nhân thường mắc thêm một số bệnh lý đi kèm như đau dạ dày, bệnh lý tim mạch, tiểu đường… Bác sĩ Lê Quốc Bàn, Trưởng khoa Nội, BV Lê Lợi cho hay, những bệnh nhân có các bệnh lý về gan, thận, xuất huyết dạ dày thì SXH rất nguy hiểm vì nó dễ gây suy gan, suy thận, suy đa chức năng. Do đó, người bệnh SXH có bệnh lý nền đi kèm cần phải theo dõi chặt chẽ, bệnh nhân cần phải tuân thủ tuyệt đối dặn dò, chỉ định của bác sĩ.
Bài, ảnh: MINH THIÊN