Hè về, trong khi trẻ em được thoải mái chơi đùa, giải trí thì phụ huynh lại lo lắng. Ngoài vấn đề tìm nơi gửi trẻ, nỗi lo lớn nhất của các phụ huynh chính là nguy cơ trẻ có thể bị tai nạn thương tích (TNTT) hoặc xâm hại tình dục (XHTD). Do đó, chính quyền các cấp và các đoàn thể đã và sẽ tổ chức nhiều sân chơi bổ ích cho trẻ em trong suốt mùa hè.
Cần tổ chức nhiều sân chơi bổ ích cho trẻ trong dịp hè. Trong ảnh: Trẻ em tham gia tour trải nghiệm tại trang trại Nhật Lan (TX. Phú Mỹ). |
HIỂM NGUY RÌNH RẬP
Theo thống kê của Phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐTBXH, năm 2018, toàn tỉnh có 18 trẻ thiệt mạng, trong đó có 7 trẻ bị đuối nước. 5 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có 6 trẻ em thiệt mạng, trong đó có 4 trường hợp bị đuối nước. TNTT ở trẻ là nỗi lo thường trực của phụ huynh, nhất là dịp hè, khi các em không đến trường, trong khi thiếu sự quản lý, giám sát của gia đình.
Chị Nguyễn Anh Thư (xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc) cho biết, cách đây mấy ngày, bé Thu Trâm (9 tuổi), con gái chị trong lúc chơi đùa với các bạn đã bị ngã gãy tay trái, phải bó bột. “Rất may, cháu đã được nghỉ hè nên tai nạn không ảnh hưởng đến việc học tập. Tuy nhiên, điều bất tiện là mỗi ngày đi làm, vợ chồng tôi phải chở con đến gửi người quen”, chị Thư nói. Với chị Bùi Yến (đường Cách Mạng Tháng Tám, TP. Bà Rịa) dịp hè là thời gian chị luôn lo lắng bởi 2 con trai (7 và 8 tuổi) rất hiếu động. “Ngày hè, tôi thường gửi con về quê ngoại ở Định Quán, Đồng Nai. Rẫy nhà ngoại có con suối chảy qua. Bình thường mực nước thấp nhưng mùa hè cũng là mùa mưa, nước dâng cao, có khúc sâu tới 2m. Gửi con về quê với ông bà là một giải pháp, nhưng tôi luôn canh cánh nỗi lo con mất an toàn. Mỗi lần đọc báo thấy có trẻ bị đuối nước là tôi lại bất an”, chị Yến nói.
Không chỉ TNTT, trẻ em còn đối diện nguy cơ bị XHTD và đây cũng là mối lo của nhiều bậc phụ huynh. Chị Nguyễn Thị Sen (hẻm 171, Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu) làm công nhân, thường xuyên tăng ca nên buổi tối, chị phải nhốt cô con gái mới học lớp 2 trong phòng trọ. “Trước đây, tôi hay cho cháu ra ngoài chơi. Nhưng sau một số vụ việc xâm hại trẻ em, tôi phải cảnh giác đề phòng cho con. Nhiều hôm thấy cháu chơi với bạn qua cửa sổ, tôi thương lắm. Nhưng nếu để cho con chơi ở ngoài, trong khi mẹ phải làm thêm tới 20, 21 giờ, tôi không yên tâm chút nào”, chị Sen bộc bạch.
PHONG PHÚ CÁC SÂN CHƠI
Để bảo vệ trẻ, hướng trẻ đến những hoạt động bổ ích trong mùa hè, tránh xa nguy cơ tai nạn, đòi hỏi sự quan tâm của cha mẹ, người thân cũng như các cơ quan, đoàn thể và cộng đồng dân cư. Đó cũng là chủ đề Tháng hành động vì trẻ em năm nay của UBND tỉnh: “Chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em, vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em”. Theo đó, các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương đặc biệt quan tâm đến trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số; tập trung tổ chức các sân chơi hè an toàn, lành mạnh cho trẻ; tập huấn cho phụ huynh, trẻ em các kiến thức, kỹ năng phòng tránh TNTT, tổ chức diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói”, lớp phổ cập bơi cho thanh, thiếu nhi…
Tại Nhà thiếu nhi tỉnh, bên cạnh các lớp năng khiếu hè, đơn vị còn tổ chức chương trình kỹ năng sống “Hành trình trải nghiệm: Fun Farm Hồ Mây - Vừa học vừa chơi khơi nguồn sáng tạo” và KDL sinh thái Bưng Bạc-Trải nghiệm miền Tây thu nhỏ; hành trình về nguồn Tìm về địa chỉ đỏ (tham quan tượng đài Nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, tìm hiểu lịch sử khu căn cứ Minh Đạm).
Huyện Đất Đỏ tổ chức nhiều hoạt động dành cho trẻ em, như: Tuyên truyền sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng các loại chai, ly nhựa, túi ni-lon...; các hoạt động hưởng ứng tuần lễ “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”; tổ chức lớp phổ cập bơi miễn phí cho trẻ em; Hội thi vẽ “Sắc màu tuổi thơ”; tổ chức các lớp bồi dưỡng năng khiếu hè miễn phí cho trẻ em; tổ chức Trại hè thiếu nhi; Hội thi Tự hào sử xanh; thực hiện phong trào “Bạn giúp bạn”.
Tại TX. Phú Mỹ, từ ngày 30-5 đến hết ngày 15-8, BCĐ hè thị xã tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, rèn luyện kỹ năng sống, nâng cao sức khỏe, thể chất, học tập cho thanh thiếu nhi; ngày hội sách “Ươm mầm ước mơ trên từng trang sách” cho trẻ em hoặc vận động trao tặng, trao đổi sách cũ - sách mới, dụng cụ học tập, bán sách với giá ưu đãi cho trẻ em khó khăn; tổ chức Hội thi “Kể chuyện sách Hè”; tham quan bảo tàng, địa danh lịch sử, “Hành trình về nguồn”, các làng nghề truyền thống, tham gia tìm hiểu gìn giữ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hoá tại địa phương…
Các địa phương khác như TP. Vũng Tàu, TP.Bà Rịa, huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Long Điền đều tổ chức lớp phổ cập bơi, chiêu sinh các lớp năng khiếu hè, sân chơi hè cho thiếu nhi tại Trung tâm VH-TT-TT huyện, tại các Trung tâm Văn hóa-Thể thao-Học tập cộng đồng cấp xã…
Chị Hồ Thị Ánh Tuyết, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết, trong chương trình hè và “Tháng hành động vì trẻ em năm 2019”, Tỉnh Đoàn chú trọng hướng đến trẻ em vùng xa. Đặc biệt, lực lượng thanh niên tình nguyện, các đoàn viên của đội “Hoa phượng đỏ” sẽ tổ chức sân chơi cho trẻ em các xã với tần suất 1-2 buổi/tuần tại các trường học trên địa bàn xã. Các sân chơi này sẽ lồng ghép tuyên truyền kỹ năng an toàn cho trẻ, nhằm giảm thiểu tối đa các TNTT, XHTD.
Bài, ảnh: MINH THANH