Tăng mức hỗ trợ cho GV, nhân viên mầm non là cần thiết

Thứ Tư, 19/06/2019, 16:46 [GMT+7]
In bài này
.

UBND tỉnh đã cơ bản thống nhất với những đề xuất của Sở GD-ĐT về việc nâng mức hỗ trợ tiền ăn cho GV, nhân viên đang công tác tại các trường MN công lập có tổ chức bán trú. Chủ trương trên khiến GV, nhân viên tại các nhà trường khấp khởi vui mừng, mong đợi.

Cô Nguyễn Hạnh Đoan, GV Trường MN Ánh Dương (huyện Châu Đức) dạy HS múa hát.
Cô Nguyễn Hạnh Đoan, GV Trường MN Ánh Dương (huyện Châu Đức) dạy HS múa hát.

NÂNG MỨC HỖ TRỢ, ĐIỀU CHỈNH ĐỐI TƯỢNG THỤ HƯỞNG

Mới đây, UBND tỉnh đã xem xét, thông qua đề xuất của Sở GD-ĐT về việc nâng mức hỗ trợ tiền ăn cho GV, nhân viên công tác tại các trường MN công lập có tổ chức bán trú. Theo đó, mức hỗ trợ được điều chỉnh tăng từ 30 ngàn đồng lên 45 ngàn đồng/buổi/người. Đối tượng thụ hưởng là cán bộ quản lý (hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng), GV giảng dạy, nhân viên (nấu ăn, bảo vệ, y tế) đang công tác tại các trường MN công lập có tổ chức bán trú.

Bà Trần Thị Ngọc Châu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT phân tích, theo Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND thì từ năm 2012, đội ngũ GV làm công tác quản lý, GV trực tiếp giảng dạy, nhân viên làm công tác nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ ở các trường MN công lập có tổ chức bán trú trên địa bàn tỉnh được hưởng mức hỗ trợ 30 ngàn đồng/người/buổi (hệ số khoảng 0,57 mức lương cơ sở). Thời điểm đó, chế độ hỗ trợ này đã phát huy hiệu quả, giúp nâng cao đời sống, động viên tinh thần GV. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, mức lương cơ sở đã được điều chỉnh tăng, nên việc nâng mức hỗ trợ cho phù hợp với tình hình thực tế là rất cần thiết.

Cũng theo bà Trần Thị Ngọc Châu, trước đây, đối tượng thụ hưởng chế độ theo quy định là GV làm công tác quản lý, GV trực tiếp giảng dạy, nhân viên làm nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em ở các trường MN công lập. Riêng nhân viên y tế, bảo vệ chưa được thụ hưởng, trong khi công việc của họ vất vả, thời gian làm việc áp lực, mức lương thấp. Sau khi trích nộp bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp, lương của nhân viên bảo vệ chỉ còn hơn 1,6 triệu đồng, nhân viên y tế hơn 3 triệu đồng/tháng. Việc Sở GD-ĐT đề xuất đưa nhân viên y tế và bảo vệ vào đối tượng thụ hưởng là rất cần thiết. Tuy nhiên, UBND tỉnh cũng dự kiến đưa cán bộ quản lý ở các trường ra khỏi đối tượng thụ hưởng chế độ này. Như vậy, khi chế độ mới có hiệu lực, cán bộ quản lý tại các trường MN sẽ không còn được hưởng chế độ trực trưa.

PHẤN KHỞI, VUI MỪNG

Chủ trương nâng mức hỗ trợ cho GV, nhân viên MN bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi. Cô Lê Thị Tình, Hiệu trưởng Trường MN Sao Mai (huyện Châu Đức) chia sẻ, tại trường MN, thu nhập cũng như công việc của cả GV và nhân viên đều hết sức vất vả nhưng thu nhập thấp. Mức lương khởi điểm của GVMN công lập chỉ khoảng 3,2 triệu đồng/tháng, nhân viên y tế 3 triệu đồng, cấp dưỡng 1,2 triệu/tháng, bảo vệ 1,6 triệu/tháng (sau khi trừ bảo hiểm). “Nếu được điều chỉnh mức hỗ trợ sẽ tạo động lực không nhỏ để GV, nhân viên trường MN gắn bó với nghề, các trường MN cũng bớt đau đầu với bài toán tuyển dụng và giữ chân GV, nhân viên”, cô Tình nói.

Về đối tượng thụ hưởng chế độ, nhiều GV, nhân viên trường MN cho rằng vẫn nên giữ đối tượng cán bộ quản lý. Cô Huỳnh Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường MN Phước Thạnh (huyện Đất Đỏ) cho hay, Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND quy định đối tượng thụ hưởng chế độ trực trưa là GV làm công tác quản lý, GV trực tiếp giảng dạy, nhân viên làm công tác nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ ở các trường MN công lập. Tuy nhiên, Nghị quyết cũng quy định cụ thể số lượng GV hoặc nhân viên tham gia trực buổi trưa ở trường đối với lớp nhà trẻ tối đa 3 người/nhóm, lớp mẫu giáo tối đa 2 người/lớp. Số lượng này chỉ vừa đủ với số GV đứng lớp nên hầu hết các nhà trường đều ưu tiên cho GV hưởng chế độ. Các đối tượng còn lại là nhân viên nấu ăn, cán bộ quản lý thực tế vẫn trực trưa tại trường nhưng chưa hề được hưởng chế độ. Vì lý do đó, cô Hảo đề xuất cho tất cả GV, nhân viên có tham gia trực buổi trưa tại trường được hưởng chế độ. Đặc biệt, không nên bỏ cán bộ quản lý ra khỏi đối tượng thụ hưởng vì đây là những người chịu trách nhiệm với mọi vấn đề xảy ra trong trường học, cần được hưởng chế độ đãi ngộ để động viên, khích lệ. Thay vào đó, có thể quy định cụ thể số lượng cán bộ quản lý được thụ hưởng để tiết kiệm kinh phí.

Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG

 

;
.