- Nước mình vừa bị thế giới “gọi tên” ông ạ!
- Cái vụ nốc bia bọt thuộc hàng top đầu thế giới và khu vực đó chớ gì?
- Không phải. Họ nói Việt Nam thải ra 1,8 triệu tấn rác nhựa mỗi năm, đứng thứ 4 thế giới về phát sinh chất thải nhựa. Tính ra mỗi năm 1 người Việt thải 41kg rác nhựa ra môi trường. Nhột lắm luôn!
- Chỉ một số người “nhột” thì đâu có thay đổi được tình hình.
- Làm sao để nhiều người biết “nhột”?
- Cái vụ này thuộc về ý thức, phải được giáo dục từ nhỏ mà trước hết là làm quen với mô hình “trường học không rác thải nhựa”.
- Phải đó. Trẻ con mà được thầy cô giáo nói về tác hại của rác thải nhựa với đời sống con người, lớn lên sẽ có ý thức gìn giữ đại dương, bảo vệ môi trường.
- Cho các em xem những đoạn phim nói về xác rùa biển, cá voi… chứa đầy rác nhựa bên trong cơ thể thì lại càng “ép phê” hơn nữa. Còn bây giờ thì phải chữa trên ngọn thôi.
- Chữa trên ngọn là sao?
- Là nhắc nhở, kêu gọi mọi người không sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần; Thấy rác thải nhựa ở đâu là nhặt ngay và để có nơi có chỗ; Nên học cách phân loại rác tại nguồn…
- Chuyện này dễ làm mà.
- Thay vì dùng túi ni lông, mọi người nên gói hàng bằng lá chuối.
- Chuyện này cũng đâu có khó, hổm giờ nhiều siêu thị, quán ăn, nhà hàng đang làm.
- Dễ mà khó, nhất là với những người… thiếu ý thức.
- Ừ nhỉ! Chỉ cần thực hiện những việc dễ làm trên là thế giới hết “gọi tên” Việt Nam ngay!
SÁU BẾN ĐÌNH