Từ lâu, túi ni lông đã trở thành vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày của mỗi gia đình Việt Nam. Nó gắn với thói quen cố hữu của hầu hết các bà nội trợ. Tiện dụng, giá rẻ nên túi ni lông được sử dụng phổ biến.
Túi ni lông hiện đang được sử dụng phổ biến để đựng hàng ở hầu hết các chợ. Ảnh: P.V |
Theo ước tính, hiện nay, mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng 4-5 túi ni lông/ngày. Tác hại của túi ni lông hay rác thải nhựa đối với môi trường, sức khỏe con người là rất lớn. Trong nhựa có chứa DOP - chất rất độc hại, có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất, nguy cơ dẫn đến bệnh ung thư, bệnh vô sinh… Trước những thách thức do vấn nạn ô nhiễm vì túi ni lông, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi cả nước chung tay hành động vì một “Việt Nam với môi trường sống trong lành, an toàn và phát triển bền vững, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra”. Thủ tướng nhấn mạnh: “Mỗi cán bộ, đảng viên cần gương mẫu đi đầu và vận động thực hiện các biện pháp giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Các bộ, ngành và địa phương tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật nhằm giải quyết đồng bộ, hiệu quả vấn đề rác thải nhựa”.
Thực tế cho thấy, không nơi nào túi ni lông được sử dụng và được cho hào phóng như ở chợ. Tại các sạp bán cá, số túi ni lông dùng đựng hàng cho mỗi khách mua một món tối thiểu là 2 chiếc: 1 đựng cá và 1 bọc bên ngoài cho sạch. Tại các quầy rau xanh, số lượng túi ni lông cũng nhiều không kém. Một khách hàng ghé vào chợ tay không, khi trở ra, trên tay luôn có 3-4 túi ni lông và tất cả đều được thải ra môi trường.
Xin chia sẻ một số kinh nghiệm “đi chợ không cần túi ni lông” mà bản thân tôi đang áp dụng. Đầu tiên, cần sắm một chiếc giỏ nhựa và các hộp đựng thực phẩm, chia ra theo từng loại (thịt, hải sản, thực phẩm ăn liền). Khi đi chợ, tùy loại thức ăn định mua, tôi sẽ đem theo loại hộp nào... Riêng các loại rau, củ quả, có thể bỏ trực tiếp vào giỏ. Hiện nay, một số cửa hàng đã gói rau bằng lá chuối, rất tiện lợi. Thực hiện những việc nhỏ như vậy, sẽ hạn chế tối đa việc dùng túi ni lông.
Giải quyết ô nhiễm môi trường và tác hại của rác thải nhựa gây ra cho môi trường sống là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi phải thực hiện thường xuyên, lâu dài, có sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành và của toàn xã hội. Nhưng thay đổi thói quen là điều không đơn giản.
Do đó, cần có đội ngũ làm gương và đội ngũ đó nên là những cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên. Thiết nghĩ, các cơ quan, đoàn thể cần phát động một cách chính thức phong trào đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên thanh niên, phụ nữ… “nói không với túi ni lông, các sản phẩm nhựa dùng một lần”, đồng thời, thành lập đội xung kích với lực lượng chủ lực là đoàn viên, thanh niên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng phong trào này. Mỗi người cần coi đây là một cuộc “cách mạng” nhằm giảm thiểu tối đa việc phát sinh rác thải nhựa độc hại trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Như vậy, việc hạn chế túi ni lông, “chống rác thải nhựa” mới đạt hiệu quả.
TRẦN THỊ VIỆT
(Số 38, Lê Hữu Trác, phường Long Tâm, TP. Bà Rịa)