NGÀY TRUYỀN THỐNG NGƯỜI CAO TUỔI VIỆT NAM (6/6/1941 – 6/6/2019)

Sống đúng nghĩa "tuổi cao gương sáng"

Thứ Tư, 05/06/2019, 17:05 [GMT+7]
In bài này
.

Những năm qua, các cấp Hội và hội viên Người cao tuổi (NCT) trong tỉnh đã không ngừng thi đua lao động sản xuất, chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM) bằng những việc làm cụ thể, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Ông Trần Văn Phú (KP. Phước Sơn, phường Phước Hòa, TX.Phú Mỹ) chăm sóc đàn heo của gia đình.
Ông Trần Văn Phú (KP. Phước Sơn, phường Phước Hòa, TX.Phú Mỹ) chăm sóc đàn heo của gia đình.

LÀM VIỆC KHÔNG NGƠI TAY

Bà Trần Thị Anh Đào (ấp An Lạc, xã An Nhứt, huyện Long Điền) năm nay đã 63 tuổi, nhưng hàng ngày, bà vẫn thức khuya dậy sớm, chăm chỉ duy trì nghề làm bánh hỏi truyền thống của gia đình.

Để chuẩn bị đủ số lượng bánh cho một ngày, bà Đào ngâm gạo từ chiều hôm trước, đợi gạo mềm thì xay thành bột. Sáng hôm sau, bà dậy từ sớm, nhào bột và ép bánh. Ngoài chuyện kiếm sống bằng nghề, bà Đào luôn tâm niệm phải chắt chiu và ráng sức để giữ cho được thương hiệu Bánh hỏi An Nhứt vốn đã nức tiếng xưa nay. “Bây giờ, người ta làm bánh bằng máy. Làm rất nhanh và lại đỡ tốn công. Nhưng sợi bánh công nghiệp khó mà dai và thơm bằng bánh làm theo cách truyền thống. Nên dù tuổi có già thêm, sức có ít đi thì tôi vẫn cứ duy trì cách làm bánh mà cha ông đã truyền lại”, bà Đào chia sẻ.

Bỏ công nhiều, làm được sợi bánh ngon, nhờ đó mà không chỉ riêng người dân trên địa bàn tỉnh, khách du lịch cũng thường xuyên tìm đến cơ sở sản xuất của bà Đào để mua bánh. Trung bình mỗi ngày, cơ sở của bà Đào sản xuất gần 100kg bánh, phục vụ 200-500 khách, cho gia đình bà nguồn thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Cũng như bà Đào, trên địa bàn tỉnh hiện có 18.202 hội viên NCT đang trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, trong đó có 613 hội viên làm chủ các trang trại và hơn 100 hội viên làm chủ các cơ sở, DN. Nhiều người trong số đó đã sống và làm việc theo đúng phương châm “tuổi cao gương sáng”. Họ vừa chăm chỉ làm ăn, vừa cố gắng đóng góp thật nhiều để duy trì những giá trị truyền thống của quê hương, của làng nghề.

SỐNG CÓ ÍCH VÀ NÊU GƯƠNG

Hội NCT tỉnh hiện có 82.002 hội viên (chiếm 82% số NCT trong toàn tỉnh), sinh hoạt ở 566 chi hội khu phố, thôn, ấp của 82 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nhiều cơ sở Hội NCT đã có các hoạt động thiết thực nhằm động viên, chia sẻ những khó khăn, vui buồn với hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Đầu năm 2014, Hội NCT xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc thành lập “Quỹ chăm sóc NCT” và kêu gọi hội viên tích cực vận động các cá nhân, DN ủng hộ. Sau gần 5 năm, quỹ đã vận động được gần 500 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, Hội NCT xã đã trợ cấp cho 12 hội viên có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 200-300 ngàn đồng/người/tháng. Bà Trịnh Thị Lanh (89 tuổi, ấp Nhân Nghĩa) bị tai biến mạch máu não, bị liệt từ năm 2010, mọi chi phí sinh hoạt hàng ngày của bà Lanh chỉ trông chờ vào số tiền làm thuê chưa đến 100 ngàn đồng/ngày của vợ chồng người con trai, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. “Được các hội viên NCT thường xuyên đến thăm hỏi, tặng quà và hỗ trợ 300 ngàn đồng/tháng, gia đình tôi đỡ cực phần nào”, bà Lanh xúc động nói.

Từ năm 2014 đến nay, qua phong trào “NCT chung sức xây dựng NTM”, các cấp Hội NCT trong tỉnh đã vận động hội viên hiến 23,8ha đất, đóng góp 3.886 ngày công, ủng hộ hơn 4 tỷ đồng vào các công trình phúc lợi, 100% cơ sở Hội NCT thành lập “Quỹ chăm sóc NCT”, qua đó vận động 4,2 tỷ đồng để thăm hỏi, tặng quà, tổ chức mừng thọ, trợ cấp thường xuyên cho hội viên.

Bên cạnh việc giúp đỡ nhau trong cuộc sống, NCT còn tích cực tham gia phong trào “NCT chung sức xây dựng NTM” bằng cách tuyên truyền, vận động con cháu, nhân dân tự nguyện hiến đất, góp công, góp của thực hiện các công trình phúc lợi. Tiêu biểu như ông Dương Văn Thành (SN 1946, ấp Phước Lợi, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ). Nhận thấy các tuyến đường giao thông nông thôn trong ấp đều là đường đất, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, ông Thành đã gương mẫu hiến gần 400m2 đất của gia đình để mở tuyến đường liên ấp. Thấy được việc làm gương mẫu của ông, nhiều hộ dân trong ấp cũng tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền, ngày công để làm con đường bê tông dài 700m, rộng 4m, tổng kinh phí 450 triệu đồng. “Chủ trương xây dựng NTM của Đảng và Nhà nước góp phần mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân chúng tôi. Với lại mình già rồi, có chết cũng không mang theo đất đai, của cải xuống mồ được nên tự nguyện đóng góp chút ít để mở rộng đường, làm đẹp làng đẹp xóm và tạo điều kiện cho bà con đi lại thuận lợi là việc nên làm”, ông Thành nói.

“Bằng những việc làm cụ thể, NCT đã nêu gương sáng bằng những thành quả lao động, làm giàu cho gia đình và đóng góp chung vào sự phát triển của địa phương để con cháu và các tầng lớp nhân dân noi theo, qua đó góp sức xây dựng quê hương BR-VT ngày càng đổi mới, giàu mạnh”, ông Trần Chương, Trưởng Ban đại diện Hội NCT tỉnh nói.

Bài, ảnh: MINH NHÂN

;
.