Sáng 27/6, tại 19 điểm thi trên địa bàn tỉnh, gần 5.000 thí sinh (TS) đã dự thi bài tự chọn là tổ hợp Khoa học Xã hội (KHXH) gồm các môn: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Đây là buổi thi cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Theo đánh giá của các TS, đề thi môn tổ hợp KHXH bám sát trọng tâm chương trình học, các câu hỏi thiên về vận dụng kiến thức nhiều hơn là ghi nhớ thuộc lòng.
Thí sinh dự thi tổ hợp KHXH tại điểm thi Trường THPT Châu Thành (TP.Bà Rịa). Ảnh: MINH THANH |
ĐỀ THI TỔ HỢP MÔN KHXH, NHIỀU KIẾN THỨC VẬN DỤNG
Tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Du (huyện Châu Đức) các TS tỏ ra phấn khởi sau khi hoàn thành khá tốt các môn thi tổ hợp KHXH. Nhiều TS đánh giá đề thi 3 môn tổ hợp dễ thở, với HS trung bình cũng có thể hoàn thành được 50%. Tương tự, tại điểm thi Trường THPT Minh Đạm (huyện Long Điền), Trường THPT Châu Thành (TP.Bà Rịa), hầu hết TS làm tốt bài thi ở môn này. TS Nguyễn Mai Phước Toàn (HS Trường THPT Minh Đạm) nói: “Đề thi vừa sức. Các dạng bài trong đề thi đã được thầy cô ôn tập kỹ, tương đương với đề thi thử của trường nên em làm bài tương đối tốt. Em đăng ký xét tuyển ĐH khối C ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) và Trường ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu. Em dự đoán, em đạt khoảng 22 điểm trong kỳ thi này. So với điểm chuẩn năm ngoái thì rất có hi vọng trúng tuyển”. Tuy nhiên, một số TS làm bài môn Sử không tốt, do không chú ý học phần lịch sử thế giới. Em Trần Hoàng Vân Anh (HS THPT Châu Thành, TP.Bà Rịa) cho biết: “Đề Sử khá nhiều câu hỏi về lịch sử thế giới, trong khi em và các bạn lại chỉ chú ý ôn lịch sử Việt Nam. Dù vậy, em chỉ làm bài để đủ điểm xét tốt nghiệp nên không quá lo”.
TS trao đổi về đề thi môn Lịch sử tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Du (huyện Châu Đức). Ảnh: MINH NHÂN |
Nhận xét về đề thi môn Địa lý, cô Hà Thị Diệu Thúy, GV Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho biết, đề thi bám sát chuẩn kiến thức và đề minh họa của Bộ GD-ĐT. Các câu hỏi nằm trong chương trình lớp 12 tương đối trải rộng, gồm cả phần tự nhiên, dân cư-xã hội, các ngành và vùng kinh tế; riêng câu hỏi nằm trong chương trình lớp 11 tập trung vào khu vực Đông Nam Á. Đề thi cũng đề cập tới một số vấn đề mang tính thực tiễn, gắn liền với cuộc sống. Với đề thi này, HS cần thành thạo kỹ năng đọc Atlat, quan sát kỹ và so sánh các đối tượng được thể hiện trên Atlat là có thể trả lời đúng. Với những câu về ngành, vùng kinh tế có mức độ khó hơn, đòi hỏi các em không chỉ phải nắm chắc kiến thức mà còn phải biết vận dụng, liên hệ thực tế. Muốn đạt điểm 9, 10, HS cần phải có sự đầu tư cho môn học và khả năng vận dụng, tư duy tốt.
Về môn Sử, cô Tạ Thị Dung, GV Trường THPT Vũng Tàu nhận xét: “So với đề minh họa của Bộ GD-ĐT thì đề Sử khó hơn. Đề có nhiều câu hỏi so sánh, không yêu cầu TS phải ghi nhớ, học thuộc quá nhiều, mà cần phải hiểu, nắm chắc kiến thức.
Còn với môn Giáo dục công dân, các GV dạy môn này cũng cho biết, đề thi vừa sức với HS, kiến thức tập trung ở chương trình học khối 11 và 12. Đề thi có các bài tập tình huống liên quan đến những vấn đề thực tế như hôn nhân gia đình, chuyện làm ăn... giúp phân loại đánh giá HS. Phần này yêu cầu HS không chỉ học thuộc bài mà phải biết vận dụng lý thuyết vào những vấn đề thực tế thì mới làm đúng được.
NHIỀU TS CÂN NHẮC VIỆC ĐỔI NGUYỆN VỌNG
Sau khi thi xong các môn thi, các TS có thể ước lượng được kết quả thi. Phần lớn TS đều kỳ vọng kết quả thi của mình cao. Tuy nhiên, các em khá lo lắng bởi điểm chuẩn vào các trường ĐH theo đó cũng sẽ tăng. Nhiều TS cho biết có ý định sẽ thay đổi NV sau khi biết điểm thi. Em Phạm Lê Thanh Thy (HS lớp 12A1, Trường THPT Xuyên Mộc) cho hay: “Em đăng ký thi khối A (Toán, Lý, Hóa), vào Trường ĐH Ngoại thương, nhưng vừa rồi làm bài thi môn Toán ước chỉ được khoảng 7 điểm nên em đang cân nhắc chuyển khối thi sang khối A1 (Toán, Lý, Anh) vì 3 môn thi này em làm bài tốt, có thể được từ 8 điểm/môn trở lên”.
Cán bộ coi thi tại điểm thi Trường THPT Châu Thành, TP.Bà Rịa hướng dẫn TS điền thông tin. Ảnh: MINH THANH |
Tương tự, em Lê Gia Huy (HS Trường THPT Châu Thành, TP.Bà Rịa) đăng ký khối D07 (Toán, Hóa, tiếng Anh) vào Trường ĐH Ngoại thương, chuyên ngành Quản trị kinh doanh. Huy cho biết: “Em đã tìm hiểu điểm chuẩn của Trường ĐH Ngoại thương năm trước là 23,75 điểm. Nhưng theo suy đoán của em, điểm năm nay có thể sẽ cao hơn do đề thi môn Toán dễ hơn. Sau khi có kết quả chính thức từng môn thi của Bộ GD-ĐT, em sẽ cân nhắc xem có nên tiếp tục đăng ký vào Trường ĐH Ngoại thương như dự định ban đầu hay sẽ thay đổi NV sang trường khác”.
Sau khi kỳ thi kết thúc, chậm nhất ngày 13/7 các hội đồng thi xuất kết quả chấm thi từ phần mềm hỗ trợ chấm thi ra 2 đĩa. Hội đồng thi sẽ công bố và thông báo kết quả cho TS vào ngày 15/7. Kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT chậm nhất ngày 19/7. Như vậy, lịch công bố điểm thi THPT quốc gia 2019 sẽ chậm hơn 4 ngày so với năm 2018 nhưng sẽ không ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh ĐH, CĐ. |
Còn em Nguyễn Minh Trang (HS Trường THPT Vũng Tàu) nói: “Em đăng ký thi khối D, vào Trường ĐH Tài chính - Marketing. Sau khi thi xong, em ước được khoảng 20 điểm nên rất lo vì năm nay khả năng điểm chuẩn cao. Do đó, em đang cân nhắc đổi NV sang đăng ký Trường Đại học Mở”.
Theo Bộ GD-ĐT, mỗi TS chỉ có 1 lần điều chỉnh NV nên cần cân nhắc kỹ các NV, ghi cẩn thận theo thứ tự các NV ra giấy trước khi điều chỉnh và ghi nhận trên Cổng thông tin thí sinh. TS điều chỉnh NV bằng 1 trong 2 phương thức: trực tuyến qua Cổng thông tin thí sinh: http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn (từ ngày 22/7 đến 17h00, ngày 29/7/2019), hoặc bằng Phiếu điều chỉnh NV đăng ký xét tuyển (từ ngày 22/7 - 17h00, ngày 31/7/2019). TS điều chỉnh NV bằng Phiếu Đăng ký điều chỉnh NV xét tuyển tại trường THPT hoặc Sở GD-ĐT.
NHÓM PV TS-CT