Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư (khóa X) về đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới, việc thực hiện chính sách, pháp luật BHYT tại Bà Rịa-Vũng Tàu đã đạt được những kết quả tích cực. Nhân ngày BHYT Việt Nam (1/7), phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã có cuộc phỏng vấn ông Đặng Hồng Tuấn, Phó Giám đốc BHXH tỉnh xung quanh nội dung này.
●Phóng viên: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của Bà Rịa-Vũng Tàu sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới?
- Ông Đặng Hồng Tuấn: Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, công tác BHYT trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Số đối tượng tham gia BHYT tăng dần qua các năm. Quyền lợi khám chữa bệnh (KCB) của người tham gia BHYT từng bước được mở rộng, góp phần thực hiện mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe người dân và an sinh xã hội. Tính đến 31/12/2018, đối tượng tham gia BHYT toàn tỉnh là 927.663 người, đạt tỷ lệ bao phủ 84,3% dân số, vượt 2,3% so với chỉ tiêu Chính phủ giao, tăng 370.675 người so với năm 2009.
BR-VT đã có những chính sách thiết thực, hiệu quả như: Hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ BHYT cho đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo và hộ thoát nghèo chuẩn tỉnh. Năm 2018, ngân sách địa phương hỗ trợ cho 53.664 người thuộc các nhóm này. Bên cạnh đó, đối tượng cận nghèo quốc gia ngoài việc được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng theo quy định của Luật BHYT, còn được ngân sách địa phương hỗ trợ thêm 30% mức đóng còn lại.
Việc triển khai hệ thống cấp mã số định danh và quản lý BHYT hộ gia đình hỗ trợ người tham gia có thể tự kiểm tra được thông tin cá nhân, quá trình đóng, hưởng chế độ BHYT, đồng thời giảm thời gian kê khai, giảm thủ tục hành chính. Đối với quỹ BHYT, việc thu-chi được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Việc sử dụng quỹ BHYT đúng mục đích, bảo đảm đầy đủ quyền lợi của người dân tham gia KCB BHYT trên địa bàn.
Người có BHYT được bảo đảm đầy đủ quyền lợi khi khám, chữa bệnh. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa khám cho bệnh nhân. Ảnh: HỒNG PHƯƠNG |
●Thưa ông, thời gian qua, hệ thống cổng thông tin giám định BHYT đã phát huy hiệu quả như thế nào, mang lại lợi ích gì cho người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh?
- Sau 3 năm triển khai thực hiện, hệ thống thông tin giám định BHYT điện tử đã hỗ trợ BHXH tỉnh nâng cao hiệu quả công tác quản lý quỹ BHYT, ngăn ngừa tình trạng gian lận, trục lợi quỹ BHYT. Hệ thống đã kết nối thông tin từ các cơ sở KCB BHYT với cơ quan BHXH nhanh chóng, thuận lợi; bảo đảm tính chính xác, khách quan trong việc giám định BHYT.
Hiện nay, cơ quan BHXH đã ký hợp đồng KCB BHYT với 105 cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh, trong đó có 95 cơ sở y tế công lập và 10 cơ sở y tế ngoài công lập. Tất cả các cơ sở KCB đều gửi dữ liệu KCB lên hệ thống thông tin giám định BHYT điện tử. Nhờ đó, cơ quan BHXH tỉnh giám sát, phát hiện được những bất thường về tần suất KCB, chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh hay sự gia tăng đột biến về chi phí KCB BHYT. Số lượt người KCB và số tiền chi từ quỹ BHYT tăng dần qua các năm. Trong giai đoạn 2009-2018, BHXH tỉnh đã chi hơn 5.253 tỷ đồng cho gần 19,56 triệu lượt KCB BHYT.
●Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển BHYT tại BR-VT còn những khó khăn gì, thưa ông?
- Hiện nay, Chính phủ đã quy định cụ thể về giao dự toán chi phí KCB BHYT cho các cơ sở KCB. Nhưng tình trạng lạm dụng quỹ BHYT vẫn còn, nguy cơ bội chi quỹ BHYT hàng năm vẫn xảy ra. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý KCB và thanh quyết toán chi phí KCB đôi khi còn chậm trễ do các cơ sở y tế gửi dữ liệu còn nhiều sai sót, dữ liệu không khớp giữa các biểu với nhau. Tỷ lệ gửi hồ sơ ngay trong ngày và sau khi ra viện vẫn chưa bảo đảm 100%, dữ liệu đưa lên cổng còn nhiều sai sót do phải cập nhập lại nhiều lần. Sau 2 năm thực hiện thông tuyến, bất cập nảy sinh khi người dân lợi dụng việc thông tuyến để đi KCB tại nhiều cơ sở y tế khác nhau trong cùng thời điểm.
Mặc dù tỷ lệ người tham gia BHYT tăng hàng năm, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao nhưng đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình đạt tỷ lệ còn thấp so với tiềm năng, tỷ lệ bao phủ BHYT còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ ngân sách địa phương. Ngoài ra, từ năm 2018, đối tượng thoát nghèo chuẩn tỉnh 5 năm không còn được ngân sách địa phương hỗ trợ mua thẻ BHYT. Tình trạng vượt nguồn quỹ KCB, vượt tổng mức thanh toán của các trường hợp chuyển đến xảy ra ở một số cơ sở KCB tuyến tỉnh và các cơ sở y tế tư nhân…
●Giải pháp để khắc phục trong thời gian tới là gì, thưa ông?
- Để giải quyết vấn đề này, BHXH tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ban ngành tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, phấn đấu năm 2019 tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 86,1%, năm 2020 là 90%. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả tuyên truyền phù hợp với từng địa phương, từng nhóm đối tượng; Phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường đảm bảo chất lượng dịch vụ KCB. Nâng cao chất lượng công tác giám định, chống lạm dụng, trục lợi, sử dụng an toàn hiệu quả quỹ BHYT. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, triển khai giao dịch điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ và quản lý…
Tuy nhiên, trách nhiệm quản lý và sử dụng quỹ BHYT không chỉ của cơ quan BHXH và ngành y tế, mà tại từng địa phương, các cấp ủy, chính quyền cũng cần quan tâm, tích cực vào cuộc, có những chỉ đạo xử lý kịp thời từng khó khăn, vướng mắc để để các cơ quan, đơn vị và người dân ý thức rõ hơn vai trò, nghĩa vụ của mình trong thực hiện chính sách BHYT.
●Xin cám ơn ông!
BÙI HƯƠNG
(Thực hiện)