Không chủ quan với sốt xuất huyết

Chủ Nhật, 02/06/2019, 17:24 [GMT+7]
In bài này
.

Nam Bộ đang bước vào mùa mưa. Đây là điều kiện lý tưởng để muỗi vằn sinh sôi, nảy nở làm tăng nguy cơ lây truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH). Ngành y tế và các địa phương đang tập trung các biện pháp giám sát chặt chẽ ca bệnh và ngăn chặn nguồn lây truyền bệnh SXH. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn còn chủ quan, lơ là trước SXH. 

phòng chống SXH tại một hộ dân ở khu phố 1, phường Thắng Nhì.
phòng chống SXH tại một hộ dân ở khu phố 1, phường Thắng Nhì.

SỐ BỆNH NHÂN TĂNG MẠNH

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế (TTYT) dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.768 ca bệnh SXH, tăng 4,8 lần so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, TP. Vũng Tàu có số ca mắc cao nhất với 697 ca, tăng 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2018. Hai địa phương khác có số ca mắc tăng cao là huyện Châu Đức với 406 ca (tăng 382 ca) và huyện Xuyên Mộc có 215 ca (tăng 152 ca). TTYT dự phòng tỉnh cho rằng, số ca mắc SXH tăng cao do diễn tiến theo chu kỳ dịch, cách 3-4 năm lại có 1 năm tăng đột biến. Hơn nữa, sự lưu hành của chủng vi rút gây bệnh đã thay đổi so với trước đó, cụ thể là sự xuất hiện của chủng vi rút Dengue 2 - loại vi rút mà cộng đồng chưa có miễn dịch. 

Mùa mưa, khí hậu ẩm thấp là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh SXH sinh sôi và phát triển nên nguy cơ lây lan bệnh rất cao. Thế nhưng, qua kiểm tra dịch bệnh tại các hộ dân do Sở Y tế tiến hành trong chiến dịch diệt lăng quăng vừa qua (20-5) cho thấy, nhiều hộ còn lơ là trong việc phòng chống SXH. Chẳng hạn, tại một số hộ gia đình sống trên địa bàn khu phố 1, phường Thắng Nhì (TP. Vũng Tàu), đoàn kiểm tra phát hiện nhiều ổ lăng quăng sinh sống trong những vật dụng của gia đình. Đây đa số là những vật dụng phế thải như: vỏ xe đạp cũ, chai lọ, hộp, bình nhựa không còn sử dụng hoặc những nơi ít ai để ý như nắp thùng sơn, tô đựng nước cho vật nuôi… 

Điều dưỡng chăm sóc sức khỏe cho một bệnh nhi bị sốt xuất huyết nhập viện điều trị tại Bệnh viện Lê Lợi, TP. Vũng Tàu.  Ảnh: MINH THIÊN
Điều dưỡng chăm sóc sức khỏe cho một bệnh nhi bị sốt xuất huyết nhập viện điều trị tại Bệnh viện Lê Lợi, TP. Vũng Tàu. Ảnh: MINH THIÊN

Anh Nguyễn Văn Dũng, ngụ phường Thắng Nhì giải thích: “Qua báo chí và cán bộ y tế địa phương, tôi đã được tuyên truyền nhiều về các biện pháp phòng, chống SXH. Tuy nhiên, trong sinh hoạt thường ngày, có những việc nhỏ, tôi không để ý nên không thực hiện đúng hướng dẫn. Chẳng hạn, tôi không súc rửa thường xuyên tô đựng nước cho vật nuôi, đến khi mưa xuống là nơi làm ổ cho lăng quăng sinh trưởng. Sau đợt kiểm tra và hướng dẫn của ngành y tế, tôi đã có thêm kiến thức về phòng, chống SXH và sẽ thực hiện tốt hơn”.

Tại huyện Xuyên Mộc, kết quả khảo sát của TTYT huyện Xuyên Mộc cho thấy, chỉ có 65% người dân ngủ mùng. Ông Ninh Trí Dũng, cán bộ chuyên trách phòng chống SXH (TTYT huyện Xuyên Mộc) nói: “Thời tiết nóng bức nên các gia đình có xu hướng ít ngủ mùng. Hơn nữa, muỗi truyền bệnh SXH hoạt động cả ngày lẫn đêm, đặc biệt là thời điểm sáng sớm và chiều tối, nhưng người dân chủ yếu chỉ giăng mùng vào ban đêm, còn ban ngày thì rất ít khi ngủ mùng. Do đó, chúng tôi tuyên truyền, vận động người dân cần ngủ mùng cả ngày lẫn đêm, mặc quần dài, áo tay dài để phòng chống muỗi đốt”. 

TẬP TRUNG PHÒNG CHỐNG BỆNH

Trước tình hình bệnh SXH gia tăng nhanh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng quy mô toàn tỉnh và cấp huyện, thị, thành phố. Ngoài chiến dịch toàn tỉnh đã tổ chức trong tháng 5 và chiến dịch dự kiến tổ chức trong tháng 9, các phường, xã, thị trấn có nguy cơ bùng phát SXH cao phải duy trì diệt lăng quăng 1-2 lần/tuần. 

3 hiểu lầm về bệnh SXH 

1. Bị một lần sẽ không bị lại

Đối tượng nào cũng có thể bị mắc SXH dù là người già, trẻ nhỏ hay thanh niên. Trong cộng đồng đang lưu hành 4 týp vi rút SXH nên bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại và thậm chí lần sau còn mắc nặng hơn lần trước.

2. Giảm sốt là hết bệnh

Theo quy luật, thông thường trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh sẽ sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt. Tuy nhiên, thời gian này không phải là thời gian nguy hiểm nhất và không xuất hiện các biến chứng. Bệnh nhân vẫn có thể điều trị tại nhà. Từ ngày thứ 4 (tính từ khi bắt đầu sốt trở đi) là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh. Bệnh nhân sẽ không còn sốt cao như 3 ngày trước, nhiều người hay cho rằng bệnh đã bớt nguy hiểm và sắp khỏi nhưng chính giai đoạn này có thể có những biến chứng nặng.

3. Tiếp xúc với người bị SXH sẽ lây bệnh

SXH không lây qua đường hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc với người bệnh mà chỉ lây qua muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.

(Nguồn: Website Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh)

Bác sĩ Phạm Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc TTYT TP. Vũng Tàu cho biết, dự báo tình hình SXH diễn biến phức tạp, ngành y tế TP. Vũng Tàu đã xây dựng kế hoạch phòng chống SXH; trong đó tập trung vào các hoạt động diệt lăng quăng, giám sát ca bệnh. Theo đó, ngành phối hợp với các địa phương tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng đồng loạt toàn thành phố và các chiến dịch bổ sung ở những phường nguy cơ cao như: Rạch Dừa, phường 2, 11, 10; tổ chức dập dịch diện rộng 2 đợt tại khu phố 1, phường 11; triển khai tẩm mùng chống muỗi đốt ở xã Long Sơn… Bên cạnh đó, ngành y tế thành phố cũng tăng cường công tác giám sát ca bệnh chặt chẽ, giám sát theo địa bàn khu phố; đặc biệt là ở những vùng nguy cơ cao. “UBND TP. Vũng Tàu đã chi hơn 1 tỷ đồng để hỗ trợ cho công tác phòng chống SXH”, bác sĩ Hiền cho biết thêm. 

Bác sĩ Châu Văn Thanh, Phó Giám đốc TTYT huyện Châu Đức cho hay, trước tình hình bệnh SXH gia tăng, ngành y tế huyện đã tập trung công tác giám sát ca bệnh trong cộng đồng. Khi phát hiện có ca bệnh, cán bộ, nhân viên y tế chuyên trách huyện, xã xuống địa bàn để giám sát, nhanh chóng xác minh để xử lý ổ dịch triệt để theo quy định của Bộ Y tế. 

Báo cáo của TTYT dự phòng tỉnh cho biết, tính đến nay, các địa phương đã phối hợp với ngành y tế xử lý 452 ổ dịch SXH, đạt tỷ lệ 100%; trong đó, TP. Vũng Tàu xử lý 183 ổ dịch, kế đó là huyện Xuyên Mộc 108 ổ dịch, huyện Châu Đức là 86 ổ dịch. 

Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, nhân viên y tế tại các trạm y tế, các nhân viên y tế ấp, nhân viên sức khỏe cộng đồng, cộng tác viên các chương trình y tế đến từng hộ dân cư trên địa bàn hướng dẫn, kêu gọi người dân vệ sinh thông thoáng nhà ở, súc rửa và đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt, đổ nước trong các vật dụng bị ứ đọng nước… Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng; loại bỏ các phế liệu, các hốc nước tự nhiên, không cho muỗi đẻ trứng; ngủ mùng, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt, kể cả ban ngày.

Theo bác sĩ Nguyễn Anh Quan, Phó Giám đốc TTYT dự phòng tỉnh, bên cạnh các biện pháp phòng chống dịch kể trên, chính quyền địa phương cần kiên quyết trong việc xử lý vi phạm hành chính đối với những trường hợp cố tình không tham gia công tác phòng chống SXH theo quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. 

Bài, ảnh: MINH THIÊN

;
.