Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Muốn hiệu quả, phải sát nhu cầu thực tiễn

Thứ Tư, 12/06/2019, 17:24 [GMT+7]
In bài này
.

Chất lượng và hiệu quả luôn là mục tiêu hướng đến trong hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn tỉnh. Nhờ tham gia các lớp đào tạo nghề, nhiều lao động đã có việc làm ổn định, cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho LĐNT còn nhiều khó khăn, bất cập.

Bà Trương Thị Ngọc Thọ (bìa phải, ở xã Kim Long, huyện Châu Đức) trao đổi về nghề may gia công với cán bộ  Phòng LĐTBXH huyện Châu Đức.
Bà Trương Thị Ngọc Thọ (bìa phải, ở xã Kim Long, huyện Châu Đức) trao đổi về nghề may gia công với cán bộ Phòng LĐTBXH huyện Châu Đức.

CƠ HỘI CẢI THIỆN THU NHẬP

Trong xưởng may gia công của gia đình, bà Trương Thị Ngọc Thọ (xã Kim Long, huyện Châu Đức), miệt mài may lô hàng quần áo thể thao để kịp giao cho khách. Cẩn thận, nắn nót từng đường kim, mũi chỉ, các sản phẩm may do bà Thọ hoàn thành rất đẹp. Vừa làm, bà Thọ vừa kể, quyết định học nghề may vào năm 2014 đã mở ra cơ hội thay đổi cuộc đời bà. Chỉ sau 3 tháng học nghề, bà đã có việc làm ổn định. Hiện nay, thu nhập từ xưởng may của bà trung bình từ 5-6 triệu đồng/tháng, cộng với khoản tiền lương hơn 6 triệu đồng/tháng của chồng (nhân viên điện lực xã Kim Long), gia đình bà Thọ tạm đủ trang trải sinh hoạt và lo cho 2 con ăn học. 

Cũng được hỗ trợ học nghề may như bà Thọ còn có hàng chục lao động khác ở các xã trên địa bàn huyện. Thấy nhiều chị em học nghề may, bà Thọ đã mạnh dạn đầu tư mở xưởng, tìm kiếm đối tác để có việc làm và đầu ra ổn định cho sản phẩm. Bà Thọ cho biết: “Nhiều chị em trước kia chủ yếu làm nghề nông, trồng trọt, chăn nuôi. Sau khi học và có thêm nghề may, thu nhập và kinh tế của chị em khá hơn, có đồng ra đồng vào để lo chi tiêu cho gia đình”. 

Lao động nữ làm việc tại cơ sở may gia công Kim Hồng (ở xã Kim Long,  huyện Châu Đức).
Lao động nữ làm việc tại cơ sở may gia công Kim Hồng (ở xã Kim Long, huyện Châu Đức).

Tại các địa phương khác có nhiều lao động học nghề may như huyện Long Điền, huyện Xuyên Mộc… kinh tế của người dân sau khi học nghề cũng đã được cải thiện đáng kể. 

Ông Lê Ngọc Quyết, Phó Trưởng Phòng LĐTBXH huyện Châu Đức cho biết, may công nghiệp là một trong những nghề phát huy hiệu quả nhất trong danh mục các nghề phi nông nghiệp đang được hỗ trợ đào tạo cho LĐNT trên địa bàn huyện. Sau khi học nghề, nhiều lao động đã hình thành tổ hợp may, tạo việc làm cho hàng chục lao động khác. Đối với lao động xin vào làm việc ở các công ty, nhờ có chứng chỉ nghề nên được cộng thêm 7% lương. Cùng với nghề may, các nghề phi nông nghiệp khác như điện công nghiệp, lái xe nâng, lái xe cuốc… những năm qua cũng góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng ngàn lao động. Song song đó, việc dạy các nghề nông nghiệp được triển khai hiệu quả trên địa bàn tỉnh cũng mang đến cơ hội đổi nghề, làm giàu cho nhiều lao động. Dẫn chúng tôi tham quan vườn bưởi da xanh của gia đình, ông Phạm Minh Trí (xã Long Phước, TP. Bà Rịa) cho biết, năm 2015 sau khi tham gia khóa học nghề trồng cây ăn quả, ông bắt tay cải tạo vườn để trồng bưởi da xanh. Nhờ áp dụng những kiến thức thu được từ khóa học vào chăm sóc cây, vườn bưởi của gia đình ông phát triển tốt và cho năng suất, chất lượng cao hơn trước. Hiện nay, thu nhập từ vườn bưởi của gia đình ông đạt hơn 100 triệu đồng/năm. 

LINH HOẠT TRONG TRIỂN KHAI 

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT tỉnh, hiệu quả dạy nghề cho LĐNT vẫn chưa đạt được mục tiêu. Tại một số địa phương, việc thu hút lao động học nghề rất khó và có xu hướng giảm. Thậm chí, nhiều lao động khi vào mùa thu hoạch sẵn sàng nghỉ học để đi làm vì sợ mất thu nhập. Mặt khác, nhiều lao động sau khi học nghề có nhu cầu vay vốn để sản xuất nhưng chưa tiếp cận được nguồn vốn. Việc tổ chức các lớp học nghề nông nghiệp cũng gặp khó khăn, bởi hầu hết học viên đều lớn tuổi hoặc là trụ cột kinh tế gia đình nên phải tham gia sản xuất, chăn nuôi. 

Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề nông nghiệp ở một số địa phương vẫn thiếu linh hoạt, chưa thích ứng với tình hình phát triển địa phương. Điển hình, một số nghề mới như nuôi cá mú kim cương, cá bống bớp nước ngọt, nuôi lươn, vịt trời, trồng cây ứng dụng công nghệ cao… chưa được cập nhật trong giáo trình đào tạo nghề cho LĐNT. 

Để chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT phát huy hiệu quả, các địa phương đã và đang chuyển hướng tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT, bám sát nhu cầu thực tế của thị trường. Nhiều địa phương đã có chính sách thu hút DN tham gia vào quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề cho LĐNT như các nghề ngắn hạn: phục vụ nhà hàng-khách sạn, may công nghiệp, lái xe nâng, xây dựng… 

Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã mở hơn 4.000 lớp dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho hơn 22.000 LĐNT. Sau học nghề, khoảng 95% lao động có việc làm hoặc vẫn làm nghề cũ nhưng tạo ra hiệu quả kinh tế cao hơn. Kể từ khi triển khai đến nay, nhiều địa phương đã hình thành những mô hình điểm về phát triển kinh tế-xã hội, góp phần giảm nghèo.

(Nguồn: Sở LĐTBXH)

Ông Nguyễn Bá Việt, Phó Trưởng Phòng Đào tạo nghề (Sở LĐTBXH) cho hay, nhận thấy những khó khăn trong quá trình đào tạo nghề, BR-VT đã có chủ trương chuyển hướng đào tạo nghề cho LĐNT theo nhu cầu thị trường. Công tác đào tạo nghề đang được triển khai mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp hơn với từng đối tượng, từng ngành, nghề cụ thể ở từng địa phương. Một số nghề phi nông nghiệp được đào tạo trực tiếp tại DN để người lao động thành thạo tay nghề, nâng cao chất lượng lao động, phục vụ nhu cầu của DN. Các nghề nông nghiệp dần chuyển đổi sang hình thức tập huấn kỹ thuật khuyến nông vào mùa vụ, giúp học viên có điều kiện thực hành tốt nhất.

“Qua thực tế triển khai, nhận thấy lao động ở các nhóm ngành nghề trong tỉnh đang thiếu lao động có trình độ chuyên môn, vững tay nghề, chúng tôi đã khuyến khích các địa phương chuyển hướng dạy nghề. Vì vậy, những năm gần đây, người dân được học nghề dựa trên nhu cầu thực tế của thị trường. Cách làm này cho thấy hiệu quả, tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho hàng ngàn nông dân trên địa bàn tỉnh”, ông Việt cho biết. 

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

 
;
.