Nghỉ lễ, đồng nghiệp trong công ty quyết định không đi chơi xa mà cùng nhau hùn tiền mua thức ăn về nhà một chị bạn trong nhóm nấu nướng. Hòa quyết định tham gia cùng nhóm. Lâu lâu cô cũng tham gia những cuộc họp mặt như vậy, nhưng là đi ăn nhà hàng chứ không mua đồ về tự nấu. Cô ngại chuyện bếp núc, vừa mất công dọn dẹp mà có khi nấu xong mệt quá lại không thiết ăn nữa.
Hòa là con út trong gia đình có ba chị em gái. Mẹ Hòa ở nhà nội trợ, nên mọi việc từ giặt giũ, quét dọn nếu các chị gái không làm thì sẽ có mẹ giúp. Hòa cũng ỷ lại bản thân mình sức khỏe yếu, được cả nhà chiều chuộng nên Hòa được nư làm biếng. Gia đình không thuộc dạng giàu có nhưng Hòa chẳng khác gì cô tiểu thư nhà giàu. Cô đi học, rồi đi làm đều gần nhà. Hòa lại vẫn được chiều chuộng như thuở bé. Thật ra thì, có đôi lúc mẹ hay các chị cũng nhắc Hòa làm việc này, việc kia nhưng cô chả mấy khi đụng tay đến.
Nhóm đồng nghiệp tụ họp ăn uống lần này có cả nam và nữ, cùng làm dự án với nhau chừng hơn năm nên khá thân thiết. Một chị trong nhóm có gia đình xung phong nhận bao chỗ nấu nướng vì chồng và con đã về quê nội nên mọi người khá vui vẻ.
Khi ra chợ mua đồ, Hòa như một đứa trẻ lóng nga lóng ngóng thấy cái gì cũng lạ lẫm. Cô chẳng phân biệt được đâu là miếng thịt ba rọi, đâu là thịt mông, nhìn loại cá nào cũng giống nhau. Cũng may, các chị đi cùng chứ bảo Hòa đi chợ chắc Hoa chết đứng giữa chợ mất. Có chị tinh ý nhận thấy sự vụng về của Hòa liền giả đò hỏi: “Hòa, em có biết loại cá này không?”. Hòa bối rối “Dạ, không ạ!”. Cứ thế, chị luyên thuyên rất nhiều, nào người ốm là phải mua cá gì, người bệnh gì thì không được ăn loại gì… hàng tá kiến thức mà Hòa không thể nào nhớ nổi chỉ trong chốc lát. Một lúc sau, chị bạn bảo “Hình như em không phải đi chợ hàng ngày?”, Hòa lí nhí trả lời và đôi má thì ửng đỏ vì ngại.
Khi đã xong nồi canh xương, chị bạn nhờ Hòa thái ít hành đợi nhắc khỏi bếp thì cho vào. Xong, khi nồi canh xương được mang ra. Một anh bạn trong nhóm cười ha hả: “Ai đạo diễn nồi canh xương này vậy? Hình như có điều gì đó sai sai”. Chị bạn hoảng hốt tưởng có lỗi lầm gì vội chạy đến xem. Khi mở nắp nồi ra, chị ngạc nhiên: “Hòa, sao em thái hành kiểu này? Canh xương người ta thường thái nhỏ hành lá mà, sao em cắt lớn hai đốt ngón tay thế này? “Ớ, em tưởng…”, mặt Hòa bừng đỏ lên vì mắc cỡ.
Cô cứ tưởng thái hành thì thái kiểu gì cũng được, nhưng đâu có biết tùy từng món ăn, hành được thái theo nhiều kiểu khác nhau. Ví như khi cho vào canh xương hay chiên trứng thì phải thái hành nhỏ, khi xào với thịt hay rau củ thì thái dài hơn đốt ngón tay chút xíu…
Hòa mắc cỡ với mọi người thì ít nhưng với anh đồng nghiệp đang có ý theo đuổi mình thì nhiều. Thi thoảng, anh lại nhìn cô tủm tỉm cười. Không biết sau đợt này, liệu tình cảm có đi xuống hay không, cô cũng chẳng biết được. Bữa ăn các chị làm rất tuyệt, nguyên liệu thì toàn đồ thân thuộc nhưng ngon không kém nhà hàng sang trọng.
Sau bữa ăn, dọn dẹp cùng các chị, Hòa thỏ thẻ: “Phải mất bao lâu thì các chị mới có thể nấu ăn ngon được như ngày hôm nay ạ?”. Các chị cười: “Bọn chị dành cả thanh xuân để tìm hiểu, mới có thể nấu được như thế đấy!”. Hòa nghĩ về thanh xuân của mình và tiếc nuối việc bản thân đã bỏ lỡ chuyện bếp núc. Nhưng muộn còn hơn không, bắt đầu từ ngày mai, Hòa sẽ vào bếp cùng mẹ. Nhất định những kiến thức cơ bản cô sẽ khắc ghi và không để rơi vào tình trạng dở khóc dở cười như hôm nay nữa.
MAI HOÀNG