.
CHUYỆN NHÀ

Cho trẻ mùa hè thảnh thơi

Cập nhật: 09:10, 21/06/2019 (GMT+7)

Trước mấy ngày bế giảng, cháu gái điện cho tôi khoe học lực giỏi và nói muốn về ngoại chơi. Mong muốn của cháu gặp trở ngại khi vừa nghỉ hè là ba mẹ đã tính đến việc cho cháu đi học thêm. Gọi điện cho tôi, cô bé nhăn nhó, khóc lóc cầu cứu. Tôi đành gọi điện nói chuyện với anh chị, giải thích cho họ hiểu con trẻ cần được nghỉ ngơi sau một năm học nhiều áp lực. 

Thực ra, anh chị cũng không nỡ ép con mình học thêm và càng không muốn con phải căng thẳng trong mấy tháng hè. Nhưng khổ nỗi, nhà đơn chiếc, không ai trông nom, nên cho con học thêm là giải pháp tốt nhất: vừa tiếp thu kiến thức lại đỡ phải lo khi để con ở nhà một mình hoặc tìm chỗ gửi con. Hai người cũng tính đưa cháu về nội hoặc ngoại nhưng lại lo ai cũng bận việc đồng áng, không trông nom được. Ông bà hai bên đã già, chân yếu tay run thì làm sao mà trông trẻ. Trẻ con vốn dĩ hiếu động, đâu có ngồi yên một chỗ. Nhưng sau một hồi tranh luận, thuyết phục, cuối cùng anh chị tôi cũng đồng ý cho con mình về ngoại chơi mấy tháng hè. Và nhiệm vụ ấy do tôi đảm trách. Vậy là cháu tôi được thỏa ước muốn.

Đây là cơ hội tốt để tôi dạy cho cháu mình những kỹ năng thực tế, kinh nghiệm sống để biết cháu ứng dụng, xử sự. Trẻ con nơi thị thành nghỉ hè chẳng biết làm gì ngoài việc học thêm và thường xuyên mải mê chơi game, lướt mạng. Thực tế, nhiều phụ huynh vì muốn giữ chân con mình một chỗ để rảnh tay làm việc mà sẵn sàng thuê máy cho con ngồi đến 4-5 giờ chơi game online trong các quán net hoặc mua điện thoại thông minh cho con. Đến khi tựu trường, trẻ không còn say mê học hành mà ngược lại càng nghiện game hơn. 

Hiện nay, một số đơn vị có tổ chức những khóa học kỳ quân đội, kỹ năng sống... rất thực tế nhằm giúp trẻ học những kỹ năng xã hội, vừa được sinh hoạt nhóm, vui chơi đồng đội. Tuy nhiên chi phí các khóa học này khá cao nên không phải gia đình nào cũng có tiền để cho con em mình tham gia. 

Trẻ em đã quá mệt mỏi với 9 tháng học tập rồi, cho nên mùa hè cần cho trẻ thảnh thơi, làm điều mình yêu thích. Nếu nhà đơn chiếc thì cần tìm ra cách chu toàn để có lợi cho cha mẹ, lại hữu ích cho con cái. Giải pháp tốt nhất là gửi con về với ông bà nội, ngoại (hoặc cô, chú, dì, cậu...) ở làng quê để trẻ học hỏi, trải nghiệm cuộc sống khác, vừa thực tế, lại không tốn nhiều chi phí. Môi trường cơ cực trui rèn trẻ thành một người rắn rỏi, chịu khó, cần cù, biết đương đầu với khó khăn. Gia đình đều ở thành thị thì nên cho trẻ giữ nhà và làm một số công việc nhà, đọc sách, xem phim, nghe nhạc; chiều tối thì cho trẻ dạo phố; cuối tuần đưa trẻ đi sinh hoạt ở các câu lạc bộ giải trí, thể thao... hoặc cho trẻ học một môn năng khiếu, nếu trẻ chủ động đề nghị.

TRẦN THÁI HỌC

.
.
.