Thời tiết Nam Bộ đã chuyển sang mùa mưa, khí hậu nóng ẩm khiến bệnh hen dễ tái phát. Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng biến chứng của nó lại ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người bệnh.
Bác sĩ Lương Thúy Nguyệt thăm khám cho bệnh nhân mắc bệnh hen tại Bệnh viện Bà Rịa. |
NHIỀU NGƯỜI CÒN CHỦ QUAN
Ông Trần Văn Thành, 65 tuổi, ở thị trấn Long Hải, huyện Long Điền đã “sống chung” với bệnh hen gần 10 năm nay. Mỗi lần bệnh tái phát, ông đến bệnh viện khám và được điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, mỗi đợt uống thuốc thấy đỡ hơn là ông lại tự ý dừng điều trị, không đi tái khám. Vì vậy, ông đã phải 2 lần nhập viện cấp cứu do cơn hen kịch phát. Ông Thành chia sẻ: “Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bận mưu sinh kiếm sống, lo cho các con ăn học nên tôi không chú ý đến sức khỏe của mình. Đến khi bệnh nặng phải nằm viện mới thấy hậu quả của việc chủ quan với sức khỏe”.
Đã hơn 3 năm kể từ ngày bác sĩ chẩn đoán bị bệnh hen, bà Lê Thị Hạ Mến, 50 tuổi ở xã Bình Giã, huyện Châu Đức phải hứng chịu những cơn ho, khó thở khi thay đổi thời tiết. Bà cho biết, khi bắt đầu có những dấu hiệu của bệnh như mệt mỏi, khó thở, ho nhiều khi tiết trời thay đổi, bà đã không đi khám bác sĩ để phát hiện sớm bệnh hen, mà tự đi mua thuốc uống. Đến khi bệnh nặng, bà mới đến Bệnh viện Bà Rịa khám. Bác sĩ chẩn đoán bà bị mắc bệnh hen. Từ đó, bà phải thường xuyên đến bệnh viện để khám và điều trị bệnh.
Bác sĩ Lương Thúy Nguyệt, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bà Rịa cho biết, bệnh hen phế quản (HQ) diễn tiến lâu dài và gặp ở nhiều lứa tuổi. Triệu chứng điển hình nhất của HQ là ho và khò khè. Ho có thể kéo dài và thường xảy ra nhất là khi thời tiết chuyển mùa, nóng, lạnh đột ngột, ẩm ướt. Tuy vậy, biểu hiện trên cơ thể người bệnh khá bình thường, đôi khi chỉ là những cơn ho, đặc biệt là vào nửa đêm hoặc về sáng. Do vậy, bệnh nhân thường chủ quan không đi khám và điều trị sớm. Hơn nữa, tình trạng bệnh nhân không tuân thủ điều trị còn khá phổ biến, chiếm khoảng 50% trên tổng số bệnh nhân mắc bệnh HQ.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm thế giới có khoảng 334 ngàn người mắc bệnh HQ và khoảng 250 ngàn người tử vong, trong đó Việt Nam có khoảng 3.000 ca. Số bệnh nhân mắc bệnh HQ có xu hướng ngày càng gia tăng, hiện chiếm khoảng 4,1% dân số. Trong số này, chỉ có hơn 29% bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Còn ghi nhận tại Bệnh viện Bà Rịa, số bệnh nhân mắc bệnh hen điều trị tại đây đang có xu hướng tăng lên. Hiện nay, bệnh viện đang quản lý, điều trị cho hơn 1.802 bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính. So với năm 2017, con số này đã tăng thêm 15%. Thực tế, số lượng bệnh nhân HQ ngoài cộng đồng còn cao hơn rất nhiều.
CẦN QUẢN LÝ ĐIỀU TRỊ SUỐT ĐỜI
Theo bác sĩ Lương Thúy Nguyệt, HQ là một bệnh lý hô hấp mãn tính phổ biến và phải điều trị suốt đời. Bệnh nhân HQ nếu không được phát hiện và điều trị dễ gặp các biến chứng như: tràn khí màng phổi, gây tổn thương não, suy hô hấp… có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Do đó, bệnh nhân HQ phải được quản lý, kiểm soát theo dõi điều trị suốt đời.
Để quản lý và hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân HQ, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các câu lạc bộ dành cho bệnh nhân HQ. Cụ thể, câu lạc bộ HQ-COPD Bệnh viện Bà Rịa sinh hoạt 2 tháng/lần; Bệnh viện Phổi Phạm Hữu Chí tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ Hen-COPD tại các trung tâm y tế huyện. Tham gia các câu lạc bộ, bệnh nhân được phổ biến kiến thức, nâng cao hiểu biết về bệnh hen; hướng dẫn kỹ năng thực hành dùng thuốc; các biện pháp phòng tránh bệnh; cũng như tư vấn giải đáp thắc mắc cho người bệnh. Các bệnh nhân tham gia CLB đều có chuyển biến tốt trong điều trị bệnh; nhiều bệnh nhân không phải cấp cứu như trước. Nhờ đó, bệnh nhân giảm hẳn chi phí điều trị.
“Khi có các triệu chứng như: ho, khò khè, khó thở lặp đi lặp lại thường vào ban đêm hoặc sáng sớm, hay tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như: hít phải khỏi thuốc lá, môi trường hóa chất… bệnh nhân nên đến phòng khám chuyên khoa về hô hấp để được khám và điều trị kịp thời”, bác sĩ Nguyệt khuyến cáo.
Bài, ảnh: MINH THIÊN