Bảo đảm bình đẳng cho lao động nữ

Thứ Sáu, 14/06/2019, 19:16 [GMT+7]
In bài này
.

Lao động nữ (LĐN) hiện vẫn còn chịu thiệt thòi hơn so với nam giới trong nhiều lĩnh vực. Do vậy, Bộ luật Lao động sửa đổi đang lấy ý kiến rộng rãi quy định những vấn đề liên quan đến LĐN nhằm bảo đảm công bằng về việc làm, thời gian làm việc… cho LĐN. 

Người lao động, nhất là lao động nữ lo lắng trước đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu.  Trong ảnh: Người lao động Công ty TNHH Tùng Sơn (huyện Châu Đức) trong giờ sản xuất.
Người lao động, nhất là lao động nữ lo lắng trước đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Trong ảnh: Người lao động Công ty TNHH Tùng Sơn (huyện Châu Đức) trong giờ sản xuất.

Chịu thiệt về nhiều mặt

Hằng ngày, ngoài thời gian làm việc tại Công ty CP Dịch vụ môi trường và công trình đô thị Vũng Tàu, chị Đinh Thị Hạnh, 41 tuổi, còn nhận dọn nhà theo giờ. Làm công việc quét dọn vệ sinh và giúp việc nhà khoảng 12 giờ mỗi ngày, cộng với việc nhà và chăm sóc con cái khiến chị Hạnh không còn thời gian để nghỉ ngơi. Khi được hỏi lý do vì sao không dành thời gian nhiều hơn cho bản thân, chị Hạnh bộc bạch: “Chồng tôi mất vì bệnh ung thư năm 2018. Một mình tôi đi làm, tiền lương mỗi tháng chỉ được gần 5 triệu đồng, không đủ lo cho cuộc sống của ba mẹ con, chưa kể hai con gái của tôi đang tuổi ăn học. Nếu tôi không nhận việc làm thêm thì sẽ không đủ tiền nuôi con”.

Đó chỉ là một trong những ví dụ điển hình cho một bộ phận không nhỏ LĐN đang phải chịu nhiều thiệt thòi vì áp lực công việc mà họ gánh vác. Mới đây, khi nghe dự thảo Bộ Luật lao động đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu lên 60 tuổi, nhiều LĐN tỏ ra lo lắng nhiều hơn. Chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đề xuất tăng tuổi hưu, chị Trần Thị Liên, 42 tuổi, công nhân may Công ty TNHH May mặc Thăng Long (TP.Vũng Tàu) chia sẻ: “Tôi nghĩ với đặc thù công việc của mình, nếu tăng tuổi hưu sẽ không bảo đảm sức khỏe để làm việc. Mong muốn của tôi là 55 tuổi được nghỉ hưu để còn thời gian nghỉ ngơi”.

Khảo sát nguyện vọng của LĐN trước đề xuất tăng tuổi hưu, chúng tôi ghi nhận hầu hết, LĐN làm việc trong các KCN, lao động phổ thông đều không đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu. Phần lớn ý kiến đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu thuộc bộ phận lao động ở các cơ quan nhà nước, lĩnh vực nghiên cứu. Chị Phạm Thị Hà, 29 tuổi, công nhân đứng máy dệt Công ty TNHH Vũ Chân (KCN Tiến Hùng, TX.Phú Mỹ) cho biết: “Hàng ngày làm việc tôi phải đứng máy liên tục 12 tiếng. Trong điều kiện làm việc phải đứng nhiều nên tôi nghĩ tăng tuổi hưu lên mình sẽ làm không nổi. Bây giờ mỗi tối đi làm về tôi đều đau nhức xương khớp nên tăng tuổi hưu tôi nghĩ mình không đủ sức khỏe đáp ứng được công việc”.
 

Lao động nữ Công ty TNHH May mặc Thăng Long, TP.Vũng Tàu trong giờ sản xuất.
Lao động nữ Công ty TNHH May mặc Thăng Long, TP.Vũng Tàu trong giờ sản xuất.

Tạo điều kiện tốt nhất cho LĐN

Với mong muốn bảo đảm công bằng cho LĐN, dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi dành một chương riêng quy định các vấn đề liên quan đến LĐN. Trong đó, dự thảo đề xuất các phương án về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu người lao động bị ngược đãi, bị quấy rối tình dục hoặc bị cưỡng bức lao động. Trong một số trường hợp, LĐN mang thai có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Với người sử dụng lao động, họ không có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với người nghỉ việc theo chế độ thai sản, không được bố trí họ làm việc ban đêm, làm thêm giờ...

Tại hội nghị đóng góp ý kiến cho dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi ngày 20/5 vừa qua do LĐLĐ tỉnh tổ chức, nhiều cán bộ công đoàn đã đánh giá cao những đề xuất liên quan đến LĐN nêu trên. Theo ông Phan Thanh Tùng, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Prime Asia (KCN Mỹ Xuân A2, TX.Phú Mỹ) thì “Các quy định trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi được sửa đổi theo hướng tích cực, tại điều kiện thuận lợi cho LĐN, không ngăn cấm sử dụng lao động, bảo đảm tất cả lao động có quyền lựa chọn việc làm, cơ hội việc làm. Song về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu đối với LĐN tôi thấy chưa phù hợp, cần xem xét lại”.

Đối với dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đề xuất phương án tăng tuổi hưu lên 60 tuổi đối với LĐN, nhiều đại biểu cho rằng không phù hợp, cần một lộ trình dựa trên những nghiên cứu, căn cứ vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Tăng tuổi nghỉ hưu phải bảo đảm quyền nghỉ hưu của người lao động. Bà Trần Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch CĐ Các KCN tỉnh cho rằng, việc tăng tuổi hưu hoàn toàn không phù hợp với LĐN. Lý do hiện Việt Nam đã có quy định tăng giờ làm thêm, tăng ca 300 giờ/năm/lao động với cường độ làm việc này đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động. Trong khi, LĐN Việt Nam thể lực thấp bé, sức khỏe yếu, suy giảm khả năng lao động, không đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc tới 60 tuổi. Nhất là LĐN làm trong các ngành nghề môi trường công nghiệp, làm việc trong khu vực nặng nhọc, độc hại, trong một số ngành nghề đặc biệt phải được nghỉ hưu sớm hơn… “Hiện nay, nền sản xuất của chúng ta vẫn chưa phải là công nghiệp xanh. Rõ ràng việc bảo đảm sức khỏe cho LĐN còn hạn chế. Vì thế, cần khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu…”, bà Tâm chia sẻ.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

;
.