THÁNG HÀNH ĐỘNG VỀ AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG NĂM 2019 (TỪ NGÀY 1 ĐẾN 31-5)

Những nỗi đau không thể khỏa lấp

Thứ Sáu, 24/05/2019, 18:21 [GMT+7]
In bài này
.

Mỗi vụ tai nạn lao động nghiêm trọng luôn kéo theo những hệ lụy khôn lường. Nặng thì mất người, nhẹ thì mang dị tật suốt đời. Chưa hết, TNLĐ còn đẩy nhiều gia đình vào cảnh khốn khó, túng quẫn vì mất đi lao động chính trong gia đình. 

Chị Đỗ Thị Tuyền (bìa phải) nghẹn ngào kể về người con trai xấu số Đặng Văn Lộc.
Chị Đỗ Thị Tuyền (bìa phải) nghẹn ngào kể về người con trai xấu số Đặng Văn Lộc.

Chỉ vì một phút bất cẩn, Đặng Văn Lộc (19 tuổi, ấp Liên Đức, xã Xà Bang, huyện Châu Đức) đã phải bỏ lại sau lưng bao ước mơ hoài bão của tuổi thanh xuân. Tháng 7-2018, Lộc được nhận vào làm công nhân thu dọn các mảnh gạch vỡ tại chuyền đưa gạch vào tráng men tại Công ty TNHH Gốm Bạch Mã (KCN Mỹ Xuân A, TX.Phú Mỹ). Sáng 24-9-2018, Lộc đang đứng làm việc như thường lệ thì bị thanh chắn chuyền gạt trúng và bị ép vào khoảng hở giữa box chứa phôi gạch và thanh chắn hộp của sàn lấy gạch. Dù được đưa tới bệnh viện cấp cứu nhưng Lộc không qua khỏi. Điều tra của cơ quan chức năng xác định, Lộc bị tai nạn do không được huấn luyện ATVSLĐ và không nhận biết về mối nguy hiểm và phương pháp phòng ngừa TNLĐ trong quá trình làm việc.

Chị Đỗ Thị Tuyền, mẹ của Lộc đến giờ vẫn chưa nguôi nỗi đau mất con. Chị Tuyền cho biết, vợ chồng chị vừa làm rẫy, vừa làm mướn, gói gém lắm cũng chỉ đủ ăn. Nhà có 2 người con trai, người con lớn phải nghỉ học sớm đi chở cá thuê phụ giúp gia đình. Lộc học hết lớp 9 cũng xin mẹ nghỉ học đi làm kiếm tiền phụ mẹ trang trải cuộc sống. Chị Tuyền nói trong nước mắt: “Một bữa, Lộc về nói: Mẹ ơi, con không đi học nữa đâu, con ở nhà đi làm phụ mẹ. Tui động viên con ráng học nhưng Lộc vẫn quyết tâm xin đi làm. Buổi trưa hôm đó, cả nhà đang ngồi ăn cơm trưa thì chị họ qua báo Lộc bị tai nạn. Tới giờ, tui vẫn không tin mình đã mất con”.

Khi chúng tôi tới thăm, trong ngôi nhà nhỏ nằm ở thôn Long Hiệp, TT. Long Điền, huyện Long Điền chị Nguyễn Thị Thu Hà, 26 tuổi, mang bầu tháng thứ 6 đang ôm đứa con trai 4 tuổi vào lòng. Chị Hà và anh Nguyễn Phước Đức, 27 tuổi, mới kết hôn được hơn 4 năm. Kinh tế gia đình không lấy gì làm khá giả, anh Đức đi phụ hồ ngày chỉ được 250 ngàn đồng còn chị Hà làm công nhân may tại Công ty TNHH Changchun Vina với khoản tiền lương gần 4 triệu đồng/tháng. Ngôi nhà của vợ chồng chị được hai bên nội, ngoại hùn tiền xây cho. Trước kia, anh Đức thường đi làm xa, từ khi vợ chồng tính sinh thêm đứa con nữa, anh xin về gần nhà để tiện chăm sóc vợ con. Anh Đức mới đi làm ngày thứ 4 cho Công ty TNHH Kiến Huân (TT.Long Điền) thì bị tai nạn. Bần thần khi nhớ lại giây phút nhận hung tin của chồng, chị Hà kể: “Hôm đó chồng em đang đứng xây ở lầu 2 thì bị té từ trên cao xuống. Vợ chồng em tính năm nay sẽ làm, dành dụm tiền sinh thêm một đứa con nữa. Ai ngờ, anh ra đi quá bất ngờ. Khi đưa tang chồng được 2 ngày, em đi khám thì biết mình mang thai. Từ khi chồng mất tới nay, em không biết rồi ba mẹ con sẽ sống thế nào. Em chỉ biết mình cố gắng để giữ sức khỏe, không ảnh hưởng tới đứa con trong bụng”.

Cùng chịu nỗi đau mất chồng vì TNLĐ, chị Trần Thị Ngọc Tiên (ấp Cầu Ri, xã Sông Xoài, TX.Phú Mỹ) cũng đang cố gắng vực dậy để nuôi 2 đứa con thơ. Một bé 7 tuổi, còn bé 5 tuổi. Đứng lặng trước ban thờ chồng, chị Tiên nước mắt dàn dụa cho hay, anh Nguyễn Anh Quốc, 28 tuổi, mới vào làm công nhân tại Công ty TNHH LD Ống thép SENDO (KCN Phú Mỹ I) được 10 ngày thì bị TNLĐ. Ngày 7-3-2018, tại kho nguyên liệu, trong lúc đang cắt đai sắt niềng các cuộn thép thì bất ngờ anh Quốc bị các cuộn thép đè lên người gây tử vong. Nguyên nhân gây TNLĐ được xác định do anh Quốc chưa được huấn luyện về ATVSLĐ. Đồng thời, công ty không biên soạn nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ đối với công việc cắt đai sắt; Không tổ chức kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại ở khu vực nhà xưởng nhằm loại trừ, giảm các yếu tố nguy hiểm, có hại cho người lao động. Chị Tiên nói: “Trước kia, chồng là trụ cột kinh tế gia đình, em chỉ ở nhà lo nội trợ, đưa đón con đi học. Giờ chồng mất rồi, em phải gắng gượng làm chỗ dựa cho con, hiện em đang học nghề để xin việc làm nuôi con”. 

Đó chỉ là 3 trong số 12 hoàn cảnh thương tâm vì mất người thân trong các vụ TNLĐ xảy ra trong năm 2018. Trong đó, TNLĐ dẫn đến chết người xảy ra nhiều nhất là tại các DN sản xuất công nghiệp. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới TNLĐ là cả DN và người lao động vẫn còn chủ quan, xem nhẹ công tác huấn luyện ATVSLĐ; không tổ chức kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại ở khu vực nhà xưởng nhằm loại trừ, giảm các yếu tố nguy hiểm, có hại cho người lao động. Ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH chia sẻ, phía sau mỗi vụ TNLĐ là một thảm kịch bởi nhiều gia đình bị đẩy vào cảnh khó khăn khi mất đi lao động chính. Nhiều người vợ phải thay chồng gánh vác kinh tế, nuôi dạy con cái. Nhiều đứa trẻ lớn lên không có vòng tay người cha… “Nhìn vào thống kê các vụ TNLĐ mỗi năm sẽ phần nào thấy được hàng trăm cảnh khốn khổ của các gia đình. Tôi kêu gọi, các DN cũng như cả xã hội quan tâm, hỗ trợ gia đình người bị nạn, nhất là đối với con của họ để giúp gia đình vượt qua khó khăn, tiếp tục được học tập”, ông Khánh nói.

Dù công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ được tích cực triển khai, nhưng TNLĐ vẫn luôn thường trực, đòi hỏi các cấp, ngành và DN tiếp tục quan tâm để giảm tối đa nỗi đau cho người lao động và người thân. Theo ông Nguyễn Văn Điểu, Chánh thanh tra Sở LĐTBXH thì để ngăn ngừa TNLĐ thì DN tăng cường huấn luyện về ATVSLĐ; Quản lý tốt các mối nguy hiểm, nguy cơ rủi ro tiềm ẩn; đặt các cảnh báo, hướng dẫn an toàn tại nơi làm việc. Mặt khác, công tác quan trắc môi trường lao động phải được tăng cường nhằm giảm tai nạn, tác hại cho công nhân lao động. ATVSLĐ phải là yêu cầu, đòi hỏi tự thân của từng người lao động, bởi đó chính là sinh mạng, sức khỏe, quyền lợi, hạnh phúc của bản thân. 

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN 

 
;
.