Người lao động đang thờ ơ với bệnh nghề nghiệp

Chủ Nhật, 12/05/2019, 17:33 [GMT+7]
In bài này
.

Làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, người lao động (NLĐ) có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, những năm qua, cả NLĐ lẫn DN hiện vẫn còn thờ ơ, chưa chú trọng phòng ngừa và điều trị bệnh nghề nghiệp.

Công nhân làm tại bộ phận hàn của Công ty TNHH Thiết bị y tế A&I Việt Nam (KCN Mỹ Xuân A2, TX. Phú Mỹ) không sử khẩu trang, kiếng, nón bảo hộ.
Công nhân làm tại bộ phận hàn của Công ty TNHH Thiết bị y tế A&I Việt Nam (KCN Mỹ Xuân A2, TX. Phú Mỹ) không sử khẩu trang, kiếng, nón bảo hộ.

PHẢI XIN NGHỈ VIỆC VÌ NGUY CƠ BỊ ĐIẾC

Làm việc tại bộ phận sản xuất Công ty TNHH Thiết bị y tế A&I Việt Nam (KCN Mỹ Xuân A2, TX. Phú Mỹ) từ năm 2014 tới nay, anh Nguyễn Trường Sơn, 32 tuổi, công nhân chế tạo khung đang được theo dõi bệnh nghề nghiệp. Công việc thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn từ máy mài, máy cắt, bụi kim loại nhưng anh Sơn ít khi sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, nhất là nút tai chống ồn. Năm 2016, anh Sơn được chẩn đoán suy giảm chức năng hô hấp và khả năng nghe kém. Anh Sơn cho biết: “Từ lúc bắt đầu công việc, tôi thật sự chưa để ý đến bệnh nghề nghiệp, do đó hầu như không sử dụng nút tai chống ồn hay các dụng cụ bảo hộ lao động. Qua khám bệnh và chẩn đoán của bác sĩ, tôi thấy rất lo và sẽ chú trọng hơn đến việc bảo vệ mình trong quá trình làm việc”.

Thực tế, rất nhiều NLĐ dù phải làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, bị ô nhiễm bởi tiếng ồn… nhưng dửng dưng với việc sử dụng các thiết bị bảo hộ lao động. Đến khi phát hiện ra sức khỏe bị ảnh hưởng nặng thì lúc đó mới nghĩ đến việc phải sử dụng thiết bị bảo hộ lao động, thậm chí có người phải từ bỏ công việc. Anh Lê Hoài Đức (phường Rạch Dừa, TP.Vũng Tàu) là một ví dụ. Anh Đức cho hay, anh làm công nhân cơ khí được 6 năm. Đầu năm 2019, khi nhận thấy thính giác giảm và có nguy cơ bị điếc, anh Đức đã xin nghỉ việc. Anh Đức nói: “Tôi nghĩ do mình đã làm việc trong môi trường tiếng ồn lớn trong thời gian dài. Giờ đây, tôi cảm nhận khả năng nghe của mình kém hẳn. Nhiều khi nói chuyện với mọi người, tôi phải cố gắng tập trung mới nghe được. Còn lúc nghe điện thoại, dù mở âm lượng to hết cỡ nhưng tôi vẫn không nghe rõ phía bên kia nói gì. Khi lên Bệnh viện Tai-Mũi-Họng TP. Hồ Chí Minh khám thì được bác sĩ chẩn đoán giảm thính lực do tiếp xúc với tiếng ồn công nghiệp kéo dài. Bác sĩ khuyên tôi không nên kéo dài công việc vì nguy cơ bị điếc và tôi đành phải theo lời khuyên của bác sĩ”.
Theo thống kê của Sở LĐTBXH thì BR-VT có hơn 35.000 lao động làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh mới ghi nhận 199 trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp, 189 NLĐ được giám định bệnh nghề nghiệp. Song con số thực tế NLĐ mắc bệnh nghề nghiệp cao hơn gấp nhiều lần, do việc tổ chức khám chuyên khoa phát hiện bệnh nghề nghiệp cho NLĐ tại các DN vẫn chưa được chú trọng.
 
CẦN NÂNG CAO Ý THỨC, TRÁCH NHIỆM
 
Theo Bộ luật Lao động, DN phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ ít nhất 1 lần/năm; với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, ít nhất là 6 tháng/lần. Tuy vậy, trên thực tế, nhiều DN không thực hiện, thậm chí có những DN chỉ thực hiện cho có để đối phó với cơ quan chức năng. Theo ông Nguyễn Văn Điểu, Chánh Thanh tra Sở LĐTBXH thì hàng năm, qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã có hàng ngàn kiến nghị với người sử dụng lao động quan tâm đầu tư cải thiện điều kiện làm việc, phòng tránh các nguy cơ rủi ro, mất an toàn lao động và bảo đảm các chế độ chính sách về ATVSLĐ cho NLĐ. Nhất là quan tâm tới công tác phòng ngừa bệnh nghề nghiệp nhằm bảo vệ sức khỏe cho NLĐ. Tuy nhiên, một số DN vẫn chưa có sự quan tâm, đầu tư đúng mức về tổ chức kiểm soát nguy cơ dẫn tới bệnh nghề nghiệp, chưa chủ động tổ chức khám, phát hiện và điều trị bệnh nghề nghiệp cho NLĐ.
Theo khảo sát của Sở LĐTBXH thì bệnh nghề nghiệp phổ biến nhất hiện nay liên quan đến tiếng ồn, đường hô hấp. Theo nhận định của bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Hoa, Trưởng Khoa Sức khỏe nghề nghiệp, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, bệnh nghề nghiệp diễn tiến âm thầm, phát triển với quá trình lâu dài và ảnh hưởng lớn đến tâm lý, sức khỏe NLĐ. Đặc biệt, có những bệnh nghề nghiệp không có khả năng hồi phục như bệnh điếc. Bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Hoa cho biết: “Trong quá trình kiểm tra tại DN, tôi nhận thấy NLĐ làm việc trong môi trường tiềm ẩn nguy cơ về bệnh nghề nghiệp nhiều. Song đa số NLĐ vẫn chủ quan và không hiểu biết nhiều về bệnh nghề nghiệp. Có nhiều lao động mắc bệnh nghề nghiệp cũng không hay biết”.
Đứng trước những “khoảng trống” về phòng, chống bệnh nghề nghiệp, giải pháp hàng đầu hiện nay là tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức cho NLĐ để họ nghiêm túc sử dụng các thiết bị bảo hộ lao động khi làm việc. Các DN, ngoài việc trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động, cũng cần chú trọng tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Điểu, việc tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm về ATVSLĐ cũng là giải pháp thiết yếu, góp phần hình thành môi trường làm việc an toàn tại các DN.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

;
.