Thời tiết nắng nóng, nền nhiệt thất thường khiến lượng bệnh nhân là người già và trẻ nhỏ nhập viện tăng cao, chủ yếu là các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, huyết áp, rối loạn tiêu hóa…
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân điều trị tại Khoa Nhi BV Bà Rịa. |
BỆNH LÝ HÔ HẤP TĂNG CAO
Tại Khoa Tim mạch - Lão học, BV Lê Lợi, ông Chu Minh Sâm, 68 tuổi ở phường 8, TP.Vũng Tàu đang nằm viện điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (PTNMT). Ông Sâm có tiền sử cao huyết áp, tim mạch, PTNMT. Vào mùa nóng, bệnh của ông Sâm thường dễ khởi phát. Riêng mùa nắng nóng năm nay, ông Sâm phải nhiều lần nhập viện điều trị. Chỉ tính 3 tuần trở lại đây, ông đã hai lần nhập viện do bệnh PTNMT lên cơn tái phát, tăng huyết áp; mỗi lần vào viện ông Sâm đều phải nằm điều trị từ 8 - 10 ngày. Ông cho hay: “Cứ tầm 9 đến 10 giờ sáng là tôi cảm thấy trong người nóng bức, đau nhức đầu, khó thở, tức nghẽn ở ngực. Có lúc chóng mặt, không thể thở được, người nhà phải đưa vào nhập viện”.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Giàu, 84 tuổi, ở phường 3 (TP.Vũng Tàu) vừa nhập viện trong tình trạng khó thở, chóng mặt và đau đầu dữ dội. Bà Giàu có tiền sử tăng huyết áp, tiểu đường nhưng đây là lần đầu tiên bà phải nhập viện điều trị. Theo bác sĩ điều trị cho bà, bà bị rối loạn tiền đình cấp trên bệnh lý nền, khởi phát do ảnh hưởng bởi thời tiết nắng nóng.
Bác sĩ Trần Mạnh Tuân, Phó Trưởng khoa Tim Mạch - Lão học, BV Lê Lợi cho biết, số lượng bệnh nhân lớn tuổi mắc các bệnh lý tăng huyết áp, rối loạn tiền đình, PTNMT, tiêu chảy nhập viện tại khoa thời điểm này luôn tăng gần gấp đôi so với thời điểm trước tháng 4. Nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng, cộng thêm mưa đầu mùa làm cho nền nhiệt thay đổi thất thường khiến cho những bệnh mãn tính ở người già dễ lên cơn khởi phát, nhất là bệnh nhân mắc bệnh hen, PTNMT. Với bệnh nhân có bệnh lý tim mạch có thể ảnh hưởng gây nên những bệnh đột quỵ như nhồi máu não hay là xuất huyết não.
Theo số liệu thống kê tại khoa, từ đầu tháng 4 đến nay, số bệnh nhân phải nhập viện điều trị tại Khoa Tim mạch - Lão học đã tăng gần 40% so với thời điểm tháng 2. Hiện công suất giường bệnh tại khoa lên đến hơn 90%, đỉnh điểm có ngày lên đến hơn 100%. Riêng số bệnh nhân lớn tuổi mắc bệnh PTNMT nhập viện đã tăng gấp 4 lần so với thời điểm trước tháng 4.
Không chỉ người già, thời tiết nắng nóng cũng khiến trẻ nhỏ mắc bệnh tăng cao. Ghi nhận tại Khoa Khám bệnh, BV Bà Rịa, vào thời điểm này, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận khám bệnh cho khoảng 180 - 200 trẻ, cao điểm có khi hơn 210 trẻ/ngày, tăng cao hơn thời điểm trước tháng 4 khoảng 30 - 40 trẻ /ngày. Đa số trẻ bị viêm hô hấp trên cấp, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản… Còn tại Khoa Nhi của BV này, trung bình mỗi ngày có từ 80-90 trẻ nằm viện, trong đó nhiều trẻ bị nhiễm trùng đường ruột có nguyên nhân từ thực phẩm.
Ghi nhận tại BV Lê Lợi, số lượng bệnh nhi cấp cứu tăng hơn so với thời điểm trước tháng 4, chủ yếu là trẻ bị sốt cao, rối loạn tiêu hóa, các bệnh lý hô hấp. Phần lớn được điều trị ổn định, cho toa thuốc về nhà, chỉ từ 10-20 trẻ/ngày phải nằm viện điều trị; trong đó có 4 trường hợp bị sốt xuất huyết, 1 trường hợp mắc bệnh sởi.
PHÒNG BỆNH MÙA NẮNG NÓNG
Theo bác sĩ Trần Mạnh Tuân, Phó Trưởng Khoa Tim Mạch - Lão học, BV Lê Lợi, để phòng bệnh mùa nắng nóng, mọi người cần tạo môi trường sống thoáng mát; sử dụng quần áo, thiết bị bảo vệ khi ra ngoài trời nắng, tránh mắc mưa. Nếu gia đình sử dụng điều hòa thì nên điều chỉnh chế độ phù hợp, không thấp hơn nhiệt độ ngoài trời quá nhiều, để tránh hiện tượng sốc nhiệt. Đồng thời, cần thường xuyên uống nhiều nước, ăn thực phẩm dễ tiêu hóa.
Những người có tiền sử các bệnh lý về hô hấp, tim mạch, huyết áp cần tuân thủ uống thuốc, kiểm soát huyết áp đúng hướng dẫn của bác sĩ. Khi thấy có các dấu hiệu như thân nhiệt tăng cao, tiết nhiều mồ hôi, tim đập nhanh, thở dốc, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu cần kịp thời đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Về phòng tránh bệnh mùa hè cho trẻ em, bác sĩ Vương Quang Thắng, Trưởng Khoa Nhi, BV Bà Rịa cho biết, các bậc cha mẹ chú ý giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân cho trẻ nhỏ. Khi trẻ vận động toát mồ hôi, không nên cho trẻ ngồi trước quạt hoặc điều hòa quá lạnh sẽ dẫn đến cảm lạnh, viêm phổi. Cho trẻ uống đủ nước và ăn uống bảo đảm dinh dưỡng. Đặc biệt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế cho trẻ sử dụng thức ăn đường phố không rõ nguồn gốc, xuất xứ, các loại kem, nước đá lạnh... Khi trẻ có triệu chứng sốt cao, ho kéo dài, ói... gia đình cần đưa trẻ tới ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Bài, ảnh: MINH THIÊN