Ông Nguyễn Thanh Giang |
* Phóng viên: Thưa ông, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 có những điều chỉnh quan trọng nào trong công tác tổ chức thi, coi thi và chấm thi?
- Ông Nguyễn Thanh Giang: Về cơ bản, kỳ thi THPT Quốc gia 2019 vẫn giữ ổn định như năm 2018. Kỳ thi vẫn gồm có 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh GDTX). Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT (chủ yếu lớp 12), bảo đảm phù hợp năng lực HS phổ thông và có độ phân hóa phù hợp.
Tuy nhiên, kỳ thi năm nay, công tác tổ chức thi, coi thi, chấm thi có những điều chỉnh nhất định. Năm nay, các trường ĐH, CĐ tại địa phương không tham gia vào việc tổ chức thi mà công tác này giao cho Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các trường ĐH không nằm trên địa bàn. Tại tỉnh BR-VT, Trường ĐH Công nghệ TP. Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với Sở GD-ĐT để tổ chức kỳ thi. Trong đó, Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT; phối hợp với lực lượng công an, bảo vệ bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi. Còn Trường ĐH Công nghệ TP. Hồ Chí Minh quản lý, điều hành tất cả các quá trình của kỳ thi, từ coi thi, chấm thi, đánh giá kết quả kỳ thi...
Năm nay, các điểm thi và hội đồng thi đều đặt camera giám sát phòng chứa tủ đựng đề thi và bài thi 24/24 giờ, có công an bảo vệ, bảo đảm an toàn phòng chống cháy, nổ một cách nghiêm ngặt trong suốt quá trình diễn ra kỳ thi. Đặc biệt, ở khâu chấm thi, toàn bộ bài thi trắc nghiệm đều được chấm bằng máy với phần mềm chuyên dụng của Bộ GD-ĐT, do Trường ĐH Công nghệ TP. Hồ Chí Minh đảm nhiệm.
Ban Chấm thi trắc nghiệm chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ Ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia. Tất cả dữ liệu bài thi đều được mã hóa, gửi về Bộ GD-ĐT. Chỉ có bài thi tự luận (môn Ngữ văn) do GV của tỉnh đảm nhiệm. Bên cạnh sự giám sát của trường ĐH còn có đoàn thanh tra của Bộ giám sát các quá trình kỳ thi.
Một điểm mới đáng chú ý nữa là năm nay, thí sinh tự do, thí sinh GDTX được bố trí dự thi chung với thí sinh THPT chứ không bố trí điểm thi riêng như những năm trước. Những điều chỉnh về mặt kỹ thuật nhằm tăng tính bảo mật, an toàn, bảo đảm sự khách quan, công bằng cho tất cả thí sinh và đặc biệt là khắc phục những hạn chế, tồn tại của kỳ thi trước đó.
HS lớp 12A2 Trường THPT Lê Hồng Phong (TP. Vũng Tàu) tăng tốc ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019. Ảnh: KHÁNH CHI |
* Bên cạnh những điều chỉnh về mặt kỹ thuật thì việc xét tốt nghiệp năm nay có gì thay đổi, thưa ông?
- Năm 2019, công thức xét tốt nghiệp THPT cũng có sự thay đổi rất đáng lưu ý. Các năm trước, điểm trung bình các bài thi THPT chiếm 50% và điểm trung bình cả năm lớp 12 chiếm 50% điểm xét tốt nghiệp. Trong khi đó, năm nay, điểm trung bình các bài thi chiếm tới 70% và điểm trung bình cả năm lớp 12 chỉ chiếm 30% điểm xét tốt nghiệp. Có thể thấy, điểm các bài thi mang tính quyết định việc thí sinh có được tốt nghiệp THPT hay không. Còn điểm trung bình lớp 12, yếu tố được coi là “chiếc phao cứu sinh” trong xét tốt nghiệp ít quan trọng hơn. Điều này đòi hỏi các thí sinh tham dự kỳ thi năm nay không chủ quan và phải thực sự nỗ lực khi làm bài thi để trước hết là đậu tốt nghiệp, sau đó là xét tuyển ĐH, CĐ.
Năm 2019, thí sinh còn được cộng điểm nghề khi xét công nhận tốt nghiệp THPT. Theo đó, HS THPT, học viên GDTX trong diện xếp loại hạnh kiểm, học viên GDTX tham gia đồng thời chương trình trung cấp kết hợp với chương trình văn hóa theo chương trình GDTX cấp THPT có giấy chứng nhận nghề, bằng tốt nghiệp do Sở GD-ĐT, các cơ sở giáo dục dạy nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp trong thời gian học THPT được cộng điểm khuyến khích. Cụ thể, với giấy chứng nhận nghề loại Giỏi, bằng trung cấp loại Xuất sắc và Giỏi được cộng 2 điểm; giấy chứng nhận nghề loại Khá, bằng trung cấp loại Khá và Trung bình khá cộng 1,5 điểm; loại Trung bình cộng 1 điểm.
HS lớp 12A1 Trường THPT Lê Hồng Phong (TP. Vũng Tàu) ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019. Ảnh: KHÁNH CHI |
* Tới thời điểm này, ngành giáo dục đã chuẩn bị như thế nào cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019?
- Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia 2019, Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia cấp tỉnh, xây dựng phương án, kế hoạch thi. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh dự thi và cán bộ, giảng viên tham gia coi thi, toàn tỉnh sẽ thành lập 19 điểm thi với 514 phòng thi, đặt tại các trường THPT và THCS ở trung tâm các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, tăng 1 điểm thi so với năm 2018. HS huyện Côn Đảo cũng được bố trí thi ngay tại địa phương.
Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, toàn tỉnh có khoảng 12.011 thí sinh dự thi. Trong đó, dự kiến số thí sinh đã tốt nghiệp, dự thi để xét tuyển ĐH, CĐ là 415 em, thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp là 11.596 em.
|
Năm nay, toàn tỉnh tổ chức 1 hội đồng sao in đề thi và 7 tổ công tác giao nhận đề thi, bài thi tương ứng với 7 huyện, thị xã, thành phố trừ Côn Đảo, hoạt động dưới sự giám sát, bảo vệ chặt chẽ của lực lượng công an. Hội đồng sao in đề đặt tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Vào các ngày thi, các tổ công tác giao nhận đề thi, bài thi, có mặt tại hội đồng sao in đề thi từ 4 giờ sáng để nhận đề thi của ngày và vận chuyển đến các điểm thi theo sự phân công và nhận bài thi của ngày về bàn giao cho ban thư ký của hội đồng thi. Dự kiến, kỳ thi năm nay sẽ huy động 820 cán bộ coi thi là GV của tỉnh, 536 cán bộ coi thi là giảng viên ĐH, 80 cán bộ công an giám sát, 21 nhân viên y tế, 7 xe ô tô biển xanh phục vụ giao nhận đề, bài thi. Có thể khẳng định, tới thời điểm này, tỉnh BR-VT đã chuẩn bị chu đáo cả về nhân lực, cơ sở vật chất để bảo đảm kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 diễn ra thành công.
* Xin cảm ơn ông!
HOÀNG DƯƠNG (Thực hiện)