Chương trình “Hành trình đến trái tim” mà Tập đoàn Trung Nguyên Legend vừa mang đến với SV Trường Đại học BR-VT hôm 23-5, thông qua những câu chuyện, “những cuốn sách đổi đời”… đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các bạn trẻ trên con đường đi tìm “mật mã thành công”.
Các đại sứ của chương trình ký tặng sách cho SV ĐH BR-VT. |
5 hệ thức tạo nên “Mật mã thành công”
Có mặt tại “Hành trình từ trái tim”, chúng tôi mới cảm nhận hết sức nóng mà chương trình này lan tỏa. Với sự tham gia của gần 1.200 SV Trường ĐH BR-VT, toàn bộ hội trường không còn một chỗ trống. Nhiều bạn trẻ vẫn vui vẻ đứng bên ngoài hội trường để được đón nhận “những cuốn sách đổi đời” và lắng nghe những câu chuyện truyền cảm hứng. Dường như, không ít bạn đã được tiếp thêm động lực để mạnh dạn dấn bước trong cuộc hành trình đi tìm “mật mã của thành công”.
Với “Hành trình từ trái tim”, TS. Trần Hữu Đức, Giám đốc Đào tạo của Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã có những tiết lộ hết sức thú vị về “mật mã thành công” của những nhân vật nổi tiếng có tầm ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới. Lấy ví dụ từ Bill Gates, TS.Trần Hữu Đức cho biết, người giàu có nhất thế giới Bill Gates cũng đã thất bại nhiều lần trong cuộc đời. Tuy nhiên, để xây dựng một công ty phần mềm khi mới 17 tuổi, Bill Gates đã nhìn lại năng lực cốt lõi của bản thân mình, theo đuổi đến cùng đam mê, kết nối các nguồn lực, dám thách thức thất bại để đi tới thành công. Bill Gates là người có đam mê với máy tính từ nhỏ. Ông dành hàng giờ để tìm hiểu cách tạo chương trình. Ông quyết định “bỏ học” theo đuổi đam mê. Lấy đam mê làm động lực, những năm đầu, ông dùng gara là nơi làm việc, phát triển chương trình, mã hóa và học cách tạo một phần mềm phạm vi toàn cầu. Trong mọi hoàn cảnh, Bill Gates luôn nhìn về phía trước, không bao giờ nản mỗi khi gặp sai lầm hoặc trở ngại. Ông chia sẻ: “Ăn mừng thành công là tốt, nhưng rút ra bài học từ những thất bại còn quan trọng hơn”. Hay như câu chuyện của thiên tài Elbert Einstein, người đặt nền tảng cho triết lý khoa học hiện đại. Khi còn nhỏ, Einstein không hề có biểu hiện gì nổi trội, thậm chí là phát triển trí tuệ rất chậm. Trong thời gian đi học, sức học của Einstein kém đến nỗi, thầy hiệu trưởng trường Einstein theo học cũng quả quyết với cha cậu rằng “Thằng bé này mai sau lớn lên sẽ chẳng làm được gì đâu”. Thế nhưng, Einstein đã tự nhìn thấy những năng lực cốt lõi của bản thân qua quá trình tự học, tư duy không ngừng, từ những đam mê về đại số và không gian. Einstein không phải là thiên tài bẩm sinh, bản thân ông có những khiếm khuyết, nhưng ông đã biến những bất lợi thành lợi thế để học hỏi và nghiên cứu, xây dựng nền tảng khoa học vật lý cho đời sau.
Từ câu chuyện của những người nổi tiếng, TS.Trần Hữu Đức kết luận, hệ thức thành công chỉ bao gồm 5 yếu tố cấu thành: Khát vọng lớn; Xác định năng lực cốt lõi; Lập kế hoạch thực thi; Kết nối các nguồn lực; Dám thách thức thất bại. TS.Trần Hữu Đức khẳng định: “Công thức thành công này có thể áp dụng cho tất cả mọi người, nếu mỗi người biết tự nhìn lại mình, khơi dậy những khát vọng đang ngủ yên và quyết tâm theo đuổi khát vọng đó đến cùng”.
Những câu chuyện truyền cảm hứng
Không chỉ chia sẻ “mật mã thành công”, “Hành trình từ trái tim” còn mang đến cho SV BR-VT những câu chuyện truyền cảm hứng.
Ngọc Hân, Hoa hậu Việt Nam năm 2010 kể, tuổi thơ của cô từng trải qua nhiều áp lực khi có bố giỏi Toán, từng là thủ khoa ĐH Bách khoa Hà Nội năm 1976 và ông nội là nhà giáo ưu tú. Trong khi đó, kết quả học tập của Ngọc Hân lại khá lẹt đẹt. Tuy nhiên, Ngọc Hân lại có chiều cao nổi trội, rất thích thời trang và mơ ước trở thành người mẫu. Đam mê của Ngọc Hân đã khiến mẹ không ít lần rơi nước mắt, nhưng cô vẫn quyết tâm đăng ký tham gia CLB người mẫu khi mới 13 tuổi. Từng bị từ chối thẳng thừng khi xin vào lớp đào tạo người mẫu và suốt một thời gian dài ngồi ghế dự bị nhưng Ngọc Hân không bỏ cuộc. Cô luôn tự nhắc nhở mình: “Không có cơ hội này thì tự tìm kiếm cơ hội khác. Quan trọng là luôn tin ở chính mình”. Ngọc Hân đã nắm bắt cơ hội hiếm hoi được bước lên sàn diễn để thể hiện bản thân. Từ đó, Ngọc Hân tham gia các sàn diễn chuyên nghiệp để biến đam mê thành sự nghiệp, rồi tiếp tục đăng quang tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2010. Ngọc Hân chia sẻ: “Đam mê là vốn quý của chúng ta trong suốt hành trình cuộc đời. Trên con đường thành công của mỗi người không tránh khỏi những va vấp nhưng biết xác định năng lực cốt lõi sẽ giúp chúng ta tận dụng những cơ hội và vượt qua khó khăn, chỉ cần kiên trì và quyết tâm với đam mê, các cánh cửa luôn mở ra”.
Quán quân cuộc thi Người mẫu Việt Nam (Vietnam’s Next Top Model) năm 2013, Á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam năm 2017 Mâu Thủy lại gây ấn tượng với câu chuyện về xuất thân nghèo khó, 6 người trong gia đình sống trong căn nhà vỏn vẹn 35m2 ở một xóm nhỏ phức tạp. “Dù vất vả mưu sinh bằng việc bán hủ tiếu nhưng ba luôn dạy Thủy đọc sách, yêu sách để có tri thức và dạy Thủy phải cứng rắn, việc gì làm được phải tự làm chứ không được nhờ người khác”, Mâu Thủy kể. Dù nhiều lần “trắng tay” trên con đường chinh phục các cuộc thi người mẫu cũng như nhan sắc, Mâu Thủy nhận ra rằng: “Sau thất bại, bạn giống như người cầm trên tay một củ hành. Nếu cứ mải mê xắt nhỏ củ hành đó ra thì bạn chỉ càng rơi nước mắt. Tại sao không thêm nguyên liệu, gia vị để biến nó thành một món ăn của cuộc sống”.
Với những câu chuyện chân thực, “Hành trình từ trái tim” đã chạm đến trái tim để giúp những người trẻ có thêm nghị lực. Em Nguyễn Thị Phương Anh (SV Viện Du lịch-Điều dưỡng, ĐH BR-VT) chia sẻ: “Với những chia sẻ từ chương trình, em nhận ra rằng, trong cuộc sống, bất cứ ai cũng phải trải qua những khó khăn, thử thách. Thành công chỉ đến với những ai có khát vọng, quyết tâm thực hiện khát vọng của mình. Chương trình giúp em xóa bỏ những mặc cảm, thêm trân trọng giá trị của bản thân và suy nghĩ lạc quan trước mọi thử thách trong cuộc sống để tiếp tục thực hiện ước mơ của mình”. Đó cũng là cảm nhận chung của rất nhiều bạn trẻ khi tham gia chương trình.
HOÀNG DƯƠNG