Tháng Năm và tháng Sáu là cao điểm của kỳ thi học kỳ II, thi vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT, áp lực của HS trong thời gian này đôi khi không chỉ đến từ việc học tập, thi cử mà lại chính là từ người lớn-các bậc phụ huynh. Chăm sóc con và cùng con vượt qua kỳ thi một cách nhẹ nhàng, thoải mái chính là nhiệm vụ, là điều các bậc phụ huynh cần thật sự quan tâm.
Tham gia các hoạt động ngoại khóa, vui chơi, giải trí sẽ giúp HS thoải mái, không bị áp lực trong học tập, thi cử. Trong ảnh: GV và HS trường THPT Châu Thành (TP. Bà Rịa) tìm hiểu sách tại Ngày sách Việt Nam lần thứ VI năm 2019. Ảnh: PHÚC LƯU |
Chị Hoàng Thúy Huệ (phường 3, TP. Vũng Tàu) có con đang học lớp 12 cho biết: “Tôi thấy các kỳ thi học cũng khá căng thẳng đối với con. Do đó, ngoài thời gian cháu học kỳ và ôn tập trên lớp, tôi cùng con ôn tập tại nhà. Ngoài ra, tôi cũng dành thời gian trò chuyện về mục tiêu học tập, thi cử của con, đưa con tham gia một số hoạt động ngoại khóa, nên cháu không còn bị áp lực thi cử nữa”.
Trái ngược với cách quan tâm, chăm sóc con của chị Hoàng Thúy Huệ, chị Trần Mỹ Ngọc (phường 8, TP. Vũng Tàu) lại cho rằng: Con mình chưa xác định rõ được mục tiêu nên hay lơ là học tập. Do vậy, lúc nào chị cũng phải theo sát con. Ngoài giờ học ở trường, chị bắt cháu học thêm đủ các môn. Mục tiêu chị đặt ra cho con là phải luôn giữ vững danh hiệu HS xuất sắc, nếu không thì “xấu hổ lắm!”.
Trong thực tế, có gia đình cùng con vượt qua các kỳ thi trong đời nhẹ nhàng, vui tươi. Có gia đình lại vô cùng căng thẳng, cả nhà đều cảm thấy áp lực, mỗi khi đến kỳ thi của con là “cả nhà cùng thi”. Em Nguyễn Ngọc Linh, HS lớp 8 một trường THCS ở TP. Vũng Tàu chia sẻ: “Ba mẹ chỉ muốn con được điểm cao trong khi sức học của con chỉ khá thôi. Cho nên lúc nào con cũng thấy rất căng thẳng, mệt mỏi”.
Việc quan tâm con quá mức và tạo áp lực trong việc học hành, thi cử có thể dẫn đến những căn bệnh về tâm lý. Đó là luôn cảm thấy mình là người vô dụng, thất bại, tránh tiếp xúc với người khác, chán ăn, mất ngủ, không muốn giao tiếp, sợ hãi mỗi khi nghĩ đến việc học, từ chối đến trường và từ chối duy trì các mối quan hệ với bạn bè thầy cô. Nặng hơn là tự làm tổn hại cơ thể để giảm căng thẳng do tâm lý gây ra. Rất nhiều trường hợp thần kinh bị tổn hại nghiêm trọng dẫn đến việc không còn nhận thức được các vấn đề trong cuộc sống và phải điều trị tại bệnh viện tâm thần.
Vết thương cơ thể có thể nhìn thấy và điều trị, nhưng tổn thương tâm lý không thể nhìn thấy nên đôi khi ba mẹ không nhận ra được những vết thương này để giúp con giải tỏa hoặc điều trị kịp thời. Quan tâm con là việc làm vô cùng đúng đắn và cần thiết của ba mẹ. Nhưng tạo áp lực cho con lại vô cùng nguy hiểm. Điều này dẫn đến tình trạng, số lượng trẻ đi khám tâm lý vì áp lực thi cử, học hành, điểm số ngày càng tăng. Đa số các cháu mắc bệnh trầm cảm vì không thể chia sẻ với ba mẹ cũng như những người xung quanh mình và kết quả là thần kinh luôn căng thẳng. Các cháu luôn trong tình trạng sợ hãi, thậm chí có ý định tự tử.
Trong mọi vấn đề của cuộc sống, học hành, thi cử là một điển hình về hậu quả của việc gây áp lực tâm lý. Việc cân đối hài hòa giữa việc học và giải trí là rất cần thiết. Ngoài việc giúp con tập trung học tốt vào những khoảng thời gian nhất định trong ngày thì ba mẹ nên giúp con cảm thấy thoải mái hơn bằng các hoạt động ngoại khoá, các giờ giải lao thư giãn theo ý thích của con. Có như vậy, bộ não sẽ được tái tạo năng lượng và việc tiếp thu kiến thức của các cháu cũng đạt kết quả cao hơn rất nhiều. Học liên tục cộng với áp lực tâm lý sẽ không làm cho các cháu tiếp thu kiến thức tốt hơn mà ngược lại, bộ não sẽ “lập rào chắn” để chống lại điều mà nó không ưa thích.
Lập một kế hoạch nghiêm túc để con có thể cân đối giữa việc học, vui chơi thư giãn cộng với một chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp con và ba mẹ vượt qua những kỳ thi một cách nhẹ nhàng, khoa học và hiệu quả.
Chuyên gia tâm lý: LÊ THỊ LAN PHƯƠNG