Bệnh Viện Lê Lợi: Cứu sống bệnh nhân bằng quy trình "Báo động đỏ"
Là bệnh viện (BV) đa khoa tuyến tỉnh, BV Lê Lợi thường tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Từ năm 2018 đến nay, BV Lê Lợi đã hoàn thiện quy trình “Báo động đỏ” xử lý nhanh, khẩn, phối hợp nhiều chuyên khoa để tận dụng “thời gian vàng” cứu sống bệnh nhân.
Bác sĩ Đàm Quang Tùng, Khoa Ngoại BV Lê Lợi kiểm tra vết thương cho bệnh nhân vừa được phẫu thuật cấp cứu thoát khỏi cơn nguy kịch. |
Bệnh nhân N.T.H. (31 tuổi, ngụ tại TP. Vũng Tàu) được đưa vào BV Lê Lợi cấp cứu lúc 22 giờ đêm 16-5 trong tình trạng có nhiều vết thương nặng do dao đâm vào ngực và bụng. Bệnh nhân mất nhiều máu, mạch huyết áp không đo được. Nhận định bệnh nhân bị sốc mất máu, nguy kịch nên các bác sĩ nhanh chóng kích hoạt “Báo động đỏ” nội viện và chuyển bệnh nhân vào phòng mổ.
Bác sĩ các khoa: Hồi sức tích cực và Chống độc, Ngoại, Chẩn đoán hình ảnh cùng tham gia vừa hồi sức vừa phẫu thuật khẩn cấp cho bệnh nhân. Ê kíp mổ xác định bệnh nhân bị thủng cơ hoành, rách màng tim, tổn thương gan. Các bác sĩ đã nhanh chóng khâu vết thương, cầm máu, hồi sức cho bệnh nhân. Lãnh đạo trực BV cũng có mặt để tham gia điều hành, giám sát việc thực hiện quy trình “Báo động đỏ”. Ca mổ thành công, bệnh nhân được cứu sống và tiếp tục điều trị tại khoa Hồi sức tích cực và Chống độc của BV.
Bác sĩ Vũ Thị Phương Nga, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc tham gia ca phẫu thuật chia sẻ: “Khi nhận được điện thoại kích hoạt “Báo động đỏ”, từ bác sĩ đến điều dưỡng, hộ lý của khoa đều trong tâm thế sẵn sàng, nhanh chóng có mặt phối hợp hỗ trợ hồi sức, xử trí cấp cứu cho bệnh nhân”.
Trước đó, tối 10-5, BV cũng tiếp nhận 2 trường hợp cấp cứu trong tình trạng bị thương nặng, nguy hiểm tính mạng. Qua chẩn đoán, đánh giá tình trạng bệnh nhân, các bác sĩ nhận định một trường hợp bị đâm thủng tim, gan, phổi, trường hợp còn lại thì vết thương ngay cổ gây đứt khí quản, chỉ lệch vài mm là đứt động mạch cảnh cổ. BV đã kích hoạt “Báo động đỏ”, huy động các bác sĩ ngoại khoa, bác sĩ hồi sức cấp cứu cùng các bác sĩ trực ca nhanh chóng phẫu thuật may vết thương, cầm máu cho bệnh nhân. Nhờ đó, cả 2 bệnh nhân đều được cứu sống.
Bác sĩ Đàm Quang Tùng, Khoa Ngoại, tham gia ê kíp phẫu thuật trên nhớ lại: “Hôm đó không phải là ca trực tại BV của tôi nhưng khi BV kích hoạt “Báo động đỏ”, chưa đầy 10 phút sau, tôi đã có mặt để phối hợp cùng các bác sĩ tham gia ca phẫu thuật cấp cứu bệnh nhân. Thực hiện quy trình này, các bác sĩ ngoại khoa như tôi đều phải trong tâm thế trực thường trú, điện thoại luôn mở 24/24 để BV có thể điều vào hỗ trợ bất kỳ lúc nào”.
Bác sĩ Trần Thiện Trường, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Lê Lợi cho biết, trong quy trình “Báo động đỏ”, để đẩy nhanh quá trình cấp cứu bệnh nhân, quy trình chẩn đoán và xử trí có thể rút ngắn một số bước, đặc biệt là thủ tục hành chính (như hồ sơ bệnh án, bảo hiểm, kinh phí, hội chẩn, xét nghiệm máu, X-quang, siêu âm…). Các tình huống khởi động hệ thống “Báo động đỏ” thường là những trường hợp bệnh nhân bị thương nặng, mạch huyết áp không đo được, mất nhiều máu, suy hô hấp hay những trường hợp có thai ngoài tử cung, vỡ tử cung gây choáng nặng, sản giật hay tiền sản giật.
“BV đã triển khai quy trình “Báo động đỏ” từ vài năm trước. Tuy nhiên, từ năm 2018, quy trình mới được xây dựng một cách bài bản và hoàn thiện các bước, rút ngắn thời gian xử trí, cấp cứu, gia tăng cơ hội cứu sống những bệnh nhân nguy kịch mà sự sống phải giành giật từng giây, từng phút. Năm 2019, lãnh đạo BV đã cập nhật lại quy trình “Báo động đỏ”, giao trách nhiệm cụ thể hơn và thống nhất cách làm việc với các khoa. Đến nay, quy trình “Báo động đỏ” đã đi vào hoạt động bài bản hơn, sự phối hợp giữa các khoa đã nhịp nhàng, chủ động hơn trước. Nhờ đó, phần lớn các trường hợp bệnh nhân nguy kịch đưa vào cấp cứu tại BV đều đã được cứu sống”, bác sĩ Trường cho biết thêm.
Bài, ảnh: MINH THIÊN