Bệnh sởi đang trong chu kỳ nguy hiểm

Thứ Sáu, 10/05/2019, 16:46 [GMT+7]
In bài này
.

Theo dự đoán của các chuyên gia y tế, năm 2019, dịch sởi sẽ bùng phát, theo chu kỳ 4-5 năm/lần. Điều đáng lo ngại là trong thời điểm nguy cơ dịch sởi bùng phát thì một số người vẫn thờ ơ với việc đưa con đi tiêm vắc xin phòng loại bệnh này.

Tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ tại Trạm Y tế phường 10, TP.Vũng Tàu.
Tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ tại Trạm Y tế phường 10, TP.Vũng Tàu.

TRẺ MẮC SỞI DO CHƯA TIÊM PHÒNG

Mới đây, BV Lê Lợi tiếp nhận bệnh nhi N.T.T. (9 tuổi, ở phường 5, TP. Vũng Tàu) đến khám trong tình trạng sốt cao hơn 40 độ, thuốc hạ sốt không có tác dụng. Toàn thân bé T. nổi ban đỏ, ho nhiều, khò khè, khó thở. Qua thăm khám, làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán T. mắc bệnh sởi, có biến chứng viêm phổi. Bé được nhập viện và điều trị nội trú tại Khoa Nhi. Sau hơn 1 tuần điều trị, sức khỏe của bé đã ổn định và được xuất viện. Theo thông tin từ gia đình, bé chưa từng được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi. Chị N., mẹ bé cho biết: “Gia đình quê ở Tây Ninh, vào Vũng Tàu sinh sống từ năm 2011, lúc đó bé T. mới được 1 tuổi. Hồi ở quê tôi không nhớ đã chích ngừa cho con hay chưa. Còn từ hồi đến Vũng Tàu sinh sống thì chưa đưa bé đi chích ngừa lần nào. Vợ chồng đi làm hồ cả ngày đến gần tối mới về nên chẳng có thời gian đưa con đi chích ngừa”. 

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tính đến hết tháng 4-2019, toàn tỉnh ghi nhận 24 trường hợp mắc sởi, 90 trường hợp nghi ngờ mắc sởi, tăng cao hơn so với cùng kỳ (cả năm 2018 chỉ có 11 trường hợp mắc sởi, 30 trường hợp nghi mắc sởi). Đáng lo ngại, trong số 114 trường hợp mắc sởi và nghi ngờ mắc sởi, có đến 100 trường hợp không tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh sởi.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi tại BV Bà Rịa.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi tại BV Bà Rịa.

Vì sao phụ huynh thờ ơ với việc đưa con đi chích ngừa sởi? Có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do gia đình thiếu quan tâm đến lịch tiêm phòng của con hoặc do ảnh hưởng từ phong trào tẩy chay vắc xin.

Năm 2019 là năm mà các chuyên gia y tế dự đoán dịch sởi sẽ bùng phát, thường lặp lại sau chu kỳ 4-5 năm. Việc các bậc phụ huynh chủ quan, lơ là và tẩy chay vắc xin phòng bệnh sởi sẽ tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho trẻ và khiến cho công tác phòng chống dịch sởi càng trở nên khó khăn.

CẦN CÓ CHẾ TÀI XỬ PHẠT

Trong tình hình dịch sởi đang bùng phát tại nhiều quốc gia, trong đó có nguyên nhân từ việc phụ huynh không đưa con đi tiêm vắc xin, mới đây Bộ trưởng Bộ Y tế Đức đã đề xuất, các bậc phụ huynh từ chối tiêm phòng sởi cho con sẽ phải chịu mức phạt hành chính lên tới 2.500 euro (2.800 USD) tương đương với 65 triệu đồng. Còn tại Úc, Mỹ cùng với một số quốc gia châu Âu đã bắt đầu áp dụng các hình thức xử phạt đối với những phụ huynh không cho con mình đi tiêm phòng. Tại Úc, những ngôi trường cho phép những đứa trẻ không tiêm phòng đi học cũng sẽ bị xử phạt. Đây là một động thái có phần mạnh tay đối với những người thuộc nhóm “anti vắc xin” (chống lại việc tiêm vắc xin), nhưng có lẽ đó là nỗ lực đối phó cần thiết trong bối cảnh các dịch bệnh nguy hiểm như sởi đang có nguy cơ bùng phát cao. Hiện tại, Úc đang cố gắng đưa tỷ lệ trẻ em được tiêm phòng trở lại con số 95%.

Điều dưỡng chăm sóc, kiểm tra sức khỏe cho một bệnh nhi điều trị bệnh sởi tại BV Lê Lợi. Ảnh: MINH THIÊN
Điều dưỡng chăm sóc, kiểm tra sức khỏe cho một bệnh nhi điều trị bệnh sởi tại BV Lê Lợi. Ảnh: MINH THIÊN

Theo bác sĩ Nguyễn Anh Quan, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, việc các nước áp dụng chế tài nghiêm khắc cho thấy, tiêm vắc xin phòng bệnh sởi là hết sức quan trọng, là trách nhiệm bắt buộc đối với người dân. Đáng tiếc là tại Việt Nam, việc áp dụng chế tài vẫn chưa được thực hiện. Hiện nay, biện pháp chính ở nước ta vẫn là tuyên truyền, vận động người dân đưa con đi tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh.

Điều này đặt ra yêu cầu, bên cạnh việc duy trì tốt việc tiêm vắc xin sởi cho trẻ tại trạm y tế từ 9 tháng tuổi, ngành y tế cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông để phụ huynh hiểu rõ hơn tác dụng, lợi ích của vắc xin. Đồng thời, nhân viên y tế cũng tiếp tục vận động và khuyến khích các cha mẹ và gia đình tham gia phối hợp cùng ngành y tế cho con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Ngành cũng có văn bản yêu cầu tất cả các cơ sở tiêm chủng dịch vụ công lập và tư thục đều buộc phải tư vấn và hướng dẫn gia đình trẻ tiêm vắc xin sởi tại các trạm y tế hoặc tại các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố.

Bệnh sởi là bệnh theo mùa, thường gặp ở trẻ nhỏ và là bệnh lành tính. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách trẻ có thể bị biến chứng rất nặng như: viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não tủy… và có thể dẫn đến tử vong. Trong khi đó, các dấu hiệu ban đầu của bệnh sởi lại tương đồng với sốt phát ban nên thường khiến phụ huynh chủ quan, dẫn đến trẻ bị bệnh sởi không được điều trị kịp thời, khiến cho trẻ dễ rơi vào tình trạng nguy hiểm. Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi đúng lịch vẫn là cách phòng bệnh cho trẻ hiệu quả nhất. Tất cả mọi người chưa bị sởi lúc còn nhỏ hoặc chưa được tiêm phòng vắc xin sởi, nếu tiếp xúc với các mầm mống gây bệnh đều có khả năng bị nhiễm bệnh, do đó người lớn cũng không được chủ quan với loại bệnh này, và đặc biệt, phụ nữ phải chủ động tiêm phòng sởi trước khi mang thai, nhằm tránh nguy cơ sảy thai, đẻ non.

 (Bác sĩ Lê Thị Thu Trang, Trưởng Khoa Nhi, BV Lê Lợi)

“Tiêm phòng vắc xin không chỉ tạo hệ thống miễn dịch chủ động phòng tránh các bệnh hiểm nghèo cho trẻ mà còn tạo miễn dịch cộng đồng nhằm giảm nhanh tỷ lệ mắc các bệnh cũng như tiến tới thanh toán các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em. Tình trạng trẻ không được tiêm vắc xin sởi khi trẻ được 9 tháng tuổi rất đáng lo ngại; bởi sau một thời gian miễn dịch cộng đồng ở nhóm tuổi này bị giảm, tất yếu dẫn đến tình trạng bệnh sởi sẽ bùng phát thành dịch”, bác sĩ Quan cho biết thêm.  

Bài, ảnh: MINH THIÊN

 
;
.