Băn khoăn về chất lượng bán trú ngoài trường học

Thứ Năm, 02/05/2019, 18:14 [GMT+7]
In bài này
.

Do nhu cầu tăng cao, trong khi số lượng trường lớp bán trú ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh chưa đủ đáp ứng được nhu cầu, vì vậy loại hình dịch vụ bán trú tư nhân ngoài trường học - bán trú vệ tinh, ra đời. Có cung thì có cầu là tất yếu, tuy nhiên việc kiểm tra, giám sát các cơ sở này đang là một dấu hỏi lớn.

Do thiếu phòng ngủ nên HS trường TH Phước Thắng, TP.Vũng Tàu phải ngủ trưa ngay tại lớp học.
Do thiếu phòng ngủ nên HS trường TH Phước Thắng, TP.Vũng Tàu phải ngủ trưa ngay tại lớp học.

GIẢI QUYẾT ĐƯỢC NHU CẦU TRƯỚC MẮT

Vào khoảng từ 10 giờ 30 tới 11 giờ trưa, tại cổng một số trường TH trên địa bàn TP.Vũng Tàu, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những chiếc taxi hoặc xe hợp đồng nối đuôi nhau nằm chờ trước cổng trường để đón HS về các địa điểm bán trú vệ tinh. Qua tìm hiểu của chúng tôi, dịch vụ bán trú vệ tinh thường là do các trung tâm bồi dưỡng văn hóa, hay các gia đình giáo viên tận dụng phòng ốc mở ra, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của PHHS có con đang học ở những trường không tổ chức bán trú, hoặc không có đủ lớp bán trú. Chẳng hạn, tại Trường TH Lê Lợi, vào giờ tan trường thường có khoảng 5 chiếc xe đón HS đưa đến địa điểm bán trú vệ tinh tại một trung tâm bồi dưỡng văn hóa trên đường Ngô Đức Kế (phường 7). Trong vai một phụ huynh có nhu cầu xin bán trú cho con, chúng tôi đã liên hệ với đại diện trung tâm và được biết, dịch vụ bán trú do trung tâm liên kết với một số GV lớp 1 và lớp 2 của trường TH Lê Lợi tổ chức. Ngoài ăn, nghỉ trưa cho HS, trung tâm còn tổ chức cho một số HS ôn luyện kiến thức vào buổi chiều từ 14 giờ 30 phút tới 16 giờ 30 phút.

Tương tự, tại Trường TH Phước Thắng, kết thúc buổi học sáng, HS được đưa về một số địa điểm bán trú vệ tinh cách trường từ 2-3km trên đường 30-4 (phường 11). Tại Trường TH Đoàn Kết, một số HS được đưa về ăn nghỉ trưa ở bán trú vệ tinh tại một ngôi nhà riêng tại hẻm 37, đường Tú Xương.

Bữa trưa của HS Trường TH Phan Chu Trinh, xã Cù Bị, huyện Châu Đức.
Bữa trưa của HS Trường TH Phan Chu Trinh, xã Cù Bị, huyện Châu Đức.

Trên địa bàn TX.Phú Mỹ, tình trạng này cũng không khác mấy. Chị C.H., phụ huynh HS lớp 1, Trường TH Quang Trung cho hay: “Ngay từ đầu năm học, GV chủ nhiệm lớp đã hỏi ý kiến xem phụ huynh nào có nhu cầu cho con bán trú ngoài trường học do cô mở. Nếu đăng ký, từ thứ 2 đến thứ 4 hàng tuần, cứ hết giờ học buổi sáng sẽ có người đến đón các bé, đưa bằng taxi tới nơi bán trú, cho các bé ăn, nghỉ trưa rồi khoảng 1 giờ chiều lại đưa đến trường”. Cũng theo chị H., mỗi lớp như con chị đang theo học có khoảng 10 HS. Chị H.Y, một tiểu thương ở TX.Phú Mỹ thì nhận thấy bán trú trong trường quá tải nên chị và một số phụ huynh khác lựa chọn bán trú ngoài trường học do GV chủ nhiệm mở.

Học sinh Trường TH Đoàn Kết, TP.Vũng Tàu được đưa đến một ngôi nhà riêng nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Tú Xương để bán trú. Ảnh Khánh Chi
Học sinh Trường TH Đoàn Kết, TP.Vũng Tàu được đưa đến một ngôi nhà riêng nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Tú Xương để nghỉ trưa và học thêm buổi chiều. Ảnh: KHÁNH CHI

Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá dịch vụ tại các địa điểm bán trú vệ tinh được chia làm 2 loại. Nếu phụ huynh chỉ có nhu cầu cho trẻ bán trú (bao gồm đưa đón, ăn, ngủ trưa) thì mức phí khoảng 800-900 ngàn đồng. Còn phụ huynh có nhu cầu cho trẻ học thêm thì đóng thêm học phí dao động từ 500-700 ngàn đồng/tháng. Qua khảo sát của PV, hầu hết các cơ sở bán trú vệ tinh đều đi kèm với dịch vụ dạy thêm, học thêm. Với HS tiểu học học 1 buổi/ngày, các em thường học thêm vào buổi chiều, từ khoảng 14 giờ 30 đến 16 giờ 30 phút. Với HS tiểu học học 2 buổi/ngày, các em học thêm vào buổi tối, khung thời gian từ 17 giờ 30 đến 21 giờ.

DẤU HỎI VỀ CHẤT LƯỢNG

Ra đời từ nhu cầu bức thiết của phụ huynh HS, nhưng việc quản lý loại hình bán trú vệ tinh vẫn hoàn toàn bị “thả nổi”. Các vấn đề về mất an toàn vệ sinh thực phẩm, xâm hại tình dục hay áp lực học tập có thể nảy sinh. Trên thực tế, trên địa bàn tỉnh đã từng xảy ra vụ trẻ bị dâm ô tại một cơ sở dịch vụ bán trú vệ tinh trên địa bàn huyện Châu Đức. Người bị hại là 3 bé gái đang học tại một trường Tiểu học trên địa bàn, còn kẻ phạm tội là chồng của cô giáo nghỉ hưu, người tổ chức dịch vụ bán trú. Phải mất một thời gian dài thì vụ việc mới bị phát hiện.

Trong khi đó, về phía phụ huynh, việc lựa chọn dịch vụ bán trú cũng không có định hướng rõ ràng về tiêu chí. Theo chị C.H., phụ huynh HS Trường TH Quang Trung (TX.Phú Mỹ), tiêu chí để chị và một số phụ huynh lựa chọn bán trú ngoài trường học chủ yếu dựa vào… lòng tin và cảm nhận chủ quan chứ không có bất cứ căn cứ hay tiêu chuẩn nào. Chị H. cho hay: “Từ đầu năm học, gia đình tôi gửi con trai và cháu gái tại một cơ sở bán trú gần trường. Về nhà, cháu gái khóc và nói không muốn ở bán trú nữa do ăn cơm không no”.

Trong khi bán trú ngoài trường học vẫn tồn tại để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của phụ huynh, các cấp có thẩm quyền cần gấp rút xây dựng hành lang pháp lý để quản lý loại hình này. Trong đó, cần quy định rõ các điều kiện, tiêu chuẩn tổ chức dịch vụ bán trú, cách thức tổ chức hoạt động, cơ quan có thẩm quyền quản lý, cấp phép... Cùng với đó, cần tăng cường kiểm tra, không để xảy ra tình trạng dạy thêm học thêm “núp bóng”, “biến tướng” gây áp lực cho HS trong học tập, vi phạm quy định chung của ngành.

(Ông Phạm Văn Ngọc, Trưởng Phòng GD-ĐT TP. Vũng Tàu)

Còn chị N.T.T có con trai T.P.N đang học lớp 3 Trường TH Nguyễn Viết Xuân (TP.Vũng Tàu) cho biết, hàng tuần, từ thứ 2 đến thứ 5, N. học bán trú tại trường, còn thứ 6 sau giờ học buổi sáng, N. và 34 HS khác được GV chủ nhiệm thuê xe ô tô chở đến lớp học thêm bên ngoài trường. Địa điểm con chị gửi là căn nhà 2 tầng nằm trong Trung tâm đô thị Chí Linh (phường 10). Lớp học ở tầng 1, diện tích khoảng 10m2 nhưng có đến 35 HS được xếp ngồi từ 4-6 em/bàn. Qua lời kể của em N., sau khi tan học ở trường, em và các bạn được ô tô chở về địa điểm học để ăn, ngủ trưa. Xe có 16 chỗ ngồi nhưng có 35 bạn nên HS phải ngồi chen chúc nhau, nhiều em phải đứng suốt cả đoạn đường đi. Vào giờ ngủ trưa, HS nam, nữ đều nằm chung trên nền nhà, thậm chí nằm cả trên bàn học để ngủ trưa.

Bà Hà Thị Thanh Thuận, Trưởng Phòng Giáo dục MN-TH, Sở GD-ĐT cho biết, hiện nay loại hình dịch vụ bán trú ngoài trường học đã và đang tồn tại nhưng lại chưa có bất cứ quy định nào của pháp luật về quản lý. Điều đó khiến ngành giáo dục gặp khó khăn khi kiểm tra, giám sát.

Khi gửi con bán trú ở ngoài trường học, phụ huynh cần tìm hiểu rõ hoàn cảnh gia đình, điều kiện tại các cơ sở gửi trẻ, đồng thời chú ý đến những biểu hiện bất thường của trẻ để có biện pháp can thiệp kịp thời. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng cần thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở các cá nhân, tổ chức nhận giữ trẻ thực hiện tốt công tác chăm sóc, quản lý trẻ, không để xảy ra những sự việc đáng tiếc.

(Ông Nguyễn Văn Trực, Phó Phòng GD-ĐT huyện Châu Đức).

Nhìn nhận về vấn đề này, cô Phạm Thị Thanh Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường TH Lê Lợi (TP.Vũng Tàu) cho rằng, các bếp ăn bán trú ngoài trường học hiện không chịu bất kỳ sự kiểm soát nào nên không có tiêu chuẩn về dinh dưỡng cũng như các điều kiện an toàn cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm đi kèm. Ngoài ra, cũng không có bất cứ tiêu chí nào để đánh giá điều kiện sinh hoạt của HS tại các cơ sở này.

Về phía Sở GD-ĐT, bà Hà Thị Thanh Thuận, Trưởng Phòng Giáo dục MN-TH cho biết, thời gian tới, ngành sẽ tăng cường nắm bắt thực trạng bán trú ngoài trường học. Cùng với đó, Sở GD-ĐT sẽ làm việc với phòng GD-ĐT, chính quyền các địa phương để xem xét nhu cầu bán trú thực tế tại các trường TH, cùng bàn bạc để đưa ra giải pháp tốt nhất.

Bài, ảnh: BÙI HƯƠNG, KHÁNH CHI

;
.