Trước thực trạng nạn xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng phức tạp, đã đến lúc cả hệ thống chính trị, cộng đồng cần phải vào cuộc quyết liệt, tạo “tường rào” vững chắc bảo vệ trẻ chống lại nạn xâm hại tình dục.
Kiến thức giáo dục giới tính, phòng chống xâm hại tình dục còn được GV lồng ghép vào môn GDCD ở bậc THCS. Trong ảnh: Cô Dương Thị Dung, GV môn GDCD, Trường THCS Vũng Tàu trao đổi với HS kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục. |
XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG AN TOÀN CHO TRẺ
Theo bà Trương Thị Ánh Ngà, Phó Phòng Bảo trợ xã hội - Sở LĐTBXH, thời gian qua, Sở LĐTBXH đã phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai các mô hình hỗ trợ trẻ em bị xâm hại trên địa bàn tỉnh; xây dựng mô hình thành phố an toàn cho trẻ… Mục đích là trang bị kiến thức cho phụ huynh, học sinh để giúp các em nhận biết các hành vi xâm hại tình dục, các kỹ năng phòng ngừa tự bảo vệ bản thân; dũng cảm tố cáo những kẻ có hành vi xâm hại tình dục.
Tuy nhiên, để những mô hình này hoạt động hiệu quả, cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; đặc biệt là vai trò trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp. Đồng thời, cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong nhân dân, nhất là công tác phòng chống xâm hại tình dục; tuyên truyền, quảng bá về đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em “Phím số diệu kỳ 18001567” và tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Qua đó giúp người dân và trẻ em liên hệ miễn phí khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em.
Về phía các địa phương, cần chú trọng việc nâng cao năng lực cho cán bộ, cộng tác viên làm công tác trẻ em về luật pháp, chính sách liên quan đến trẻ em, các kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tư vấn, tuyên truyền vận động; xây dựng, củng cố mạng lưới làm công tác trẻ em các cấp… Để thông qua mạng lưới này, trẻ em bị xâm hại hoặc có dấu hiệu, nguy cơ bị xâm hại được kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ, ngăn chặn hành vi xâm hại. Bên cạnh đó, cần huy động sự vào cuộc của các tổ chức hội, đoàn thể tại địa phương trong công tác hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị xâm hại cả về vật chất lẫn tinh thần.
“Chúng tôi cũng kiến nghị tăng mức hình phạt đối với các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Các cơ quan điều tra cần có biện pháp phát hiện kịp thời, ngăn chặn các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, các cơ sở, công trình và hộ gia đình gây mất an toàn cho trẻ em. Có thái độ quyết liệt và xử lý nghiêm các tội phạm bạo hành, xâm hại trẻ em”, bà Ngà đề xuất.
Cùng vào cuộc ngăn chặn nạn xâm hại tình dục trẻ em
Để tăng cường phòng chống xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã có công văn số 3397 ngày 16-4 chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp tham mưu UBND tỉnh có giải pháp quyết liệt nhằm giảm thiểu thấp nhất tình trạng xâm hại tình dục trẻ em và trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về pháp luật, chính sách liên quan đến trẻ em; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp, cộng tác viên các biện pháp can thiệp nhằm bảo vệ trẻ em; tăng cường cung cấp các dịch vụ xã hội liên quan đến bảo vệ chăm sóc trẻ em, xây dựng thí điểm nhà tạm lánh, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; cung cấp thông tin đường dây nóng, số điện thoại tổng đài quốc gia 111, số điện thoại khẩn cấp của Trung tâm 24/24 trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện các chủ trương chỉ đạo của tỉnh về công tác phòng chống xâm hại tình dục trẻ em… |
Theo luật sư Vũ Anh Thao, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật rất quan trọng nhằm hỗ trợ, nâng cao nhận thức về bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục. Đồng thời, cần có những sửa đổi, điều chỉnh luật trong xác định tội danh, khung hình phạt cho phù hợp, đúng mức và nghiêm khắc hơn dành cho tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
TRANG BỊ KỸ NĂNG PHÒNG TRÁNH XÂM HẠI CHO TRẺ
Bà Võ Thị Lệ Huyền, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Đức cho biết: “Trong quá trình tham gia hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị xâm hại, chúng tôi gặp không ít trường hợp gia đình từ chối cung cấp thông tin, không muốn tố giác hành vi của người xâm hại. Chính vì vậy, đã tới lúc chúng ta cần có những việc làm cụ thể, thiết thực để giúp các em nhỏ trang bị kỹ năng tự bảo vệ mình thông qua tổ chức các lớp kỹ năng hướng dẫn cách tự phòng, tránh, để các em tự bảo vệ mình”.
Cô Nguyễn Thị Minh, Hiệu trưởng Trường TH Phước Thắng (TP.Vũng Tàu) cho rằng: “Hiện nay, do tác động của môi trường, điều kiện sống nên sự phát triển tâm sinh lý ở trẻ ngày càng sớm. Trong khi đó, độ tuổi trẻ bị xâm hại ngày càng sớm. Do đó, các em cần được giáo dục giới tính, phòng ngừa xâm hại từ nhỏ, ngay từ bậc học MN với những nguyên tắc cơ bản để tự bảo vệ mình. Đây cũng là tiền đề để trẻ khỏi bỡ ngỡ, sẵn sàng tiếp cận với kiến thức, kỹ năng để phòng chống xâm hại tình dục cho bản thân”.
Về phía ngành GD-ĐT, ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, thời gian tới, ngành GD-ĐT sẽ có những giải pháp cụ thể để tăng cường công tác giáo dục giới tính trong nhà trường; trong đó chú trọng giáo dục kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em.
Dạy trẻ nguyên tắc bàn tay
Khi trẻ lên 3 tuổi, đang học bậc MN, trẻ cần được dạy các nguyên tắc đồ lót, nguyên tắc bàn tay để nhận biết được những vùng cấm trên cơ thể. Theo nguyên tắc đồ lót, khu vực mặc đồ lót là cấm kỵ, không cho người khác chạm vào. Ai đụng vào là người xấu mặc dù đó là người thân. Bố mẹ hay bác sĩ muốn động vào khu vực này phải được sự đồng ý của con. Theo nguyên tắc bàn tay, bên trong bàn tay là bố mẹ được ôm con. Ngoài bàn tay là ông bà, anh chị được cầm tay. Đầu ngón tay là hàng xóm, họ hàng chỉ chơi cùng, không được chạm vào cơ thể. Người ngoài thì phải xua tay, không cho động vào cơ thể. Trẻ học lớp 1 cần biết em bé được tạo ra như thế nào. HS lớp 2, 3 cần được biết về dậy thì, cơ thể phát triển ra sao, kinh nguyệt là gì, những vấn đề gặp phải khi đến tuổi dậy thì. HS lớp 4, 5 cần được xem những clip về bệnh lây qua đường tình dục, cánh phòng tránh thai, quan hệ tình dục khi còn là trẻ em thì hậu quả ra sao. HS lớp 6, 7, 8, 9 tiếp cận ở mức độ cao hơn như đặt ra các tình huống về tình yêu, tình dục để các em xử lý, hoặc vấn đề lớn hơn như hôn nhân cận huyết có ảnh hưởng như thế nào đến thế hệ tương lai. Đến khi bước vào cấp 3, các em đã được tiếp cận gần như toàn bộ kiến thức về giáo dục giới tính. (Tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) |
Đặc biệt, các nhà trường cần xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa gia đình, nhà trường, xã hội và giữa các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức với trẻ em nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp thực hiện công tác phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em. Ban giám hiệu nhà trường, GV chủ nhiệm, GV bộ môn, cán bộ lớp chủ động phát hiện các trường hợp học sinh có dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại, thông báo, cung cấp thông tin và phối hợp các cơ quan có thẩm quyền để xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định pháp luật các đối tượng bạo lực, xâm hại trẻ em; Can thiệp, hỗ trợ nhanh chóng, hiệu quả, giảm tối đa các tổn hại và đảm bảo các quyền, lợi ích của trẻ em. Bên cạnh đó, ngành phối hợp với các địa phương và ngành chức năng rà soát các tiêu chuẩn trường học bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
NHÓM PHÓNG VIÊN
----------------
Bài 1: Nỗi đau của trẻ bị xâm hại